B-danh tước là đồng đẳng với B-phôn, B-sách. Chúng cùng ở trong một trường nghĩa, mà như đã sử dụng từ trước, mình gọi là trường nghĩa B. Tức "Bom".
Riêng chữ "danh tước" là mượn của nhà văn đa danh tước Mark Lê Twain.
Về "lưỡng quốc tiến sĩ" thì mới đầu mình tưởng là chuyện nói bằng miệng. Nhưng hóa ra không phải thế. Nó hiển hiện trên giấy trắng mực đen. Chả là, mới thấy một cuốn sách ghi rõ ràng như vây.
Bây giờ là một số tư liệu liên quan. Cụ Đỗ Văn Khang thì là thầy dạy môn mĩ học của bọn mình hồi đại học. Cụ rất quí học trò. Ngày ấy, gia đình thầy trồng một vườn hoa trên sân thượng của khu tập thể Kim Liên - Trung Tự. Bọn mình đã đến xem vườn hồng nhà thầy.
Bây giờ là tư liệu.
1. Sách xuất bản:
2. Một bài viết:
Lưỡng quốc Tiến sĩ Đỗ Văn Khang- Người của một thời
Thứ tư - 25/09/2013 19:25
Có một người thầy mà nhiều thế hệ sinh viên trường viết văn Nguyễn Du và sinh viên khoa Triết trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn luôn nhớ đến, đó là Lưỡng quốc Tiến sĩ khoa học (TSKH) Đỗ Văn Khang. Người xếp Lưỡng quốc TSKH vào những người nổi tiếng thế kỉ XX là Giáo sư Hà Minh Đức- nguyên viện trưởng viện Văn học, người được giải thưởng Hồ Chí Minh tháng 2- 2012.
Như chúng ta đã biết, một người có được bằng Tiến sĩ khoa học thuộc lĩnh vực xã hội đã là khó, vậy mà Đỗ Văn Khang lại đạt được những hai bằng TSKH thuộc hai chuyên ngành khác nhau, đó là Ngữ văn và Mỹ học của hai trường Đại học hàng đầu hai nước: Đại học tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn) và Đại học Quốc gia Nga (người Việt Nam đỗ thủ khoa tại trường Đại học Quốc Gia Lomonoxop- cộng hòa Liên bang Nga danh tiếng).
Các công trình của TSKH Đỗ Văn Khang tập trung vào ba lĩnh vực chính là: Mỹ học (triết học của nghệ thuật), Lý luận văn học và Nghệ thuật học. Ba lĩnh vực này Đỗ Văn Khang đều là chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam. Các sách quan trọng và thành tựu ở các lĩnh vực này đều do ông viết hoặc chủ biên.
Về học thuyết khoa học, Đỗ Văn Khang đã đóng góp hai học thuyết khoa học quan trọng sau đây:
— Thuyết trường thẩm mỹ.
— Thuyết tổng sinh lực và sinh lực thừa.
— Thuyết trường thẩm mỹ.
— Thuyết tổng sinh lực và sinh lực thừa.
Về thuyết trường thẩm mỹ: Thuyết này phát triển từ hiện tượng thử bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới. Trong một lần nghiên cứu ảnh hưởng của các nền văn hóa (thế giới và Việt Nam), Đỗ Văn Khang đã nhận thấy trong các mối quan hệ giữa con người, giữa các dân tộc có mối quan hệ rất đặc biệt là “quan hệ trường”. Ảnh hưởng mà bấy lâu nay chúng ta chưa chú ý tới đó là con người chịu ảnh hưởng của từ trường, điện trường, trường sinh học còn có trường văn hóa, trường thẩm mỹ. Đỗ Văn Khang đã đi sâu vào nghiên cứu vụ thử bom nguyên tử đầu tiên làm cơ sở và sau đó dựa vào thuyết “trường thẩm mỹ”, ông đã dự báo rất sớm về khủng hoảng văn chương, đồng thời đã tích cực định hướng qua phê bình văn học. Đỗ Văn Khang đã có nhiều bài nghiên cứu từ năm 1979 để “bắt mạch văn học cho đúng”. Sau đó Đỗ Văn Khang đã có nhiều phát hiện văn của Nguyễn Huy Thiệp là văn nói ngược, văn xuyên tạc lịch sử, văn hằn học hung hãn táo tợn, ông dự báo loại văn này sẽ chết trong bài “có bằng cách đọc Vàng Lửa” (Văn Nghệ số 36, 37, ngày 3- 9- 1988) và bài “Vì sao văn của Nguyễn Huy Thiệp ngày càng sa sút” trong cuốn “Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp” (Nxb Văn hóa Thông tin 2001 trang 410).
Đồng thời Đỗ Văn Khang cũng đã chỉ ra lý luận phê bình của Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến là quá nhầm lẫn, nhiều võ đoán, suy nghĩ còn hời hợt rất vội vàng trong suy tư thẩm mỹ (bài viết “Hành trình suy tư văn học”, in trong Bình Văn Hiện Đại, Nxb Lao Động 2010 trang 375).
Mặt khác, chính nhờ cái thuyết trường thẩm mỹ, Đỗ Văn Khang đã phát hiện những cây bút mới và biểu dương kịp thời như nhà văn Ông Văn Tùng với đề tài Việt Nam trong giai đoạn kinh tế thị trường.
Về phê bình, Đỗ Văn Khang đã kịp thời phát hiện một nguồn văn tươi trẻ, nhân đọc bài “Có thể giải thiêng lịch sử không?” của Nguyễn Ngọc Ánh đăng trên báo Văn Nghệ số 37 ra ngày 12- 09- 2009
Ngoài ra, thuyết trường thẩm mỹ còn dùng để dự báo văn hóa, dự báo kinh tế và cả chính trị nữa.
Về thuyết tổng sinh lực và sinh lực thừa:
Thuyết này xuất phát từ bản chất con người là một thực thể hành động luôn tiêu phí năng lượng của bản thân. Theo Đỗ Văn Khang thì con người phải lao động để có “tiền”. Sau khi “ tái sản xuất”, con người có một “quỹ” gọi là “sinh lực thừa”, quỹ này nếu không có cách sử dụng hợp lý sẽ phát sinh rất nhiều tiêu cực như nạn cờ bạc, bia rượu, ma túy... Đỗ Văn Khang còn cho rằng, hãy quan sát một cá thể mà xem, chỉ khi ngủ người ta mới nằm im, nhưng tỉnh dậy là phải đi lại, nói năng, ăn uống... Không giây phút nào mà không tiêu pha sinh lực. Nếu ứng dụng thuyết này vào lĩnh vực văn hóa thì Bộ Văn hóa và du lịch sẽ có những phương sách phù hợp để con người sử dụng sinh lực thừa, vì ở văn hóa và du lịch có yếu tố “du hý” còn gọi là yếu tố “xã hội” nơi tiêu sinh lực thừa một cách hợp lý.
Đỗ Văn Khang còn có nhiều đóng góp về văn học và nghệ thuật. Về văn học dân gian, Đỗ Văn Khang đã đề nghị Bộ Giáo dụ và Đào tạo cho chỉnh sửa lại truyện Trầu- Cau- Vôi có ba nhân vật, nếu chúng ta bỏ một trong ba nhân vật thì truyện chỉ còn là truyện phong tục. Nếu bỏ đi một nhân vật chuyện thì đã bỏ mất một cái mã thời đại (code). Thời đại Hùng Vương đã từ Mẫu hệ chuyển sang Phụ hệ, sang Phụ hệ mới có ghen tuông, mới có chuyện người em trai bỏ đi để người anh khỏi hiểu lầm. Trầu- Cau- Vôi còn nói kiếp này họ không được ở cùng nhau, người em phải hóa thành đá (để nung vôi). Cây cau là người anh, dây trầu là người vợ quấn quýt quanh cây cau, hòa trộn trong miếng trầu làm đầu câu chuyện, mới thành triết lý trong truyện Trầu- Cau- Vôi. Như vậy, truyện quá hay, nhiều ý nghĩa ẩn cả mã thời đại (code). Truyện như vậy mà biến thành truyện phong tục thì tiếc quá, như thế là không hiểu văn chương.
Đỗ Văn Khang còn cho rằng trong truyện dân gian thời cổ, có triết lý “Ác giả ác báo”. Yếu tố này Immanuel Kant (1770- 1831), nhà mỹ học người Đức, xếp vào cái trác tuyệt rợn ngợp. I.Kant cho rằng con người cần được bồi dưỡng khả năng biết “đồng vọng với cái vĩ đại”. Khi đồng vọng với cái vĩ đại, tâm hồn con người cũng có lúc bị cái ác, cái khủng khiếp làm ngộp thở, nhưng khi vượt qua rồi thì tâm hồn con người trở nên cao hơn cái ác, cái khủng khiếp. Đỗ Văn Khang cho rằng đối với một số truyện như “Tấm Cám” thì không nên loại khỏi sách giáo khoa mà cứ để như vậy cũng được. Như truyện Tấm Cám, vấn đề là phải đánh giá đầy đủ giá trị thẩm mỹ và cái mã thời đại (code) trong truyện kể dân gian.
Trong số những phát hiện văn chương của Lưỡng quốc TSKH Đỗ Văn Khang, thì phát hiện Bình Ngô Đại Cáo không phải của Nguyễn Trãi là phát hiện sâu sắc nhất, có tác dụng sửa chữa sai lầm của mấy trăm năm lịch sử.
Cách phát hiện rất ngắn gọn, rất khoa học, và rất thuyết phục. Các thế hệ trước không phải không có người băn khoăn về Bình Ngô Đại Cáo, nhưng phương pháp của người đi trước là xét văn bản, mà văn bản thì không còn vì sau vụ án Lệ Chi Viên, giấy tờ bị đốt sạch. Vậy còn đâu văn bản để tra cứu xem chữ nào của Lê Lợi, chữ nào của Nguyễn Trãi? Đỗ Văn Khang đã chọn một phương pháp rất hiện đại và chính xác đó là phương pháp “hệ hình” với phương pháp “loại trừ và gạt bỏ”. Sau đó Đỗ Văn Khang đề nghị nói đầy đủ rằng Bình Ngô Đại Cáo là của Lê Lợi do Nguyễn Trãi soạn thảo.
Dành gần cả cuộc đời và tâm huyết cho việc nghiên cứu khoa học, nay đã gần 80 tuổi (Lưỡng quốc TSKH sinh ngày 01- 06- 1934), Đỗ Văn Khang vẫn dành thời gian giảng dạy mỹ học cho sinh viên khoa Triết trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, dạy mỹ học cho sinh viên trường viết văn Nguyễn Du, hướng dẫn một số luận văn Thạc sĩ triết học... Với những đóng góp và cống hiến của mình, Đỗ Văn Khang đã được giáo sư Hà Minh Đức gọi là “người của một thời”.
Thành công của Đỗ Văn Khang trong nghiên cứu khoa học, luôn có hình bóng của người vợ mà ông yêu thương nhất, ông có một gia đình hạnh phúc, con cháu ngoan ngoãn và rất nhiều thế hệ học trò thành đạt. Đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của Đỗ Văn Khang, “Lưỡng quốc tiến sĩ, người của một thời”
Tác giả bài viết: Nguyễn Thiển
http://vanhien.vn/vi/news/nghien-cuu/Luong-quoc-Tien-si-Do-Van-Khang-Nguoi-cua-mot-thoi-440/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét