Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Văn nghệ Thứ Bảy : Phát hiện mới về Nhượng Tống, một văn tài bị quên lãng

Toàn bộ phát hiện này là của Cao Việt Dũng.

Lấy nguyên về từ blog NL.

---

Jul 18, 2015

Vài dật sự về Nhượng Tống




Nếu trước 1945 ở Việt Nam có một thiên tài văn chương đích thực, đúng nghĩa và trọn vẹn nhất, thì thiên tài ấy là Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân.


Không có đâu như ở Việt Nam, một thiên tài văn chương đã hoàn toàn vắng bóng khỏi văn học sử chính thống. Sau rất nhiều thập kỷ, Nhượng Tống đã gần như bị quên hẳn, một số người có nhắc đến thì hầu như xuất phát từ một sở thích đối với những thứ mờ ảo mà bản thân họ cũng chỉ biết lờ mờ, để tỏ vẻ lập dị, đặc biệt. Phê bình (critique) văn học của Việt Nam vô cùng gần với tội ác (crime) chính ở những trường hợp như thế này. Thật ra suốt gần một thế kỷ qua, các nhà phê bình đã làm gì?

Và văn học sử ấy, phê bình văn học ấy, lẽ dĩ nhiên, đặt vào vị trí trang trọng những nhân vật văn chương được xưng tụng nồng nhiệt nhưng lại mang giá trị văn chương rất vừa phải. Tôi đã nói nhiều đến bộ ba nhà văn chết trẻ, Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nam Cao, nhưng đâu chỉ có vậy: điện thờ của lịch sử văn chương Việt Nam còn dành chỗ cho những vĩ nhân rất không có gì nổi trội, ví dụ như Nguyễn Công Hoan. Hậu quả thấy tức thì ở các thế hệ sau: yên tâm là những văn chương như kiểu Nguyễn Công Hoan là rất giá trị, vài thế hệ sau sản sinh ra vô số nhà văn rất bình thường nhưng lại rất yên tâm về văn tài của mình, lại được tung hô không ít; danh sách này dài dằng dặc, mà tôi chỉ muốn kể tên một trường hợp rất điển hình: Ma Văn Kháng.

Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh có phân nửa là thơ ca tầm thường: đến bao giờ thì người ta mới chịu nghiêm túc nhìn nhận điều này? Và có những thiếu vắng rất lớn; Đinh Hùng là một, đó là thơ của thế hệ về sau, nhưng bản thân thơ của Nhượng Tống nữa: từng có hơn một người phàn nàn về việc Hoài Thanh đã không biết đường mà đưa thơ Nhượng Tống vào Thi nhân Việt Nam. Nhượng Tống là một thần tượng của "lớp trước", người mà Trúc Khê Ngô Văn Triện hay Văn Hạc Lê Văn Hòe từng dùng những dòng đẹp nhất để ca ngợi.

Những năm theo đuổi một ông Nhượng Tống khuất nẻo, nhiều lần tôi rùng mình trước sự quạnh quẽ, hoang vắng. Nhượng Tống không cần đến bất kỳ một sự vinh danh nào, vì đó lại còn là người Việt Nam thấu hiểu đạo của Trang Tử hơn bất kỳ ai khác. Nhưng cảm giác bất nhẫn của tôi cũng lớn như niềm ngưỡng mộ mà tôi dành cho văn nghiệp của Nhượng Tống. Mà lại cũng không chỉ là văn nghiệp: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Đoàn Trần Nghiệp oanh liệt và chết đúng thời điểm, trở thành anh hùng dân tộc, nhưng người đồng đội thân thiết của họ là Nhượng Tống, bộ não của họ, tài năng của họ, thì cho tới giờ vẫn vất vưởng ở một bên lề mịt mùng bí mật. Trường hợp Khái Hưng rất tương tự, nhưng Khái Hưng ít nhất còn có bằng hữu sau này không nhiều thì ít, trong một giai đoạn, trả lại cho một phần tầm vóc đích thực.

Tôi thu lượm được không ít câu chuyện về Nhượng Tống, ở đây tôi sẽ chỉ kể những "dật sự" đã có thể kiểm chứng bằng văn bản. Tôi cũng chỉ muốn nói đến những mối quan hệ trong văn giới của Nhượng Tống. Văn chương Việt Nam nhìn chung là tệ hại, nhưng văn giới Việt Nam mới gọi là thê thảm, nhìn chung là thế; những câu chuyện đẹp trong văn giới liên quan đến Nhượng Tống chắc sẽ gỡ gạc được chút ít cho tiếng xấu chung, để ít nhất ta thấy có những tình bạn văn nhân đẹp đẽ. Những câu chuyện dưới đây sẽ liên quan đến ba con người.

Thứ nhất là Lê Văn Văng, "ông Tân Việt". Đầu thập niên 40, Nhượng Tống bắt đầu trở lại với sự nghiệp văn chương. Cả thập niên trước đó là hoạt động cách mạng, tù đày và quản thúc. Đây là thời kỳ thứ hai của văn nghiệp Nhượng Tống, thời kỳ thứ nhất là quãng giữa thập niên 20, giai đoạn của những "thư quán", "thư cục" và "ấn quán" như Long Quang, Chân Phương, Trúc Khê v.v... Đầu thập niên 40, Lê Văn Văng cũng hoạt động mạnh ở Hà Nội - giai đoạn Hà Nội này lọt vào giữa hai giai đoạn miền Nam của Lê Văn Văng. Phần lớn sách của Nhượng Tống giai đoạn này được in ở Tân Việt (mặc dù, Tân Việt hướng mạnh hơn sang các tác giả mới, lứa Đinh Hùng, Phiêu Linh Nguyễn Đức Chính và cả Tô Hoài nữa). Giữa Lê Văn Văng và Nhượng Tống có một tình cảm lớn hơn nhiều so với tình cảm giữa nhà xuất bản và tác giả thông thường.

Lê Văn Văng trở ngược vào Nam rất sớm, sau quãng 45-46. Người mà Lê Văn Văng rất muốn đưa theo là Nhượng Tống. Nhưng Nhượng Tống đã không đi. Khi Nhượng Tống qua đời năm 1949, Lê Văn Văng là người đã trợ giúp gia đình Nhượng Tống không ít, và sau này, chính nhờ nhà Tân Việt mà trước tác của Nhượng Tống còn sống thêm một quãng thời gian nữa; ta sẽ chủ yếu biết được về Nhượng Tống thông qua bước trung gian là Tân Việt của thời kỳ miền Nam.

Nhượng Tống ít tuổi hơn Khái Hưng và thuộc thế hệ Nhất Linh, nhưng lại ngả về hướng nho nhiều hơn là Pháp. Những người thân cận với Nhượng Tống chủ yếu là các nhà cách mạng và các nhà nho, nhưng Nhượng Tống lại có mối quan hệ bạn bè thân thiết với Lưu Trọng Lư, một nhà thơ lớp mới. Lưu Trọng Lư từng có bài viết kể mình về nhà Nhượng Tống (lúc này vẫn bị quản thúc ở quê) chơi như thế nào (Lưu Trọng Lư cũng suýt dính rắc rối với mật thám vì chuyện này). Gần đây, tôi xác định được thêm một điều nữa: Lưu Trọng Lư quen Nhượng Tống là thông qua sự giới thiệu của Phan Khôi (nhưng có vẻ Nhượng Tống và Phan Khôi cũng không quen biết nhau trực tiếp, mà chỉ là Phan Khôi ngưỡng mộ tài năng của Nhượng Tống mà thôi).

Mối giao tình này dẫn đến lời tựa mà Lưu Trọng Lư viết cho cuốn tiểu thuyết Lan Hữu của Nhượng Tống:


Cuốn tiểu thuyết này, khác hầu hết tác phẩm của Nhượng Tống, không in ở Tân Việt mà in ở Lê Cường.



Tôi từng nói, trước 1945 chỉ có ba tiểu thuyết thực sự lớn, là Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Lan Hữu của Nhượng Tống và Băn khoăn của Khái Hưng, và tôi sẽ không ngại nhắc lại điều này nhiều lần nữa.

Lời tựa của Lưu Trọng Lư bị kiểm duyệt một đoạn, chắc hẳn là vì Lưu Trọng Lư nhắc tới thân thế Nhượng Tống:




Chuyển qua nhân vật thứ ba, cũng là câu chuyện hay nhất.


Đó là Phan Văn Hùm.



Nhượng Tống dịch Thơ Đỗ Phủ, cuốn sách ấy, rất bất ngờ, có lời đề tặng như sau:


Cái sự tặng "một người bạn không quen" này thể hiện một niềm ngưỡng mộ rất lớn. Chuyện gì đã xảy ra sau đó? Sau đó đã có một mối giao tình rất đặc biệt.


Khi biết được điều này, Phan Văn Hùm đã viết một bức thư gửi cho Nhượng Tống, một bức thư vô cùng cảm động từ Tân Uyên:



Những láo nháo của cuộc đời có là gì đâu, khi mà ta nhận được những điều như thế này.


Bức thư này của Phan Văn Hùm, Nhượng Tống rất quý, là một thứ được Nhượng Tống lưu giữ rất cẩn thận; chính vì thế mà nó còn tồn tại đến ngày nay, minh chứng cho một tình bạn đẹp giữa hai tài năng lớn.



Nhưng còn chưa hết: Nhượng Tống cũng xuất hiện trong một tác phẩm của Phan Văn Hùm (in ở nhà Tân Việt, tất nhiên):



Ta xem thêm một tác phẩm khác của Nhượng Tống, cụ thể hơn là xem quyển sách:


Ở quyển này, Nhượng Tống tự viết lời tựa:


Và đây là trang ghi rất rõ: quyển Ly tao này ngoài một bản đặc biệt cho nhà xuất bản, còn có hai bản đặc biệt khác, một ghi L. V. V., chính là Lê Văn Văng, còn ở đây là bản ghi N. T., tức là Nhượng Tống:



Yên Bái. 17/6/1930. Phó Đức Chính
Nhượng Tống về Phạm Hồng Thái và Tâm Tâm xã


http://nhilinhblog.blogspot.com/2015/07/vai-dat-su-ve-nhuong-tong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét