Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Chí sĩ Hồ Học Lãm - Cụ Hồ đầu tiên - qua hồi tưởng của một người con (tiếp theo)

Vì cuốn hồi kí của bà Hồ Mộ La (con gái thứ hai của cụ Hồ Học Lãm) khá dài, nên phải chia thành các entry nhỏ.

Đọc lời giới thiệu và các chương trước ở đây.

Một bài viết về bà Hồ Mộ La trên QĐND năm 2010:

"

Bác Hồ với gia đình nhà giáo Hồ Mộ La

QĐND - Thứ Năm, 18/11/2010, 13:52 (GMT+7)


QĐND -  Nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La năm nay 81 tuổi, nhà ở căn hộ cao tầng 96 phố Định Công - Hà Nội. Thời bà là ca sĩ, giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia thì nhiều người biết. Nhưng chuyện Bác Hồ gửi thư xưng “chú Minh” thì nay bà mới kể.
Chúng tôi ôn chuyện cũ
Nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La, nguyên giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Nội.
Ngày đó, từ tháng 10-1961 sau Đại hội XXII Đảng Cộng sản Liên Xô đến Hội nghị 81 Đảng cộng sản và công nhân quốc tế, Bác phải làm việc nhiều, căng thẳng kéo dài, do nhiều đảng đề nghị Người dùng uy tín lớn lao và kinh nghiệm phong phú làm chỗ dựa hòa giải để các bên xích lại gần nhau. Ông Vũ Kỳ đi phục vụ Bác hồi ấy từng viết nhiều về sự giảm sút sức khỏe của Người bắt đầu từ đây do hết sức lo lắng cho khối đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa và phong trào cách mạng thế giới, có phần ảnh hưởng đến công cuộc giành độc lập thống nhất đất nước ta.
Những ngày nghỉ hiếm hoi của Bác, ông thường bảo anh em ở Đại sứ quán Việt Nam tại Mát-xcơ-va gọi mấy cháu đang học ở đây như Mộ La vào ăn cơm cho Bác vui. Các bạn Hồng Anh, Châu, Nga… vào bàn ăn, cô nào cũng muốn được ngồi bên Bác, được gắp thức ăn cho Bác – ngon nhất là nem rán, cá kho… do nhà bếp Đại sứ quán nấu thêm hợp khẩu vị đưa vào, Bác bảo: - Bác nhận rồi. Spaxibơ Balsôie! (cảm ơn nhiều). Mọi người cười vui. Bác giơ tay ra hiệu: Trise! (Yên lặng chút). Lại cười rộ. Bác bảo: Nhưng “lộc bất tận hưởng”. Bây giờ “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Lại cười vang, vỗ tay trong khi Bác đứng lên gắp cho vào bát mỗi người một cái nem.
Cháu nào ngồi cạnh Bác, thành lệ, được giữ hộp thuốc lá của Bác, định giờ đưa Bác một điếu. Có cô thích quá, đưa Bác trước giờ hẹn, Bác phê bình: - Phạm kỷ luật “nhà kho” đấy! Giữ hộp thuốc là để Bác hạn chế hút... Bác cháu lại cùng cười phá lên…
Chúng tôi ôn chuyện cũ mà bùi ngùi, lòng lắng lại, nhớ Bác, đời mình ơn Bác như trời biển.
Một dòng danh gia vọng tộc
Bà Mộ La người nhỏ nhắn, dáng vẫn nhanh nhẹn như ngày nào, rất mẫn tuệ, nhớ nhiều, cách nói khúc chiết, mạch lạc, đúng nghề nhà giáo. Hỏi về thân phụ, bà mong và hẹn có dịp được nói rõ hơn, đúng hơn về cha mình và Bác Hồ với mối quan hệ buổi mở đầu một thời kỳ lịch sử quan trọng. Bà tỏ ý tiếc, ngay cả đến danh tính thân phụ Hồ Học Lãm ở một vài bài viết, cả đến một đường phố ở Vinh trước đây cũng sai chữ lót: Học thành Ngọc. Gia đình phải làm đơn đề nghị sửa lại: Hồ Học Lãm (Học là xem).
Cha bà theo cụ Phan Bội Châu sang Nhật trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục từ năm 1906. Đông Du thất bại, cụ Phan giới thiệu ông vào học Trường Sĩ quan Bảo Định - Hà Nam, cùng khóa với Tưởng Giới Thạch. Ông tham gia cuộc cách mạng Tân Hợi – 1911 do Tôn Trung Sơn, lãnh tụ Quốc dân Đảng lãnh đạo. Sau ngày Tổng thống Tôn Trung Sơn qua đời (1925), Tưởng Giới Thạch làm binh biến (1927) thay đổi đường lối chính trị, cha tôi vẫn được nể trọng, được điều công tác về Bộ Tổng Tham mưu tại Nam Kinh – Giang Tô. Gia đình vẫn là điểm hẹn, nơi nuôi dưỡng anh em ăn ở như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trịnh Đông Hải…, sau đó là Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên… Đây cũng là nơi cung cấp tin tức mỗi khi người của ta bị bắt hoặc bị đe dọa đến tính mạng.
Bà kể: Năm 1936, qua liên lạc với Lê Thiết Hùng là chồng của chị cả Hồ Diệc Lan cùng là đồng môn sĩ quan trong quân đội Quốc dân Đảng với cha tôi, Bác Hồ đề nghị cha đứng ra xin phép lập Việt Nam độc lập Đồng minh Hội (tên tắt Việt Minh) để có danh nghĩa hợp pháp đoàn kết các lực lượng yêu nước trong kiều bào; một mặt cũng là để phân rõ thái độ, chính kiến một số người như Nguyễn Hải Thần, Nghiêm Kế Tổ, Vũ Hồng Khanh, Vi Đăng Tường… (rồi, như đã biết, năm 1941 Bác Hồ thành lập Việt Nam độc lập Đồng minh, cũng gọi tắt là Việt Minh, nhưng là “Mặt trận” dưới sự lãnh đạo của Đảng, nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).
Cha cũng đứng tên đề nghị mở văn phòng đại diện Việt kiều, làm Chủ nhiệm cơ quan Biện sự xứ tại Quế Lâm, Phó chủ nhiệm là Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng). Tướng Lý Tế Thâm tuyên bố hoan nghênh nhưng dặn cha: “Không được để cộng sản lợi dụng”…
Vậy là những việc lớn do tổ chức giao: Nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, làm đặc tình trong hàng ngũ Quốc dân đảng, lập các tổ chức hợp pháp làm vỏ bọc cho cán bộ ta hoạt động và đoàn kết các lực lượng Việt kiều yêu nước… theo chủ trương của Bác Hồ cha đã hoàn thành. Chỉ riêng việc Lê Thiết Hùng gợi ý cha gia nhập Đảng từ những năm đầu 1930, cha từ chối, nói tuổi đã quá cao, sức yếu, để “đứng ngoài” nhưng đoàn thể giao việc gì sẵn sàng hết mình làm trọn việc ấy.
Cha bị suy tim, hen suyễn nặng, mất ngày 12-4-1943, dặn mẹ, chị Diệc Lan thay cha, việc gì đoàn thể giao, làm được thì nhận, làm thật tốt để xứng đáng niềm tin của lãnh tụ, cũng là giữ trọn nền nếp gia phong của dòng tộc họ Hồ.
Thần tượng anh hùng của hai chị em
Vào khoảng tháng 8-1942, cha nhận được thư của Lâm Bá Kiệt thông báo lão đồng chí Hồ Chí Minh mất tích khi qua biên giới, đề nghị giúp đỡ. Cha ốm, mẹ phải bên giường chăm sóc, Mộ La chưa làm gì một mình được. Cha gợi ý mấy cách đi tìm: Gặp bạn bè thân quen đi các nhà tù dò hỏi tên tuổi, hình dáng các chính trị phạm mới bị bắt gần đây; Nhờ các báo tung dư luận đòi nhà cầm quyền Quảng Tây không được bưng bít sự thật, thủ tiêu tù nhân, trả ngay tự do cho ông Hồ Chí Minh vô tội. Chị Diệc Lan chấp bút thay cha trực tiếp đánh thư cho Tưởng Giới Thạch chỉ thị tha bổng cho người bà con họ Hồ bị bắt oan ở nơi nào đấy thuộc tỉnh Quảng Tây...
Không ai biết được những cố gắng của gia đình có kết quả gì không, chỉ biết hơn một năm sau có tin lãnh tụ đã được tha lỏng ở Liễu Châu. Đây là thời gian nhà cầm quyền Quốc dân đảng đại diện là Tư lệnh Đệ tứ chiến khu tướng Trương Phát Khuê đã sắp sẵn kế hoạch chờ thời cơ sẽ đưa các đảng phái được nuôi dưỡng lâu nay như Việt quốc, Việt cách về nước để thành lập chính quyền thân Tàu. Ấy thế nhưng các vị Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam… thì lại mỗi kẻ một phách, chẳng ai chịu ai. Tư lệnh Trương biết rõ tài năng, uy tín ông Hồ Chí Minh, muốn tận dụng để tập hợp đoàn kết, củng cố và phát triển tổ chức “Việt Nam cách mạng đồng minh hội”, nên khẩn khoản mời Bác làm Phó chủ tịch – Chủ tịch là Nguyễn Hải Thần. Bác “tương kế tựu kế” vì biết rằng thời cơ giành độc lập đã sắp tới, phải chớp lấy, không thể bỏ lỡ. Người đến làm việc tại phố Ngư Phong để tiếp xúc rộng rãi, liên lạc với các đồng chí trong nước chuẩn bị đón Bác về.
Ba mẹ con bà Khôn Duy lặn lội đến Liễu Châu gặp Bác, thấy Người làm việc công khai, rất được trọng vọng, mẹ con đã đoán ra được mấy phần – cũng như ông nhà: hoạt động bí mật “vỏ bọc” kín là rất quan trọng. Nhưng thương lắm, người lãnh tụ gầy gò, tiều tụy, mặc bộ đồ Tàu vàng rộng quá cỡ trông càng đau lòng. Mẹ bọc giấu chiếc nhẫn đưa biếu Bác. Bác cảm động từ chối: -Không được, ông nhà mới mất, bà cần nó hơn tôi…
Trở về nhà, mẹ con đem chuyện lãnh tụ ra bàn. Người nói: “Chỉ năm bốn lăm là nước nhà độc lập thôi. Bà và các cháu có muốn về nước thì chuẩn bị đi, cháu Diệc Lan bây giờ muốn về cũng không được. Ở chiến khu rừng núi cực khổ, thiếu thốn lắm…”. Hai chị em chưa nghĩ tới chuyện về nước mà đều sửng sốt, hết sức thán phục, tự hỏi: - Giữa lúc thời thế trong nước, quốc tế đang rất đen tối, chiến tranh đẫm máu ở mọi nơi mà sao lãnh tụ lại tài giỏi đến như vậy – biết trước năm 1945 Việt Nam sẽ giành được độc lập? Thật là nhà tiên tri trác việt!
Lá thư báu vật
Cháu Mộ La.
Đã nhận được thư cháu, Chú cảm ơn. Biết cháu to nậy, mạnh khỏe, tiến bộ, chú mầng. Nhưng cháu viết hơi “văn nghệ” quá, Chú ngại. Ví dụ: Răng không kêu chú là chú Minh, lại kêu bằng “Minh thúc”. Tiếng ta có, thì nên zùng tiếng ta, như rứa phổ thông hơn, phải không cháu?
Hôn cháu
Chú Minh
Thư Bác Hồ gửi bà Hồ Mộ La năm 1950 (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Nhà giáo Mộ La gọi đây là thư Bác Hồ, vật báu của gia đình, tự tay Người gõ máy chữ trên tấm giấy dó nhỏ sản xuất thời chống Pháp, được ép ni-lông, đựng trong cái túi riêng, nay mới “công bố”.
Được hỏi về ngày tháng, xuất xứ của thư, tâm trạng khi nhận thư, bà nhớ lại: Đúng năm 1945 như Bác đã dự báo, sau Cách mạng Tháng Tám, phái đoàn Hà Phú Khương sang Trùng Khánh đón “Hải ngoại quân”: Lính khố xanh, khố đỏ về nước, Bác dặn tìm, đưa cả ba mẹ con bà hồi hương. Tiếc là về nước đúng vào thời gian Bác đi thăm Pháp. Mẹ con về quê Quỳnh Đôi - Quỳnh Lưu - Nghệ An tham gia công tác. Chị Diệc Lan mất năm 1947. Nhớ Bác quá, năm 1950, bà gửi thư lên Bác, cả thư tiếng Trung. Thật bất ngờ, Bác trả lời ngay. Bà thấy xấu hổ quá, ngượng quá, sao lại viết dông dài, hươu vượn làm Bác phiền lòng. Nhưng lại nghĩ: Thế mới là Bác vĩ đại! Bác thương con cháu, chỉ bảo từng ly, từng tí. Bác dạy: Người ta dùng tiếng ta mới là “hiện tượng” thôi. Còn bản chất, ý Bác là đừng đánh mất mình, mất gốc, quên quê cha đất tổ. Thì đó, xa quê đã gần tròn 40 năm mà trong thư chỉ vẻn vẹn hơn 60 từ, có tới 6 tiếng gốc Nghệ An: to nậy, mầng, răng, rứa, kêu, ngại. Việc nhỏ mà ý nghĩa giáo dục sâu sắc, tình quê cao đẹp biết bao!
Trong đối nhân xử thế, tùy lúc, tùy người, tùy việc, mỗi lời nói, việc làm của Người đều là bài học quý giá, mẫu mực cho các thế hệ con cháu chúng ta.
Trịnh Tố Long

"
http://sknc.qdnd.vn/sukiennhanchung/vi-vn/89/70/81/81/81/130019/default.aspx





Ở dưới là các chương tiếp theo của cuốn hồi kí.

---


6.


  • HỒ MỘ LA
  • Thứ tư, 15 Tháng 7 2015 15:32

  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Ảnh chụp gia đình cụ Hồ Học Lãm nhân 100 ngày sau khi cụ mất. Người ngồi là bà Ngô Khôn Duy. Hàng sau từ phải sang là Diệc Lan, Thẩm Huệ Quần (cô con nuôi người Trung Quốc) và Mộ La.Ảnh chụp gia đình cụ Hồ Học Lãm nhân 100 ngày sau khi cụ mất. Người ngồi là bà Ngô Khôn Duy. Hàng sau từ phải sang là Diệc Lan, Thẩm Huệ Quần (cô con nuôi người Trung Quốc) và Mộ La.
Chị Diệc Lan làm chủ biên tạp chí "Quảng Tây phụ nữ" lương cao hơn nhưng cũng bận hơn. Chị thuê được chỗ ở tại bờ bên này sông Ly (Ly Giang), nơi gần sát bệnh viện Quảng Tây. Đó là ngôi nhà gỗ hai tầng ở Quế Hoa Lộ, chủ nhà ở tầng một có chái nhà kéo dài về phía sau, cùng công trình phụ. Chúng tôi ở tầng hai. Gác hai gồm hai phòng: phòng lớn khoảng 15 - 16 mét vuông, kê một giường to ba mẹ con nằm chung. Mặt trước có cửa sổ to rộng hướng đông nhìn xuống đường, phía trước là khoảng trống thoáng không có nhà cửa, phóng mắt ra xa là dòng sông Ly Giang, nước xanh trong. Bên kia sông lưa thưa những căn nhà một tầng, xa nữa là những hòn núi đá xanh có hình thù kỳ thú, trông rất ngoạn mục. Người Trung Quốc có câu: "Phong cảnh Quế Lâm giáp (nhất) thiên hạ". Phía trước giường kê bàn làm việc của chị tôi, đêm đêm, chị Diệc Lan cặm cụi viết hoặc sửa bài cho tạp chí. Đó cũng là bàn học của tôi. Gần cửa sổ là một bàn nhỏ với bốn ghế, đó là bàn ăn cũng là bàn tiếp khách. Liền vách là phòng trong nhỏ, chỉ khoảng 6 mét vuông, ngăn một lối đi xuống cầu thang. Trong phòng kê một giường đơn, một đôn để đầu giường, và một vài va ly để áo quần mùa đông.
Ba mẹ con chúng tôi dọn về đây trước Tết âm lịch, khoảng giữa tháng 1 năm 1941. Từ ngày về đây, chị tôi đi làm đỡ xa và mẹ con chúng tôi đi lại chăm sóc cha tôi thuận tiện hơn. Ngày hai buổi, sau giờ tan học, tôi đến ngay bệnh viện thăm cha, tham gia chăm sóc ông như người hộ lý nhỏ. Sau một thời gian dài được một bác sĩ nữ trẻ đẹp, tốt nghiệp y khoa ở Mỹ về điều trị chu đáo, bệnh cha tôi thuyên giảm hẳn. Cha tôi không còn phải qua tiểu phẫu để rút nước, mà được tiêm một loại thuốc đặc trị, có tác dụng đẩy chất dịch trong bụng tiêu thoát ra nhờ đường tiểu. Nhờ đó, cha tôi không bị cổ chướng nữa, quá trình hô hấp trở nên dễ dàng hơn. Theo nguyện vọng của cha tôi, bệnh viện cho ông về nhà và dặn: "Không được leo gác, không được đi lại nhiều và tránh xúc động. Sáu tháng sau vào viện kiểm tra và tiêm thuốc". Đó là khoảng cuối tháng 9 năm 1941.
Về nhà, cha tôi ngủ phòng trong, hơi tăm tối vì không có cửa sổ. Ông phải thường xuyên nằm bất động. Nhưng những ngày ấm trời hoặc mùa hè, vào buổi sáng, cha tôi đi chậm rãi, nhẹ nhàng ra phòng ngoài, ngồi trước cửa sổ hưởng chút không khí thoáng mát và ánh nắng ban mai. Ông phóng mắt nhìn ra xa để hưởng chút cảm giác không gian thoáng rộng. Thật tội nghiệp cho cha tôi, suốt cuộc đời làm ra tiền nuôi vợ con và anh em yêu nước, nhưng bản thân mình thì sống giản dị, đơn sơ, tiết kiệm, khi nào cũng chỉ được ở một phòng nhỏ tối tăm, như ở Pháng Ngọa Cảng, ở Long Vương Miếu, và giờ đây ở Quế Hoa Lộ thành phố Quế Lâm này.
Chỗ ở này thực ra khá chật, tổng diện tích chỉ khoảng 25 mét vuông, cuộc sống gia đình tuy đạm bạc, nhưng thật đầm ấm, vì cả nhà nay được đoàn tụ.
Nằm mãi cũng buồn, cha tôi nói với chị: "Các cuốn Đông Chu liệt quốc, Tam Quốc chí thầy đều đọc cả rồi, có mỗi Tây du ký chưa đọc, con mượn về cho thầy đọc giải khuây". Nhiều khi đang đọc, cha tôi khoái chí cười khà khà, mỗi tối ông kể cho tôi nghe một câu chuyện về Tôn Ngộ Không với giọng rất dí dỏm, hấp dẫn. Ông miêu tả tính hiên ngang của Tôn Ngộ Không trước Ngọc Hoàng và các vị thần, nhưng vẫn cuối cùng không thoát khỏi bàn tay của Phật Như Lai. Ông nói: "Thần thông quảng đại như Tôn Ngộ Không cuối cùng bị thần quyền nhốt dưới Ngũ Hành Sơn... có nghĩa là, một khi tinh thần bị chế áp, tài cao chí lớn cũng thành vô dụng, con ạ".
Thỉnh thoảng, trong thinh không rền rĩ tiếng còi báo động, dân chúng kéo nhau vào trú ẩn trong các hang động. Quế Lâm là một thành phố núi đá xanh. Tương truyền vùng núi này trước kia ngập trong nước biển, do đó có nhiều hang động. Có những lần máy bay Nhật ném bom đổ nhà, chết nhiều người. Mỗi lần báo động gấp, mẹ đưa tôi đi trú ẩn. Riêng cha tôi vẫn điềm nhiên ngồi ở nhà, không hề tỏ ra sợ hãi.
Chị tôi ngày đi làm hai buổi, đêm khuya vẫn làm việc, thỉnh thoảng húng hắng ho. Nhẽ ra bữa ăn hàng ngày cha tôi và chị tôi phải có chế độ đặc biệt, nhưng vì kinh tế gia đình eo hẹp, chỉ trông cậy vào lương cha tôi (ông được coi như bệnh binh, chưa đến tuổi hưu, nên được hưởng nguyên lương) và lương chị tôi. Mẹ tôi chỉ làm công việc nội trợ, tôi còn tuổi đi học. Thời kỳ đó tiền quốc dân tệ mất giá, nên đồng lương chẳng đủ nuôi bốn miệng ăn. Giờ đây nhớ lại, lòng tôi xót xa, thương cha và chị vô hạn. Nhưng lúc đó tôi hoàn toàn vô tư lự. Chỉ nhận thấy mẹ tôi hay thở dài, mà tôi chẳng hiểu tại sao.
Một hôm, tôi đang tập viết bút lông mẫu chữ "tiểu khải" (tức mẫu chữ nhỏ; "đại khải" là mẫu chữ to). Học sinh tiểu học và cao tiểu học 6 năm, phải tập viết bút lông tiểu khải và đại khải, không được phép viết bút máy. Cha tôi đến sau lưng và kêu lên:
"Con ơi, tuy luyện viết tiểu khải, nhưng cũng phải luyện khổ chữ to hơn. Có vậy, nét chữ mới nở nang, vuông vắn, cứng cáp, đàng hoàng. Còn con viết khổ chữ nhỏ quá đường nét li ti thế kia thì không thể luyện chữ đẹp được, hỏng mất chữ viết là hỏng cả tâm hồn, con ạ. Người có nhân cách và tâm hồn cao thượng, nét chữ nở nang, phóng khoáng; người mà nhân cách ti tiện nhỏ nhen thì nét chữ vụn vặt lít nhít... ". Từ đó trở đi, tôi để ý luyện chữ và thầm nhủ sau này mình không được ty tiện nhỏ nhen, phải sống khoáng đạt.
Thực ra từ bé đến giờ, chính thời gian này là lúc tôi được gần gũi cha mình nhất, được ông dạy bảo nhiều điều mới chưa từng hay biết.
Có nhiều hôm rỗi rãi, tôi ngồi cạnh giường cha, nghe ông kể chuyện Thánh Gióng, Hai Bà Trưng và bà Triệu ẩu, chuyện đạo hiếu nghĩa đối với ông bà, với cha mẹ, anh chị em, họ hàng, làng nước... Ông nói:
"Anh em như chân với tay, nếu cụt chân tay con người ta làm gì cũng khó khăn, vả lại không ai lại tự chặt chân tay mình, phải không con? Thầy mẹ sống với hai chị em chỉ có hạn thôi, cho nên con phải thương yêu chị, chị con đau yếu, lại vất vả. Hai chị em con suốt cuộc đời phải gần gũi, thương yêu nhau nhé”.
“Con người ta ai cũng có gốc như cây có rễ, nước có nguồn, đó là quê cha đất tổ. Một con người không biết yêu thương cha mẹ, anh chị em, gia tộc, làng xóm, bạn bè... là người không biết yêu giống thương nòi. Cây chết vì mất rễ, nước cạn vì mất nguồn. Việt Nam mình là một dân tộc nhỏ, hàng ngàn năm bị Trung Quốc đô hộ, vậy mà cuối cùng đã nổi dậy chống Bắc thuộc... Nay bị thực dân Pháp đô hộ, cho nên chúng ta phải tạm gửi thân ở Trung Quốc. Thầy sẽ dần kể cho con nghe chuyện các đời vua chống ngoại xâm của nước ta".
"Thầy ra đi từ năm 1906, đến nay là ba mươi lăm năm tròn. Nhiều đêm thầy trăn trở không ngủ được vì nhớ bà nội, bác ruột con và làng Quỳnh, chợ Nồi... đau đớn vì mình chưa làm được gì cho đất nước theo lời căn dặn của bà nội, nay ốm đau không khéo chết bỏ xương quê người đất khách con ạ...".
Rồi cha tôi kể chuyện quê hương.
Dưới đây là chuyện kể của cha tôi:
Thủy tổ họ Hồ là Trạng nguyên Hồ Hưng Dật, người Kim Hoa, Chiết Giang, Trung Quốc. Ông sang Việt Nam làm Thái thú Diễn Châu (Nghệ An) từ thời Ngũ đại(1)đời Hậu Hán. Về sau ở ẩn, lập ấp ở thôn Bào Đột (trước thuộc Diễn Châu), Quỳnh Lưu ngày nay. Cụ tổ Hồ Hồng(2)làng Quỳnh Đôi là cháu 14 đời của Hồ Hưng Dật. Ông làm chức đội trưởng (tòng tam phẩm), hy sinh khi đánh giặc chiếm thành ở Quảng Trị. Hồ Hồng cùng con trai là Hồ Kha dời về ở Thổ Đôi Trang, tức Quỳnh Đôi ngày nay.
Làng Quỳnh(3), tên chữ là Quỳnh Đôi, có cảnh rất đẹp và thanh lịch. Phía bắc có lèn (núi nhỏ) như tán che, phía nam có núi Yên Ngựa chầu, phía đông có lèn Bảng, còn gọi là Giáp Bảng chiếu, phía tây có lèn Bào, cũng có hình giống Giáp Bảng đối chiếu. Cho nên dân làng Quỳnh cho rằng vì có các hòn núi kể trên bốn phương chiếu về, do đó làng Quỳnh xuất hiện nhiều nhân tài, khoa bảng...
Ngoài họ Hồ ra, làng Quỳnh còn có họ Nguyễn, họ Hoàng, rồi họ Phan, họ Dương, họ Bùi, họ Văn v.v... Họ Hồ cùng các dòng họ khác khai hoang mở rộng đất đai từ đời này qua đời nọ tính đến năm 1850 đã có tới 678 mẫu, trong đó có 228 mẫu thực điền. Cuối thế kỷ XVIII, năm 1786, số đinh trong làng được ghi là 500 người.(1)
Sau này, vì người đông đất ít, đồng chua đất mặn, nông nghiệp phát triển có hạn, cuộc sống dân làng Quỳnh có nhiều khó khăn. Đầu thế kỷ XVIII, Đàm thị phu nhân, vợ quận công Hồ Phi Tích đưa nghề dệt lụa của Hà Đông về truyền cho phụ nữ làng Quỳnh. Đến giữa thế kỷ XIX, nghề lụa làng Quỳnh phát triển thành nghề chính, hầu hết các gia đình đều có khung cửi (khung dệt lụa), phụ nữ làng Quỳnh hầu như đều biết dệt cửi (dệt lụa). Một số người chuyên buôn tơ lụa, họ mua tơ Cống Thanh Hóa về cho chị em phụ nữ trong làng, rồi mang lụa Quỳnh đi bán khắp vùng Thanh, Nghệ Tĩnh, vì lụa Quỳnh có chất lượng cao.
Từ đầu thế kỷ XV, Hồ Hân (con Hồ Hồng) mời thầy đồ giỏi là Dương Văn Khai (gốc Bắc Ninh) về làng mở trường dạy chữ Nho. Năm 1440, đời vua Lê Nhân Tông, con trai Hồ Hân là Hồ Ước Lễ thi đỗ tiến sĩ. Từ đó, dân làng đua nhau học hành, đến giữa thế kỷ XIX, hầu như không một họ nào không có người thi cử, đỗ đạt(1). Trong suốt mấy trăm năm, làng Quỳnh Đôi có hơn 700 người thi đỗ từ tú tài đến tiến sĩ, trong đó họ Hồ chiếm số đông. Nhờ truyền thống hiếu học, dân trí được nâng cao, đạo lý làm người và tinh thần tự hào dân tộc và yêu nước cũng được nâng cao.
Thổ Đôi Trang hình thành từ đời Trần Phế Đế. Khi quân Minh sang xâm lược, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, nhiều nhân sĩ của làng đã hăng hái tham gia nghĩa quân, có công trạng không nhỏ:
Nguyễn Tu, con cụ Tổ Nguyễn Thạc, năm 1425 trúng kỳ thi võ do Lê Lợi tổ chức. Ông phụ trách đội tượng binh đánh thành Diễn Châu. Sau chiến thắng quân Minh, ông giữ chức Tứ thành đề hạt, chỉ huy Cấm vệ quân bảo vệ kinh thành...
Hồ Hân, con trai cụ Tổ Hồ Hồng làm tham mưu cho nghĩa quân Lê Lợi, chuyên lo việc khảo sát địa hình, cùng Nguyễn Chích kiến nghị Lê Lợi lấy Nghệ An làm "chỗ đứng"... Sau được phong là Quản đình hầu chánh tam phẩm...
Phan Hoàng Nhiễu (hay Phan Hoàng Nghĩa) cụ Tổ họ Phan, đã đem cơ nghiệp, tiền bạc, gạo thóc hiến dâng nghĩa quân chống giặc Minh, được phong Đại tư nông..
Con và cháu cụ Tổ Hoàng Khánh đều có công đánh quân Minh, xây dựng đất nước dưới triều Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông (từ 1428 - 1442)...
Đến ngày thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, trước Hồ Bá Ôn, đã từng có Văn Đức Giai vào Nam đánh giặc, Tiến sĩ Hồ Sĩ Tuần can triều đình chớ đầu hàng, Tú tài Hoàng Liên tham gia khởi nghĩa của Trâu Tuấn và Đặng Như Mai v.v... Một quê hương như vậy, một dòng họ như vậy đáng được chúng ta tự hào lắm, phải không con?
Tổ quốc là gì? Thu nhỏ lại đó là một dòng họ trong cộng đồng các dòng họ. Cộng đồng đó có lịch sử văn hóa và truyền thống giữ nước. Chúng ta tuy có gốc Trung Quốc, nay Tổ tiên, cha ông chúng ta hàng nghìn năm sống ở đất Việt Nam, vậy chúng ta là người Việt Nam, con chớ có quên"...
Cứ rả rích hàng ngày, hàng đêm, cha tôi kể cho tôi nghe các chuyện về truyền thống của gia tộc. Sau này, khi có điều kiện tôi tìm hiểu, tra cứu mới rõ hết ngọn ngành...
Hồ Trọng Điểm (1748 - 1826), cháu nhiều đời của cụ Tổ Hồ Hồng. Nhà vốn nghèo, quanh năm chỉ một manh áo vải. Nhờ chịu khó và quyết chí học hành, năm 1785 thi đỗ Phó bảng. Tính ông thẳng thắn, không chịu khuất phục ai. Thời vua Quang Trung, ông bỏ đi ở ẩn. Đến năm 1820, dưới triều Minh Mạng, ông ra nhận chức Giáo thụ Nghệ An. Môn sinh có tới năm, sáu trăm người, hầu hết đều thành đạt...
Con trai thứ ba của Hồ Trọng Điểm là Hồ Trọng Toàn (còn gọi là Hồ Trọng Tuấn) sinh năm 1801, mất năm 1864. Tuy chỉ đậu tú tài (1821) nhưng do trình độ, năng lực giỏi, cuối cùng được triều đình cử làm án sát liên tiếp của ba tỉnh Quảng Yên, Hưng Yên, cuối cùng là án sát Thái Nguyên. Ông bà được dân làng quý mến vì thường giúp đỡ người nghèo, góp nhiều tiền của xây dựng quê hương, được dân làng gọi là cụ án Thái.
Hồ Trọng Toàn và bà Phạm Thị Khanh có cả thảy tám người con. Con trưởng Hồ Văn Hoằng cưới vợ chưa kịp có con thì ốm mất. Vợ ông là Nguyễn Thị Tấn, con nhà thư hương, bà là người phụ nữ thông làu tứ thư ngũ kinh, trọng lễ nghĩa, gia phong nề nếp. Bố mẹ chồng và chồng qua đời để lại gia sản kha khá với đàn em chồng chưa kịp trưởng thành. Bà Tấn thủ tiết thờ chồng, cai quản đại gia đình và nuôi dạy các em ăn học. Bà được các em chồng yêu quý như chị ruột, như mẹ già, được gia tộc họ Hồ nể trọng. Trong bảy người em, có Hồ Bá Ôn (1842 - 1883), em kế cận của Hồ Trọng Hoằng là người thông minh, hiếu học hơn cả. Cậu rất mực vâng lời chị dâu, ngày đêm dùi mài kinh sử. Có lần mải chơi quên làm bài, bà Tấn bắt cậu quỳ trước bàn thờ tổ tiên nhận lỗi, nằm phủ phục trên sàn nhà chịu mấy roi của chị dâu quất vào mông. Cậu hứa với bà Tấn từ nay xin chừa, năm đó cậu khoảng mười sáu, mười bảy tuổi. Đến năm 1875, Hồ Bá Ôn trẩy kinh thi Hội đỗ phó bảng. Sau một thời gian làm việc ở kinh thành, đến năm 1881, triều đình bổ nhiệm ông làm án sát Nam Định. Các em dưới Hồ Bá Ôn tuy đều học tứ thư, ngũ kinh, nhưng vì kinh tế gia đình có hạn, mỗi người mỗi tính mỗi nết, họ vừa học vừa làm ruộng, không ai thi cử làm quan. Sau khi các em trưởng thành, bà Tấn dựng vợ gả chồng cho các em chu toàn. Khi bà qua đời, các em chồng thương tiếc vô hạn, tang ma thờ cúng bà chị dâu cả chu đáo.
Hồ Bá Ôn nhậm chức được một năm, thực dân Pháp đem quân từ trong Nam ra đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ hai. Mồng 8 tháng 3 năm 1882, Hà Nội thất thủ, quan Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết. Đến ngày 28 tháng 2 năm 1883, Pháp kéo quân đánh thành Nam Định, quan Tổng đốc Vũ Trọng Bình sợ hãi bỏ chạy. Hồ Bá Ôn tuy là quan văn, nhưng ông đã sát cánh chiến đấu dũng cảm cùng đề đốc Lê Văn Điếm và quan chỉ huy dân quân Nguyễn Hữu Bản. Cuối cùng Lê Văn Điếm và Nguyễn Hữu Bản anh dũng hy sinh, còn Hồ Bá Ôn bị trọng thương, thành Nam Định thất thủ. Quân dân Nam Định dùng cáng và thuyền, lén đưa Hồ Bá Ôn về tận quê nhà Quỳnh Đôi.
Sau một thời gian chữa chạy, vết thương trên bụng sắp lành, song vết thương lòng về nỗi đau mất nước vẫn rỉ máu. Hồ Bá Ôn ôm chí sau này tìm cách cùng sĩ phu và nhân dân yêu nước tiếp tục chống lại quân xâm lược Pháp. Một hôm, có người bà con bên vợ, từ xa đến thăm, kể chuyện việc làm hung tàn của thực dân Pháp đối với đồng bào ta, chuyện một số người có danh phận hèn nhát đầu hàng, v.v... Nỗi uất hận trào dâng đột ngột, khiến cả hai vết thương cùng chảy máu. Hồ Bá Ôn nấc lên, thở nặng nề rồi hôn mê, ba hôm sau từ giã cuộc đời.
Cái chết của Hồ Bá Ôn là một nỗi đau riêng của gia đình, cũng là một tiếng chuông lớn cảnh tỉnh đối với gia tộc họ Hồ, nhân dân làng Quỳnh và các làng huyện quanh vùng chớ quên nợ nước thù nhà. Ông tuy mất đi, nhưng tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất trở thành một tư tưởng, một truyền thống trong dòng họ và trong làng.
Người trước ngã xuống, người sau đứng dậy, hai người con của Hồ Bá Ôn là Hồ Bá Kiện và Hồ Thúc Linh nối chí cha: Hồ Bá Kiện cuối cùng hy sinh trong cuộc nổi dậy ở nhà tù Lao Bảo; Hồ Thúc Linh hoạt động bị Pháp bắt tra tấn dã man. Khi chúng nung mâm đồng để dọa, ông đã đứng dậy ngồi cả mông lên mâm đồng, đúng là một ý chí kiên cường, sắt đá...
Cha tôi kể tiếp:
"Hồ Bá Trị, con trai thứ bảy của cụ Hồ Trọng Toàn, em trai áp út của Hồ Bá Ôn, ông nội của con, là người có chí khí kiên cường, can đảm, có tinh thần yêu nước giữ làng. Do chính sách "Bình Tây sát Tả" của triều đình nhà Nguyễn, do âm mưu chia rẽ, ly gián giữa lương và giáo của thực dân Pháp, cuối năm 1885, dân các làng công giáo quanh vùng kéo đến đánh phá làng Quỳnh Đôi, một làng nổi tiếng yêu nước chống Pháp. Cậu ấm bảy Hồ Bá Trị cùng những thanh niên yêu nước trong làng dũng cảm chống cự, cuối cùng đuổi được dân công giáo bị kích động ra khỏi làng. Nhưng Hồ Bá Trị bị trọng thương, hy sinh ngày 24 tháng 12 năm 1885. Ngày hôm đó, có tới 80 thanh niên bị hy sinh, nhà cửa bị thiêu đốt, lúa gạo bị cướp bóc, tiếng khóc than của đàn bà trẻ em vang động cả một vùng Quỳnh Lưu, khăn tang trên đầu mẹ góa con côi trắng xóa. Nhiều người bỏ làng ra đi, ruộng đồng bỏ hoang. Hàng năm cứ đến ngày đó là ngày giỗ làng.
"Bà nội con là Trần Thị Trâm, con gái danh sĩ yêu nước Trần Hữu Dực ở làng Cao. Năm đó bà mới hai mươi lăm tuổi, một nách hai con thơ - bác Hồ Xuân Kiêm lên bốn, thầy mới đầy năm. Cái tang của anh chồng Hồ Bá Ôn và sự hy sinh của chồng đã nung nấu mối thù nhà nợ nước ở người đàn bà góa còn tươi trẻ.
"Cuối thế kỷ XIX, xã hội Việt Nam vẫn phong kiến lắm. Phụ nữ Việt Nam một nắng hai sương tần tảo lao động, thờ phụng bố mẹ chồng, nuôi chồng mình ăn học thi cử khoa trường, họ những mong kiếm được một phẩm tước để rạng danh tổ tông. Trong gia đình đến bữa ăn, bố mẹ, chồng và con trai ngồi ăn ở mâm trên gian nhà giữa, nơi cao sang nhất của gia đình. Sau khi mọi người ăn uống xong, người con dâu mới bưng mâm cơm thừa canh cặn ngồi ăn nơi xó bếp. Đối với bề trên một thưa hai bẩm, nói năng khép nép, nhỏ nhẹ. Đi qua trước mặt mọi người, đặc biệt là trước đàn ông, phải cúi đầu, đi lom khom, không được nói chuyện như ngang hàng với đàn ông. Dân ta thời ấy tuyệt nhiên không có khái niệm nam nữ bình quyền... (Lúc đó, tôi tròn con mắt ngồi nghe cha kể, vô cùng sửng sốt).
"Bà nội con, người cao lớn, vai rộng, giọng nói to vang như chuông đồng, đi đứng đàng hoàng chững chạc như đàn ông. Bà mồ côi cha từ năm một tuổi, anh ruột là người có học, dạy em gái học đôi ba chữ Nho, giảng dạy lễ nghĩa, đạo lý làm người. Ông đối xử với em gái mình tương đối dân chủ. Tuy nhiên, khi về nhà chồng, bà vẫn giữ đúng lễ giáo phong kiến của nước mình.
Sau khi ông nội mất, bà nội con sống khác hẳn phụ nữ bình thường. Người có hiểu biết thông cảm, nể trọng, người thiếu hiểu biết tất nhiên không tránh khỏi có điều dị nghị, nhưng bà im lặng, vẫn sống theo chí hướng riêng của mình.
Mới đầu, khi các con còn quá nhỏ, bà chỉ đi quanh vùng vài ngày lại về chăm con. Những hôm bà đi bán lụa xa, bà nhờ người thân trong họ đến trông nom nhà cửa, chăm sóc bác và thầy, vì thầy còn quá nhỏ. Đến khi hai anh em lớn hơn một chút, bà gửi hai anh em đến nhà bác họ Hồ Bá Kiện (con của ông Hồ Bá Ôn) ăn và học. Khi bác con mười một, mười hai tuổi, thầy mới tám, chín tuổi đầu, hai anh em ở hẳn nhà mình tự lo nấu nướng, ăn uống, trông nom nhà cửa. Lúc đầu, những lần bà đi bán lụa còn thưa, đến khi hai anh em quen cuộc sống vắng mẹ và tự lập, bà đi vắng nhà nhiều hơn, thời gian đi lâu hơn. Những năm đó, thầy còn nhỏ quá, hay khóc nhớ mẹ. Lớn lên một chút, chiều chiều thầy tha thẩn một mình ra đầu làng ngóng mẹ. Hoàng hôn mùa thu đông, bầu trời ảm đạm, thầy ngóng mẹ hoa cả mắt, thấy ai gánh gồng từ xa cũng tưởng là mẹ về. Những người thân tình, thấy thầy đứng thui thủi ngóng mẹ, họ dỗ dành, dắt về nhà; những người ác ý thì nói: "Thôi về đi, mệ mi theo trai rồi, không về nữa đâu...". Cả đám đông cười ồ bỏ đi. Thầy tưởng thật òa lên khóc... Bác con lớn tuổi hơn, nhưng tính tình vô tư, có lúc mê xem người lớn chơi cờ tướng quên cả em. Khi sực nhớ, vội chạy ra đầu làng dắt thầy về.
Mỗi lần bà đi vắng ít nhất là dăm bảy ngày hoặc nửa tháng, có lần vài ba tháng mới về. Mỗi lần bà đi xa về, thầy suốt ngày nắm gấu áo mẹ, quanh quẩn bên mẹ, chỉ sợ mẹ lại bất thần ra đi. Mỗi lần về, bà đều đưa hai anh em ra chợ Nồi, chợ của làng Quỳnh, ăn bún, giá, cá, ruốc (mắm tôm). Đó là món ăn đặc sản của làng Quỳnh. Đêm đến, bác con lớn tuổi hơn, lại là con trai trưởng, bà bắt nằm ngủ trên phản lim kê cạnh bàn thờ ông nội ở gian giữa. Thầy nhỏ tuổi, được nằm ngủ cùng mẹ ở buồng trong, được bà ôm ấp, nghe bà kể chuyện Thánh Gióng... Có lần thầy không cầm lòng hỏi bà: "Mệ, sao mệ hay đi vắng thế... có người cứ bảo mệ đi lấy chồng rồi, con sợ lắm mệ ạ...". Trong đêm tối, lặng đi một lúc lâu, bà thở dài não nuột, trả lời: "Không đi buôn thì lấy chi mà ăn, con?" "ứ ừ, nhà mình có nhiều thóc lúa, con ăn cơm rau cũng được mà, mệ, đừng bỏ con đi, con nhớ mệ lắm...". Bà xoa đầu, ôm chặt thầy vào lòng, đọc hai câu thơ, đến giờ thầy vẫn nhớ: "Hai mươi lăm tuổi kể chi, thương hai con dại mệ đi không đành". Thôi ngủ đi, lớn lên, con sẽ hiểu...". Khi thầy lấy bàn tay nhỏ sờ lên mặt bà, thấy hai má ướt đầm nước mắt. Đối với thầy, những ngày bà ở nhà là những ngày đầy ánh nắng, sung sướng và hạnh phúc vô cùng tận. Theo năm tháng, sống vắng mẹ mãi rồi cũng thành quen.
Năm lên bảy, bà cho thầy cắp sách theo bác ruột con và các chú bác trong họ đi học chữ Nho. Nhờ đi học, nỗi day dứt vắng mẹ cũng khuây khỏa dần. Để đỡ nhớ mẹ, thương mẹ, thầy chăm chỉ học tập, tiến bộ trông thấy, được thầy đồ khen là văn hay chữ đẹp. Thực ra, thầy chỉ ham đọc sách, có hoa tay, thích những điều viết trong sách Tứ thư, Ngũ kinh chứ chẳng phải mình thông minh giỏi giang gì hơn người đâu. Bà về nhà, thấy thầy học giỏi, bà vui ra mặt, tỏ ý càng yêu quý thầy hơn. Bác con mê cờ tướng, càng lớn càng hay bỏ nhà đi chơi cờ quên cả đường về. Nhiều lần, bà phải lặn lội đi tìm và quở trách. Tính bác rất hiền, mẹ mắng không dám cãi lại một lời, hứa sẽ chừa. Nhưng rồi vẫn chứng nào tật ấy. Tuy nhiên, bác học khá giỏi, có ý thức tìm hiểu y thuật. Bà nhờ thầy đồ giỏi dạy thêm cách sử dụng các loại thảo dược, cách chẩn đoán bệnh. Những khi người hàng xóm nhức đầu, sổ mũi, đau bụng, bác con bắt mạch, bốc thuốc. Bác vừa làm vừa tự nghiên cứu thêm, lâu dần thành thầy lang có tiếng trong làng. Tính bác điềm đạm, thật thà... Còn thầy hiếu động, tinh nghịch hơn. Bác hay bị thầy trêu ghẹo, mắc lừa những trò tinh nghịch quái ác của thầy. Nhưng thấy em mình nhỏ dại, bác không hề trách mắng hay đánh thầy. Nay nghĩ lại, thầy thấy ân hận và thương bác con vô cùng.
Những năm thầy tám, chín tuổi, bà nội con hay cho thầy đi theo. Được gần mẹ, lại được đi đây đó, được biết thêm những cái mới cái lạ, thầy thích lắm. Lúc đầu đi những nơi gần, dần dà bà đưa thầy đi xa hơn. Có đi với bà mới hiểu bà nội con thật vất vả, phải dầm sương dãi nắng, khi đói khi rét. Khi đó thầy mới hiểu tại sao sau những lần bà đi xa về, người bà nội con gầy gò, da đen sạm. Nhưng cũng thấy rõ bà là người phụ nữ nhanh nhẹn, tháo vát, ứng biến rất nhanh. Lúc thì mềm mỏng, khi thì rắn rỏi, can trường. Bà đi bán tơ lụa, khi gánh đôi quang gánh, khi xách một tay nải. Đi đến các chợ xa gần bất kỳ. Đến các chợ lớn, bán lụa xong thì mua tơ mang về. Nhưng cũng rất lạ, nhiều khi bà xách tay nải đi vào chợ xem cái này, hỏi giá cái nọ, nhưng bà không bán lụa, cũng chẳng mua tơ. Hóa ra việc buôn bán của bà chỉ làm bình phong cho những hoạt động cách mạng. Bà tìm gặp nhiều người ở trên các chặng đường đi, đa số là đàn ông. Mỗi lần gặp họ, bà bảo thầy ra đánh đáo với lũ trẻ ngoài sân, còn bà ngồi trong nhà chuyện trò to nhỏ với họ. Có khi hai mẹ con ra đi ngay, có khi ngủ lại một đêm rồi trời chưa sáng, thầy đang ngủ say, bà đã gọi dậy ăn vội củ khoai luộc của nhà chủ rồi ra đi lúc chưa rõ mặt người.
Có một lần, bà và thầy đi trên đường cái số một, con đường dài nhất nước mình, chạy từ Bắc chí Nam. Đi mãi chưa đến nhà người quen thì trời tối sầm. Hai bên đường không có làng mạc, đường vắng tanh không một bóng người qua lại. Gió mùa thu rít từng cơn, hai mẹ con đi lùi lũi trên con đường mấp mô, tối om. Đang đi, bỗng cảm thấy rờn rợn dưới bàn chân (Thời ấy dân ta rất nghèo, đa số đi chân đất, nhất là đi bộ đường xa) thầy nói: "Mệ, con sợ!". "Có chi mà sợ, có mệ đây, con không phải sợ chi", "Khôông, con sợ lắm..." thầy nói mếu máo, hai tay kéo bà đứng lại. Bà mắng nhưng giọng dịu dàng: "Con trai chi mà nhát như cáy, sau ni lớn lên làm được việc chi...". Bà nắm chặt tay thầy lôi đi theo. Bỗng thầy dẫm phải một cái gì lành lạnh, nhùn nhũn, thầy hét to: "Mệ ơi!" giọng thất thanh. Bà vội kéo thầy sang một bên rồi ngồi xổm xuống, lấy tay sờ sờ mặt đất một lúc, rồi điềm tĩnh đứng dậy, dắt thầy đi tiếp. "Chi rứa mệ?", "Có chi mô, xác một ông ăn mày chết đói giữa đường. Con thấy không, dân mình khổ ra rứa đó". Năm đó thầy mới có tám, chín tuổi.
Có lần trước khi ra đi, bà bắt con cóc con nhái băm nát đắp vào chân, xé vải cũ làm băng buộc chặt. Mùa hè, trời nóng, đến chiều mùi thối bốc lên rất khó chịu. Thầy hỏi: "Sao mệ lại làm ra rứa?", "Hôm ni sẽ đi qua bốt canh bọn Tây, thấy mình hôi hám nó sẽ bỏ qua cho khỏi lôi thôi". Khi đến trạm gác, chúng đòi lục soát tay nải. Bà ném bịch tay nải xuống ngay cạnh chân chúng, nói oang oang: "Thì cứ soát đi. Chân tui bị sâu quảng, các thầy có thuốc chi cho tui xin ít". Bà ngồi phệt xuống đất, miệng nói tay tháo băng, chúng thấy một cái vết loét đo đỏ, thối hoắc. Chúng bịt mũi bảo nhau: "Con đàn bà này hôi thối quá" rồi xua tay lia lịa: "Thôi, mụ đi đi, chúng tao không có thuốc gì đâu". Bà tỏ vẻ muốn nán lại, chúng càng xua tợn: "Con mụ này hôi thối quá chừng". Thế là hai mẹ con đi thoát an toàn. Đi xa vài dặm có một vũng nước, bà tháo băng rửa sạch chỗ buộc thịt cóc thối, rồi lại đi tiếp. Đến một nơi đồn trú của nghĩa quân, bà rút một thư liên lạc giấu dưới đáy hộp cau trầu để trong tay nải, đó là thư báo tình hình quân Pháp để hai đơn vị quân ta phối hợp tập kích. Sau đó bà nói: "Những việc mệ làm, con chớ hở với ai, nếu không, bọn Tây sẽ bắt và giết mệ đó". "Dạ". Trong bụng, thầy thầm nghĩ, mẹ mình liều thật. Mẹ mà có chuyện chi e mình không sống nổi, cho nên thầy không bao giờ để lộ bất cứ việc gì bà làm. Lớn lên, thầy mới hiểu dần mẹ mình và càng cảm phục và tự hào về mẹ mình, bà nội là ngôi sao Hôm của thầy suốt cuộc đời thầy con ạ.
Bà nội con là người đàn bà can đảm, nhiều mưu lắm mẹo. Đối với bọn địch, bà khi thì mềm mỏng, nhẹ nhàng; khi lại cứng rắn, liều lĩnh, thậm chí táo tợn đanh đá. Bà kể rằng có lần chúng đòi lục soát người bà, vậy mà lá thư mật đang giấu trong thắt lưng. Bà bỏ qua sĩ diện của người đàn bà còn trẻ, chửi tục: "Soát chi mà soát, có soát thì soát cái "l" mẹ mày đây!", rồi lấy tay chực tung váy. Chúng ngượng trước mặt những người dân đang đứng chung quanh, lấy tay xua: "Con mụ đàn bà ni đanh đá quá, thôi đi đi". Sau khi đi thoát, bà phải ngồi bên vệ đường nghỉ một lúc cho hoàn hồn. Bà nói: "Mệ sợ cho mình thì ít, nhưng sợ lộ thư mật thì nghĩa quân sẽ khốn đốn, con ạ".
Có một hôm, đang đánh đáo với các bạn, thầy nghe thấy bà hàng xóm gọi: "Cu Lan ơi, mau về đi, mẹ mi sắp về tới nhà rồi...". Thầy sung sướng ba chân bốn cẳng, chạy tới sân, thấy mấy người dìu bà nội con từ trên cáng vào nằm lên giường, trông người bà tiều tụy, da mặt vàng võ, gầy guộc, thầy mếu máo chạy tới: "Chi rứa... mệ ốm hay sao?". Mấy ông cáng võng nói: "Mẹ cháu bị chúng tra tấn dã man, nhưng bà vẫn không chịu khai, chúng đành thả. Thấy bà đau không đi nổi, chúng tôi cáng về đây...". Sau đó, thầy mới thấy một vết cháy đỏ trên bắp vế mẹ, bác con bốc thuốc uống và thuốc đắp lên vết thương. Người trong họ, người làng đến thăm hỏi đông lắm. Khi bà bị lưỡi cày nung đỏ dí lên bắp đùi, bà chửi tên án sát Cao Ngọc Lễ: "Ông cha tôi cũng mấy đời làm án sát, nào có ai ác độc chi mô mà con cháu phải chịu tội ra rứa!". Không tìm được tang chứng, Cao Ngọc Lễ bị chửi bóng gió, xấu hổ đành phải thả bà ra. Việc nghĩa kiên trinh vì nước, dần dà mọi người đều hiểu ra, ai ai cũng quý mến, cảm phục bà. Mọi dư luận tẹp nhẹp bao năm xẹp hết, mọi người mới hiểu việc buôn lụa chỉ để che mắt địch, từ đó mọi người gọi bà là chị Lụa hay bà Lụa (ngày trước gọi là chị cu Kiêm). Con cháu trong họ hỏi, sao bà gan lì được như vậy, bà nói: "Thực ra bị bắt bớ, giam cầm thì đây không phải là lần đầu tiên”. Thì ra đã nhiều lần bà từng bị quân thù đánh đập tàn nhẫn, vì nghĩa quân, vì chống Pháp trả thù nhà nợ nước, bà chịu được hết. Để khỏi sa sẩy câu nói, bà hay chửi tục để chúng kiềng mặt: "Nam quốc nhân vấn cái "đ" chi mà vấn lắm ra rứa?". Đôi khi cũng phải làm liều, bà cứ nhai trầu với một nắm to thuốc lào nuốt vào bụng trước khi bị tra, để rồi ngất đi quên cả đau. Nói rồi, bà cười hóm hỉnh, khoái chí.
Một hôm, sau một thời gian vắng nhà rất lâu, bà về tới nhà, chưa kịp hỏi han tình hình hai anh em học hành ra sao (đó là điều bà rất quan tâm) bà đã bỏ đi đâu mất hút. Hôm sau thấy có người trong làng đến lập khế ước bán 20 mẫu ruộng và cả ngôi nhà ngói năm gian đang ở. Ba mẹ con xuống ở nhà ngang lợp gianh, đó vốn dĩ là nhà bếp, nhà kho. Bà giải thích với hai anh em: ‘Mệ tham lãi lớn, vay tiền đi buôn, không ngờ bị một thằng lái buôn người Tầu quỵt mất tiền, mệ đành bán ruộng nhà, chỉ để vài sào phát canh là đủ ăn. Sau ni làm ra, mệ sẽ tậu ruộng lại’. Từ đó, cuộc sống gia đình sa sút hẳn. Về sau thầy mới biết bà bị lái buôn Trung Hoa lừa mất món tiền lớn của cụ Phan Đình Phùng đưa bà mua sắm vũ khí. Sợ cụ Phan hiểu lầm, cũng không muốn để nghĩa quân thiếu súng đạn đánh Pháp, bà đành bán ruộng bán nhà lấy tiền mua súng đạn cho nghĩa quân. Bà nói: ‘Nước nhà mất, sá chi mấy mẫu ruộng, cái nhà’. Có lần bà kể: ‘Mình phải cùng mấy người đàn ông từ Vụ Quang huyện Hương Khê luồn rừng qua Lào sang tận thị trấn Nakhon Phanôm thuộc đất Xiêm mua và tìm cách chở thuốc súng về. Ngày đi, đêm nghỉ giữa rừng, phải đốt đống lửa to để hổ beo không dám mò tới. Nhưng những ngày lặn lội như vậy, đáng sợ nhất là ngày hè gặp cơn giông, cơn lũ ào ào từ đầu nguồn đổ xuống không cẩn thận sẽ bị nước lũ cuốn mất xác. Vượt dòng Mê Kông nhiều khi không có thuyền, ông Đoàn Thương người làng Văn Phúc xã Quỳnh Thọ phải bơi qua sông, dùng dây kéo bà và những người không biết bơi sang sông. Khi vượt sông còn bị cá sấu đớp cả vào người’... Những chuyện bà lặn lội đi hoạt động như vậy không kể xiết được, con ạ...
Thầy xa Tổ quốc, quê hương đã 35 năm, chưa làm được gì thì đổ bệnh, lực bất tòng tâm, thầy rất buồn. Trong cuộc đời, những lúc gian truân, những lúc gặp điều bất hạnh, những lúc đau yếu, mềm lòng, nhụt chí, thầy lại nhớ đến tấm gương của bà nội con, đến những gian lao mà bà phải nếm trải. Gọi tiếng “mẹ ơi”, lòng nhẹ hẳn đi, ý chí lại trở lại với mình..."
Thực ra, lúc đó tôi chưa hiểu hết ý nghĩa những câu nói của cha mình, chỉ thầm suy nghĩ: "Tình yêu thương người mẹ can trường, tài trí của cha mình thật sâu sắc biết bao. Kể cũng lạ, cha già như vậy, mà vẫn yêu thương mẹ đẻ không phút nào quên, như đứa trẻ".
Cha tôi nói: "Thầy ân hận không được gặp lại bà nội, chẳng rõ bà còn sống hay không... Chưa biết cách mạng giải phóng dân tộc khi nào mới thành công... Sau này, hai chị em con phải tìm đường về nước, phải theo con đường cứu nước của cha ông mình. Đó là nghĩa vụ của mỗi một người dân,
con ạ ...".
Từ cuối năm 1941, gia đình tôi chuyển sang bờ kia sông Ly Giang, gần ngay bệnh viện nơi cha tôi điều dưỡng. Khoảng tháng 5 năm 1942, khi bệnh tim to được điều trị ổn định, cha tôi được về dưỡng bệnh tại nhà. Đến cuối năm bệnh tình của ông lại trầm trọng, phải tái nhập viện. Hai tháng sau, tức tháng 4 năm 1943, cha tôi mất.
Từ đây mọi gánh nặng - nuôi mẹ, nuôi em - đều trút lên đôi vai gầy guộc của chị tôi - một người đang mang bệnh lao phổi. Tôi còn nhỏ dại, chưa được việc gì. Mẹ tôi mấy chục năm qua chỉ đơn thuần là một bà nội trợ.

*
*    *

Trong hồi tưởng của mình, những lần được gặp cụ Nguyễn ái Quốc ở Trung Quốc lúc tôi mới 12, 13 tuổi luôn làm tôi xúc động mạnh.
Tôi nhớ một buổi chiều mùa thu năm 1942 gia đình tôi nhận được một bức thư gửi từ trong nước sang. Đó là thư của anh Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng). Trong thư anh Kiệt tả vắn tắt tình hình của các đồng chí và anh Lê Tân Dân ở chiến khu, nhưng phần quan trọng hơn cả là ở giữa bức thư, có đoạn viết: "Có lão đồng chí Hồ Chí Minh trong khi đi công tác ở biên giới Việt - Trung bỗng nhiên mất tích. Chúng tôi tha thiết mong chị và ông cụ (chỉ cha mẹ tôi – Hồ Mộ La chú) tìm mọi cách thăm dò và cứu lão đồng chí Hồ Chí Minh..."
Lúc đó cha tôi bệnh ngày một nặng. Chị tôi đọc lá thư này cho cha tôi nghe ở bệnh viện. Ông nghe xong, trầm tư suy nghĩ. Còn mẹ tôi lập tức nói ngay: "Chẳng có lão đồng chí nào là Hồ Chí Minh mà các anh em lo lắng quan tâm đến như vậy, đó chắc chắn là biệt danh của Nguyễn ái Quốc". Bà nói quả quyết như đinh đóng cột. Sau đó bà bảo chị tôi: "Con đến các nhà tù thấy ai có đôi mắt rất sáng, vầng trán cao, sống mũi dọc dừa, khuôn mặt trái xoan xương xương, dáng người tầm thước, giọng nói nghe khào khào xứ Nghệ thì chính là ông cụ đó"... Còn cha tôi thì dặn: "Con tìm mấy người bạn học xưa của thầy đang làm việc ở đây nhờ họ tìm cách đưa con vào các nhà giam chính trị phạm mà tìm...".
Theo lời cha, chị tôi đã đến được nhiều nơi có tù chính trị, mặt khác do chị là đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc nên chị cũng nhờ nhiều đồng chí cộng sản Trung Quốc tìm giúp. Song, dù đã đến nhiều nhà tù mà chị tôi chẳng tìm được ai có đặc điểm như mẹ tôi mô tả.
Chị tôi chấp bút giúp cha tôi một bức thư gửi Tưởng Giới Thạch (lúc đó đang ở Trùng Khánh), yêu cầu ông ta thả Hồ Chí Minh - là người thân thích của cha tôi. Chị Diệc Lan cũng chấp bút cho cha tôi, với tư cách là Chủ nhiệm Việt Minh tại Quế Lâm, viết thư gửi tới các đoàn thể, báo chí tiến bộ ở Trung Quốc và tổ chức Hồng Thập Tự quốc tế, tường thuật lại việc nhân sĩ yêu nước Hồ Chí Minh mất tích ở biên giới Việt – Trung, và yêu cầu họ giúp đỡ, tìm kiếm.
Sau khi cha tôi mất ít lâu, vào một buổi chiều giữa tháng 5 năm 1943, có một phụ nữ lạ mặt chừng 30 tuổi, mặc quân phục, tóc đuôi sam để trước ngực đến hỏi nhà tôi. Đó là chị Đỗ Lạc[1], thay mặt Phục quốc quân[2]ở Liễu Châu đến thăm, và chia buồn với gia đình tôi về việc cha tôi từ trần. Mẹ tôi giữ chị lại chơi nhiều ngày liền. Chị Đỗ Lạc là một phụ nữ rất dễ gần và cởi mở. Thấy tôi thiếu áo ấm, chị tháo ngay cái áo len còn mới và đang mặc, đan cho tôi một chiếc áo cộc tay rất đẹp. Tôi nhớ trong một bữa cơm tối chị kể một câu chuyện, giọng đầy huyền bí: "... Gần đây ở Liễu Châu xuất hiện một nhân vật rất kỳ lạ, ông ấy tên là Hồ Chí Minh. Ông ấy biết nhiều ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc ông nói làu làu. Ông có đôi mắt sắc sảo, giọng nói ấm áp, từ tốn, hòa nhã... Nghe nói ông ấy bị chính phủ Trung Quốc cầm tù gần hai năm trời rồi. Gần đây Tư lệnh trưởng Đệ tứ chiến khu Trương Phát Khuê giam lỏng ông ở trường Cải huấn Liễu Châu. Ông được tự do gặp gỡ với các anh em Việt Nam cách mạng đồng chí hội (Việt Cách) của Nguyễn Hải Thần..."
Trong khi chị Đỗ Lạc kể chuyện sôi nổi, tôi lén nhìn mẹ và chị Diệc Lan, thấy hai người liếc nhìn nhau, cùng gật đầu  nhẹ. Chị Đỗ Lạc kể tiếp: "Vì bị giam cầm lâu trong tù nên đôi mắt của ông cụ bị mờ đi, người rất yếu. Mọi người kể rằng hàng ngày vào lúc sáng sớm ông cụ ngồi trên đồi nhìn xuống cánh đồng lúa xa xa để luyện thị lực. Trăm ngày như một, sáng nào ông cũng dậy sớm chạy bộ nhiều lần từ chân đồi lên đỉnh đồi rồi lại chạy xuống. Khi người đã nóng lên, ông cụ chạy xuống sông Liễu Giang bơi lặn. Nhờ vậy chỉ trong một thời gian ngắn sức khỏe của ông đã hồi phục, đôi mắt tinh tường hơn, đi lại nhanh nhẹn, hoạt bát hơn. Đúng là một người đầy nghị lực, khác hẳn mọi người ở Liễu Châu...".
Năm ngày sau khi chị Đỗ Lạc về Liễu Châu, mẹ tôi lấy cớ đi cùng với chị để thăm cậu tôi, ông Trần Báo, và các anh chị em Phục Quốc quân đang ở đó. Một tuần sau, từ Liễu Châu về mẹ tôi kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện về Cụ Hồ Chí Minh. Mẹ tôi kể rằng trước khi về bà có biếu ông cụ một chiếc nhẫn vàng để ông sử dụng, nhưng vật nài thế nào ông cụ cũng nhất quyết không nhận và nói: "Bà và các cháu còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Cái này để cho Diệc Lan chữa bệnh, còn tôi sống ở đây cũng tạm đủ. Bà không phải băn khoăn gì cả...".
Sau đó nửa tháng chị Diệc Lan xin nghỉ phép về Liễu Châu thăm ông cụ. Trở về chị kể với tôi: "Em ạ, ông Nguyễn ái Quốc là một lãnh tụ lỗi lạc, một con người xuất chúng. Chị xin được về nước hoạt động, cụ động viên chị yên tâm ở lại chăm sóc mẹ, em và điều trị cho khỏi bệnh. Ông cụ nói cuộc sống ở chiến khu thiếu thốn và gian khổ lắm, sức khỏe của chị không thể kham nổi đâu. Ông cụ còn khẳng định rằng: "Cách mạng của ta sắp thành công rồi. Năm 1945 ta sẽ giành được độc lập....". Tôi tròn mắt hỏi chị: "Làm sao ông cụ có thể khẳng định được điều đó chị nhỉ?". Chị tôi tủm tỉm cười, giải thích: "Bởi vì ông cụ nắm vững tình hình quốc tế và có phương pháp tư tưởng, nghĩa là nắm vững duy vật biện chứng... Em biết không, ông cụ là người cực kỳ khiêm tốn. Khi ăn cơm với mọi người ở trụ sở Việt Cách, ông cụ ăn ba bát đầy cơm gạo lức mà thức ăn chỉ có rau luộc chấm xì dầu loại rẻ tiền. Còn chị ăn mãi mà không hết một bát cơm. Sau khi ăn xong ông cụ rửa sạch bát và xới một bát đặt bên cạnh chị bắt chị phải ăn hết. Lúc nói chuyện ông cụ luôn xưng chú với chị và luôn khuyên chị rèn luyện sức khỏe."
ít hôm sau mẹ hỏi tôi có muốn đi Liễu Châu thăm ông cụ không. Tôi cười toe toét, mắt sáng lên trả lời ngay là có, bởi vì lúc đó là cuối tháng 6, tôi được nghỉ hè. Tôi giấu mẹ là từ đầu tháng 7 tôi phải đại diện cho nhà trường đi thi hát. Sợ rằng nếu mẹ biết sẽ không cho tôi đi Liễu Châu nữa. Còn tôi thì háo hức muốn được thấy mặt Nguyễn ái Quốc - Lý Thụy, một nhân vật như huyền thoại.
Mẹ con tôi phải ngồi bệt, gà gật trên sàn xe lửa đi Liễu Châu. Đến nơi, trời đã rạng sáng. Chúng tôi ngồi xe kéo đến trụ sở Việt Cách, khi mọi người ở đây đang ăn sáng ở nhà ăn. Hai mẹ con tôi được đưa vào một phòng khách rộng để chờ. Một lúc sau chúng tôi thấy có nhiều người bước vào phòng khách. Tôi giương to mắt, đầu óc căng thẳng nhìn mọi người nhưng không nhìn ra ai có dáng vẻ như mẹ tôi đã kể với tôi nhiều lần. Đang đứng ngơ ngác giữa mọi người bỗng thấy một cánh tay kéo tôi và đặt tôi ngồi trên đùi người đó. Ngoảnh lại tôi thấy đó là một ông cụ có chòm râu cằm thưa thớt hoa râm. Thần thái cụ như thoát tục. Tôi nghĩ ngay: cụ Nguyễn ái Quốc đây rồi. Khi đó cậu ruột tôi (Ngô Chính Học) ngồi cạnh ông cụ đùa một câu: "Một sợi râu, một xâu bánh, vòi bánh Cụ Hồ đi". Tôi cười bẽn lẽn.
Hai mẹ con tôi được bố trí ở một phòng nhỏ ở tầng hai. Thường buổi trưa khi mọi người đã nghỉ, mẹ con tôi sang phòng của anh Nguyễn Thanh Đồng[3]chơi. Đó là căn phòng cũng ở tầng hai, có một giường đơn, một bàn làm việc và dăm chiếc ghế tựa. Có hôm ông cụ ở lại đó và trò chuyện với hai mẹ con chúng tôi. Khi đã gần gũi, thân tình thì tính tò mò nghịch ngợm của trẻ con trong tôi như được dịp bùng phát. Tôi bắt ông cụ dạy tôi chào hỏi bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga. Rồi tôi bắt ông cụ dạy tôi nhảy quốc tế vũ. Vì không có nhạc đệm nên một già một trẻ cầm tay nhau đi theo nhịp 1, 2, 3 hoặc 1, 2, 3, 4... Được một lúc tôi chán lại vòi ông cụ dạy tôi múa Thái cực quyền. Ông cụ múa rất dẻo, nhiều tư thế rất khó bắt chước. Rồi tôi lại chán, không múa võ theo cụ nữa. Ông cụ cười hiền hậu, xoa đầu, rồi ôm tôi vào lòng. Cụ hỏi: "Lớn lên cháu thích làm gì?". Tôi trả lời: "Cháu thích học nhạc. Thế có được không hả cụ?". Cụ cười tủm tỉm: "Chú thấy học nghề gì cũng được, miễn là yêu nước, lấy nghề đó phục vụ nhân dân". Cụ còn kể cho tôi biết là: Trong âm nhạc thế giới có nhạc sĩ vĩ đại nhưng hai mắt lại mù lòa; lại có nhạc sĩ hai tai bị điếc, nhưng hai nhạc sĩ đó đều vĩ đại. Sáng tác của họ đều ca ngợi tinh thần anh hùng của nhân dân lao động...
Tôi tò mò hỏi: “Tại sao cụ xưng chú với cháu?”. ông cụ trả lời giản dị: “Có gì đâu. Vì chú ít tuổi hơn thày cháu”.
Vào một buổi trưa thấy ông cụ mặc chiếc quần len bị rách ở hai đầu gối, tôi xin cụ cho tôi được mạng lại chỗ rách. Buổi chiều ông cụ có cuộc họp 3 - 4 tiếng đồng hồ với Ban chấp hành Việt Cách. Tôi đã lợi dụng thời gian đó rút chỉ ở ve quần mạng lại hai chỗ sờn rách một cách khéo léo, nhìn thoáng qua không thể biết được.
Lúc này cụ đã dịch xong cuốn sách "Trung Quốc chi mệnh vận" của Tưởng Giới Thạch ra tiếng Việt. Sách được phát cho các hội viên Việt Cách đọc. Ông cụ được nhận nhuận bút bốn ngàn quan kim. Có tiền ông cụ đã làm bộ răng giả (mất hai nghìn tư quan kim). Nhờ vậy trông ông cụ đỡ gầy gò, hom hem hơn. Nghe anh Nguyễn Thanh Đồng kể lại tôi càng thương ông cụ hơn.
Một buổi sớm anh Nguyễn Thanh Đồng dẫn hai mẹ con tôi đi thăm ông cụ ở trường cải huấn. Trường nằm trên một ngọn đồi cao, chúng tôi đi trên các bậc tam cấp phải hơn mười lăm phút mới tới đỉnh đồi. Đỉnh đồi là một khoảng đất khá rộng, bằng phẳng có 5 - 6 ngôi nhà tranh rộng rãi được bố trí rất trật tự. Anh Nguyễn Thanh Đồng đưa chúng tôi vào một trong những ngôi nhà đó. Tôi thấy nó rộng mênh mông và không một bóng người, đi sâu vào cuối phòng đến một chiếc giường cá nhân (như mọi chiếc giường khác) anh Đồng nói đó là giường của ông cụ. Chắc ông cụ đi ăn sáng chưa về. Anh Đồng cho chúng tôi biết trung tâm này tập hợp toàn những người có xu hướng chính trị khác với Quốc dân đảng Trung Quốc. Người phụ trách trung tâm này là chủ nhiệm chính trị của Đệ Tứ chiến khu – tướng Hầu Chí Minh. Ông ta là người giỏi tiếng Anh, thấy ông cụ nhà mình uyên bác, lịch lãm, hơn nữa lại có tên gọi gần trùng nhau nên khá tâm đầu ý hợp trong các cuộc đàm đạo. Ông Hầu Chí Minh miễn cho ông cụ các buổi lên lớp, chỉ đưa các sách như Tam Dân chủ nghĩa để ông cụ xem...
Một lúc sau thấy ông cụ tươi cười từ ngoài đi vào nói: "Tôi mời các vị đi ăn sáng". Rồi ông cụ đưa chúng tôi đến một quầy hàng bình dân gọi 4 bát sữa đậu nành và một đĩa to quẩy nóng. Về sau tôi mới biết đó là bữa ăn sáng sang trọng nhất của ông cụ, còn bình thường thì hàng sáng ông cụ chỉ ăn cháo loãng với dưa muối.
Mẹ và tôi ở lại Liễu Châu khoảng một tuần. Tối tối mẹ thường đưa tôi đi thăm những người quen. Một hôm Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần và cậu ruột tôi hẹn mẹ tôi đi chơi. Mẹ tôi hỏi ý kiến ông cụ. Ông cụ chỉ nói: "Đi như vậy xem có lợi ích gì không?". Mẹ tôi hiểu ý nên cáo ốm và cho tôi đi theo họ. Đó là cuộc đi chơi hết sức miễn cưỡng với một đứa trẻ như tôi. Trong một quán trà tôi ngồi đối diện với ông Nguyễn Hải Thần, bên trái tôi là ông Trương Bội Công, bên phải là cậu ruột tôi. Mọi người tán gẫu, tôi thì ngoảnh mặt nhìn phố xá và người qua lại cho đỡ buồn. Tôi bỗng nghe ông Nguyễn Hải Thần nói: "Này các ông, tôi nghi Hồ Chí Minh là Nguyễn ái Quốc. Các ông nghĩ sao?". Khi nghe họ nhắc đến tên ông cụ, thần kinh tôi bỗng căng thẳng. Tôi dỏng tai nghe câu chuyện của ba vị, nhưng mặt vẫn làm như nhìn ra ngoài phố. Khi đó Trương Bội Công nói: "ừ, tôi cũng nghi lắm, Trần Báo thấy thế nào? Cậu từng hoạt động ở Xiêm, có gặp Thầu Chín - Nguyễn ái Quốc, vậy đây có phải Nguyễn ái Quốc không?". Nguyễn Hải Thần chen vào: "Hầy lơ, hầy lơ. Cậu xem gương mặt Hồ Chí Minh giống Nguyễn ái Quốc không?". Cậu tôi trả lời ngay là không phải bởi gương mặt hai người này hoàn toàn khác nhau. Rồi câu chuyện giữa ba người chuyển sang đề tài khác. Tôi không quan tâm tới những chuyện của họ nữa, mà chỉ thấy trong lòng vô cùng mừng rỡ, bởi cho đến lúc này, cậu tôi (Trần Báo - Ngô Chính Học) vẫn bị những người như Lý Quang Hoa cho là phản Đảng. Về nhà tôi kể lại cho mẹ nghe, mẹ nói: "Cậu con biết rõ mặt ông Nguyễn ái Quốc mà trả lời như vậy chứng tỏ cậu con không thể là kẻ phản lại lý tưởng...". Sau đó mẹ tôi đã kể lại câu chuyện này với anh Nguyễn Thanh Đồng.
Trong hồi ký “Nhật ký một chặng đường”, nhà cách mạng lão thành Lê Tùng Sơn cũng nhận xét rằng Trần Báo nằm trong số những ai biết Hồ Chí Minh “từ thời kỳ Bác ở Quảng Châu và trường Hoàng Phố, nhưng không ai nói ra Hồ Chí Minh là Nguyễn ái Quốc”[4].
Buổi chiều trước hôm mẹ con tôi về lại Quế Lâm, ông cụ rút hai tờ hai trăm quan kim mới tinh cho tôi. Vì thương ông cụ đang ốm yếu lại thiếu thốn mọi bề, nên tôi không nỡ nhận số tiền đó. Ông cụ nài thế nào tôi cũng không chịu nhận. Anh Nguyễn Thanh Đồng bảo: "Em nhận đi cho cụ vui...". Tôi ngước nhìn mẹ, thấy bà cũng gật gật đầu, khi đó tôi đành miễn cưỡng cầm hai tờ bạc. Đó là số tiền nhuận bút ít ỏi còn lại của ông cụ. Tối đó ông cụ và anh Đồng đưa mẹ con tôi tới chia tay với cậu Trần Báo của tôi, ông Nguyễn Hải Thần và ông Trương Bội Công. Khi cậu tôi và Trương Bội Công mỗi người cho một trăm quan kim, tôi liền nhận ngay...
Sáng hôm sau anh Nguyễn Thanh Đồng nói với mẹ tôi: “Ông cụ khen con bé khôn và ngoan quá, ông cụ có ngỏ lời nhờ anh nói với mẹ tôi muốn xin Mộ La làm con nuôi đưa về chiến khu cùng ông cụ”... Mẹ tôi đã từ chối vì không nỡ xa con. Mãi sau mẹ tôi mới kể chuyện này cho tôi biết.
Cuối năm 1943 khi quân Nhật sắp đánh xuống Quảng Tây, ba mẹ con chúng tôi phải qua Liễu Châu để đi về phía bắc lánh nạn. Thời gian đó Đệ tứ chiến khu đã trả lại tự do cho Bác Hồ. Bác về ở trên gác xép tầng ba của trụ sở Việt Cách, làm việc ngày đêm không nghỉ. Một buổi chiều, mẹ và tôi đến thăm Bác, không ngờ thời tiết thay đổi đột ngột. Tôi mặc phong phanh nên người hâm hấp sốt. Bác Hồ liền cởi chiếc áo len trấn thủ còn ấm hơi người mặc vào cho tôi. Buổi chiều trước hôm chúng tôi đi xe lửa lên phía bắc, Bác Hồ và anh Nguyễn Thanh Đồng đến tiễn chúng tôi. Đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp Bác ở Trung Quốc. Hai tay tôi nâng chiếc áo len trấn thủ lên trả Bác. Bác tỏ ra ái ngại cho tôi rồi Bác ôm tôi vào lòng. Tôi nghèn nghẹn trong cảm giác vô cùng gần gũi, ấm áp, yêu thương...


1. Từ năm 907 đến năm 960 ở Trung Quốc là một thời kỳ tranh quyền của năm dòng họ thay nhau làm vua gọi là Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán và Hậu Chu. Có lẽ vì chán cảnh quý tộc tranh đoạt ngôi vua, dân tình khốn khổ điêu đứng, khi về già, Hồ Hưng Dật đã ở hẳn Việt Nam sinh cơ lập nghiệp.
2. Gần đây, năm 2000 mới tìm thấy mộ của ông.
3. Ngày nay, vì cuộc sống, dân chúng phá các núi kể trên nung vôi làm nhà, nay quang cảnh không còn được như cha tôi đã kể trên đây nữa.
1. Đến năm 1944, số dân tăng lên 1.116 người. Họ Hồ chiếm gần một nửa.
1. Tính từ năm 1440, Hồ Ước Lễ lều chõng đi thi, cho tới năm 1918 mới chấm dứt hẳn thi cử Hán học.
[1] Cũng gọi là Đỗ Thị Lạc, chị Tô Lô, chị Thuần. Sinh quán Đông Khê, Cao Bằng. Từ giữa đến cuối những năm 1940 là vợ ông Hoàng Văn Hoan. Mất vì bệnh tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An.
[2] Phục quốc quân là lực lượng vũtrang của Vit Nam phc quđồng minh h- một lực lượng chính trịdo Nhật hậu thuẫn, thành lập tháng 2 năm 1939 ởTrung Quốc. Hoạt động nổi bật của Phục quốc quân là ởLạng Sơn, tháng 9 năm 1940, khi Nhật tìm cớvượt biên giới Trung - Việt. Sau khi Nhật với Pháp giàn hoà cuối tháng 9 đó, các lực lượng Phục quốc quân bịPháp đàn áp. Một bộphận rút được sang Quảng Tây, rồi gia nhập lực lượng Việt Cách.
[3]Đầu những năm 1950 được bổ nhiệm làm lãnh đạo Cục Quân huấn, Bộ quốc phòng Việt Nam.
[4] Nhật ký một chặng đường, hồi ký cách mạng của Lê Tùng Sơn, NXB Văn Học, 1978. “Thời kỳ Bác ở Quảng Châu và trường Hoàng Phố” là từ cuối năm 1925 đến đầu năm 1927.
http://vanhoanghean.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe6/nguoi-xu-nghe43/hoi-tuong-ve-cha-toi-chi-sy-ho-hoc-lam-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét