Ngày 25/2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới thăm và làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Ngoại giao…
Báo cáo với Chủ tịch nước, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong năm 2015 trường đã tổ chức thành công hai đợt thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh đại học chính quy. Đây là mô hình mới, tiên tiến, hội nhập với thế giới và thể hiện sự tiên phong trong đổi mới tuyển sinh giúp Đại học Quốc gia kiểm soát và nâng cao chất lượng đầu vào.
Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia cũng công bố 564 bài báo quốc tế, xuất bản 63 sách chuyên khảo chất lượng cao với các thứ tiếng, trong đó có 250 bài thuộc hệ thống tạp chí Scopus và 255 bài thuộc hệ thống tạp chíISI. Chỉ số trích dẫn trung bình của các bài báo ISI đạt 3,9 và có nhiều công trình ứng dụng trong đào tạo đại học, sau đại học.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với các nhà khoa học tại ĐH Quốc gia Hà Nội. |
Đại học Quốc gia Hà Nội đã chuyển giao bộ cơ sở dữ liệu cho 14 tỉnh Tây Bắc làm nguồn tài liệu tham khảo quan trọng cho công tác điều hành, quản lý của lãnh đạo các địa phương; bàn giao các sản phẩm về phát triển nhân lực lãnh đạo, quản lý khu vực hành chính công cho các tỉnh vùng Tây Bắc và Báo cáo kinh tế thường niên cho Ban Kinh tế Trung ương.
Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu đi vào chiều sâu công nghệ và được ứng dụng, triển khai trong thực tiễn như: Hệ gen của 3 cá thể thuộc một gia đình người Việt; Phát triển công nghệ Plasma lạnh hoạt động ở điều kiện khí quyển thông thường (AP Plasma) để diệt khuẩn, cũng như hạn chế quá trình nhanh chín của hoa quả; Vi mạch chuyên dụng mã hóa video VNU-UET VENGME H.264/AVC@2014.
"Kết quả của hoạt động khoa học công nghệ trong năm qua đã mang lại các giải thưởng cao quý, như: giải thưởng Tạ Quang Bửu, giải thưởng L'Oréal - For Women in Science, National Award 2015, giải thưởng Nhân tài đất Việt", Phó giám đốc Nguyễn Kim Sơn nói và cho biết năm 2015 Tổ chức xếp hạng đại học QS đã xếp Đại học Quốc gia Hà Nội vào nhóm 191-200 các đại học hàng đầu châu Á, đứng đầu trong số đại học của Việt Nam.
Cần đãi ngộ tốt để nhà khoa học không phải xoay xở với 'cơm áo gạo tiền'
Đại diện cho các giáo sư, nhà nghiên cứu ở Đại học Quốc gia Hà Nội, GS Lưu Văn Bôi chia sẻ ở khoa Hoá đã 41 năm, sắp kỷ niệm 38 năm ngày cưới, nhưng ông chưa phụ giúp vợ được bao nhiêu về kinh tế. Khi ông được phong hàm giáo sư, bà đến nhận cùng và nghe thông báo là hệ số lương tăng lên trên 8 phẩy. Ông đưa thẻ ATM cho bà, nhưng thực tế cho đến nay hệ số lương của ông vẫn không đổi, giữ nguyên hệ số khoảng 6,4.
“Để làm khoa học ở Việt Nam phải rất tâm huyết. Không biết các giáo sư khác thế nào, chứ tôi cảm thấy may mắn khi có bà vợ tốt, biết thông cảm. Tôi và các giáo sư khác thật ra không cần ưu đãi nhiều, chỉ cần lương đủ chi tiêu, không cần phải xoay xở kiếm sống, dành toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu khoa học, cống hiến cho đất nước”, người có khoảng 120 công trình khoa học, trong đó có 49 công trình đăng quốc tế, 13 bằng sáng chế độc quyền, nói.
|
GS Mai Trọng Nhuận. |
Là chủ nhiệm khoa 10 năm, rất nhiều thế hệ sinh viên của GS Bôi đi du học nước ngoài nhưng rất ít người về. Ông cho rằng, người Việt không hề kém so với quốc tế, nhưng chế độ đãi ngộ kém. Các thủ tục rườm rà, ví dụ đề tài nghiên cứu trong 2 năm thì mất một năm quyết toán. Đề tài to nhất cũng chỉ được chi 2,5 tỷ đồng - số tiền chỉ đủ cho các nhà khoa học làm thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.
GS Mai Trọng Nhuận cũng kiến nghị, cần có chế độ đãi ngộ tốt để các nhà khoa học không phải đau đầu vì cơm áo gạo tiền, đồng thời cần đánh đánh giá, sử dụng đúng nhân tài, bởi khi được trọng dụng thực hiện nhiệm vụ đúng thế mạnh thì người đó sẽ làm việc rất hiệu quả.
GS Nhuận cho rằng cần tạo điều kiện pháp nhân cần thiết và các điều kiện về mặt vật chất tối thiểu để các nhà khoa học triển khai nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, phải đánh giá và đãi ngộ theo đóng góp của từng cá nhân, nhóm nghiên cứu, tránh cào bằng như hiện nay.
"Các nhà khoa học cần được bảo vệ danh tiếng, nhất là những công trình có tính đột phá. Tôi đề nghị nhà nước cho Đại học Quốc gia Hà Nội thí điểm tất cả những kiến nghị trên, xem đây vừa là nơi thí nghiệm, trình diễn, vừa là cách để Đại học Quốc gia sớm có nguồn nhân lực chất lượng cao", GS Nhuận nói.
Bộ trưởng Khoa học Nguyễn Quân thông tin, những vấn đề mà GS Bôi nêu ra cơ bản đã được giải quyết. Theo đó, định mức cho các đề tài đã được nâng lên nhiều lần, và nếu các nhà khoa học dám nhận khoán thì không cần hoá đơn chứng từ. Khi đó nhà nước chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm nghiên cứu. Những thay đổi này bắt đầu có hiệu lực từ 15/2.
Trụ sở Đại học Việt - Nhật đang được xây dựng
Giám đốc Phùng Xuân Nhạ cho hay, hiện nay Đại học Việt - Nhật (trường thành viên thứ bảy thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) - biểu tượng cho mối quan hệ giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã được chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng để đi vào hoạt động, tuyển sinh. Lễ động thổ xây dựng trường tại Hòa Lạc đã được tổ chức. Sáu chương trình đào tạo thạc sĩ sẽ bắt đầu từ tháng 9.
Hiện tại, Đại học Quốc gia và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp triển khai nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS). Dự kiến báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sẽ được JICA công bố tại Tokyo vào tháng 6 tới. Đại học Quốc gia cũng đang tích cực làm việc với các bên liên quan phía Việt Nam nhằm đề nghị phía Nhật Bản sớm phê duyệt vốn vay ODA cho dự án đầu tư xây dựng trường tại Hòa Lạc.
Đánh giá cao kết quả Đại học Quốc gia Hà Nội đã đạt được trong năm như vững vàng giữ vị thế đại học hàng đầu Việt Nam, tăng xếp hạng khu vực, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ sự hài lòng khi Đại học Quốc gia nằm trong top từ 190 đến 200 trường Đại học châu Á.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, Đại học Việt - Nhật là biểu tượng của quan hệ 2 nước Việt Nam và Nhật Bản, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm. Mặc dù, trong việc triển khai xây dựng, phát triển trường sẽ có nhiều khó khăn nhưng Đại học Quốc gia Hà Nội cần tiếp tục triển khai đồng bộ vừa xây dựng cơ sở vật chất của trường, vừa mở các khoa, ngành đào tạo. Trước mắt là cần đầu tư triển khai nhanh đề án xây dựng Đại học Việt - Nhật, tạo niềm tin trong thu hút nguồn vốn ODA để triển khai.
"Mục tiêu của Đại học Việt - Nhật là đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ra trường có trình độ mang tầm quốc tế, qua đó sẽ tiếp thu được công nghệ quản lý giáo dục, quản trị đại học tiên tiến, hiện đại và lan tỏa ra các trường đại học khác trên cả nước", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói.
Hoàng Thùy
http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/nha-khoa-hoc-mong-moi-duoc-toan-tam-cong-hien-3360708.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét