1. Bài của Bàn Tuấn Năng
Một cái nhìn phổ quát về Lễ hội Ná Nhèm
Lễ hội Ná Nhèm (tiếng Tày, nghĩa là mặt nhọ) là lễ hội truyền thống hết sức đặc sắc của người Tày ở khu vực cửa đình Làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng. Trước đây, lễ hội được tổ chức theo chu kỳ 3 năm 1 lần. Năm 2012, lễ hội được các nhà nghiên cứu và người dân địa phương tổ chức phục dựng lại khá hoàn chỉnh sau hơn 50 năm gián đoạn. Thể theo nguyện vọng của đông đảo bà con và du khách thập phương, kể từ đó đến nay, lễ hội được duy trì đều đặn hàng năm. Với những giá trị đặc sắc ấy, ngày 8/6/2015 Lễ hội Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 1877/QĐ-BVHTT&DL công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Để độc giả hiểu rõ hơn vè lễ hội, tác giả xin cung cấp thêm một góc nhìn từ góc độ nghiên cứu văn hóa.
Về các sự tích liên quan đến lễ hội, hiện có nhiều truyền ngôn. Nhưng tựu chung lại, có thể khái quát như sau:
- Lớp văn hóa biểu đạt bên ngoài.
Lớp văn hóa này bao gồm các sự tích được nho sĩ sáng tạo ra, nhằm che giấu những thông điệp mật, ẩn giấu ở bên trong. Chuyện kể rằng ngày ấy, bản làng đang yên bình thì bỗng một toán giặc từ đâu kéo tới đóng ở đồi Khau Dạ Háy. Chúng bắt một người phụ nữ là bà Mãn theo hầu hạ. Ngày nọ, những người đi dò xét, nắm tình hình gặp bà Mãn đang lấy nước cho giặc ở khe Rọ Rạy. Bà cho biết chúng là 12 tên giặc “Tài Ngàn”, điểm đặc biệt của đám giặc là răng chúng nhuộm đỏ (nên còn gọi là “Sấc khẻo đeng”); ban ngày chúng rình rập, cướp bóc, ban đêm chúng chui vào trong túi và bắt bà thắt miệng túi cho chúng ngủ để tránh muỗi. Biết vậy, những người này bàn với bà Mãn chờ đêm xuống sau khi thắt miệng túi cho đám giặc thì báo hiệu dân bản lên đập rìu vào đầu cho chúng chết. Giết giặc xong, dân bản ném xác chúng xuống suối; xác giặc trôi đến khu vực ngã ba Phai Lý ngày nay thì dừng lại, dân bản liền chôn chúng ở đó. Vài năm sau, thôn bản đang thanh bình thì dịch bệnh ập tới; riêng chỗ chôn bọn giặc xuất hiện một tổ ong rất lớn, người và gia súc qua đó thường bị đốt đến chết. Dân bản cử người đi xem bói và biết rằng dịch bệnh là do ma quỷ của đám giặc kia quẫy nhiễu. Vì vậy, muốn có mùa màng bội thu, dịch bệnh tà ma không quấy nhiễu thì cả bản phải lập miếu thờ và tổ chức cúng tế vào rằm tháng giêng hàng năm; định kỳ cứ 3 năm một lần tổ chức hội lớn để trấn yểm, trừ tà.
Tuy nhiên, đó chỉ là cái vỏ của vấn đề. Khi tổ chức lễ hội, người dân ở đây phải tiến hành rất nhiều nghi thức đặc biệt, riêng có…chứ không có những nét tương đồng như truyền thống văn hóa của người Tày bản địa. Cụ thể như:
Một số kiêng kỵ:
Tham gia việc tế lễ và dẫn đoàn rước Long ngai, Bài vị của đức Vua là ông Mo và hai ông Hội cùng với 4 thanh niên trai tráng khỏe mạnh chưa lập gia đình, trong nhà không có việc tang. Họ phải cẩn cáo trước thần linh và chay tịnh ít nhất 3 ngày, trước khi vào chính hội.
Thông thường, tất cả các đồ cung tiến, cúng tế, rước….đều phải tập hợp tại cửa đình Làng Mỏ để ông Mo, ông Hội và 4 anh Tưởng tiến hành lễ cúng, báo với đức Vua và các thánh thần về các đồ vật được cung tiến. Chỉ khi đức Vua cùng các thánh thần, thành hoàng…nhận (thông qua việc gieo quẻ) thì các lễ vật mới được rước và cung tiến vào ngày chính hội, 15 tháng giêng.
Phụ nữ không được phép tham gia vào các vai diễn trong lễ hội. Với các vai nữ tại trò diễn sĩ – nông – công – thương, ngư – tiều – canh – mục, làng phải tìm đàn ông đóng giả để trình diễn.
Trong quá trình tổ chức việc tế, rước…người dân không được phép chạy qua cửa đình, cửa miếu…, không được đứng trước cửa đình, miếu… để đứa Vua, thần thánh còn ngự, xem con cháu trình diễn.
Diễn trình lễ hội
Ngay từ tờ mờ sáng, ông Mo, Hội và các anh Tưởng đã vào đình lấy ống bương đựng nước, ra làm lễ tại miếu thờ đức Vua Miêu Tĩnh và xin “nước Tiên” về để khênh tại lễ hội. Khi rước nước đến đình Làng Mỏ, ống nước này sẽ được bày cùng các lễ vật để ông Mo khấn, xin nhập lễ vật vào đoàn rước. Kế đó, các thanh niên trai tráng trong làng sẽ rước long ngai, bài vị của đức Vua Cao Quyết từ đình Làng Mỏ ra miếu Xa Vùn, để đức Vua ngự…chờ con cháu rước các loại đồ lễ dùng để cung tiến như: cây thiên tuế, cây khoai sọ, cây lúa, cây bông, nong tằm và cái kén…cùng với sinh thực khí (tàng thinh – mặt nguyệt).
Sau khi tiến hành lễ rước đức Vua từ đình lên miếu, làng bắt đầu vào hội. Mở đầu phần hội là chương trình đánh đại đao, gươm mác, rước linh vật, cây giống và cung tiễn lễ vật từ cửa đình làng Mỏ đến Cổng Tam Tiều trước cửa miếu Xa Vùn.
Để chuẩn bị cho các trò diễn ở lễ hội. Ngay từ sáng sớm 4 ông được cử làm chánh tướng, phó tướng phải đến Phai Lý – nơi xác giặc răng đỏ (giặc Tài Ngàn) chôn tại đây. Bốn ông tướng phải đợi đến khi gà gáy sáng thì men dọc theo đoạn suối Phai huyền ngược dòng nước chảy để tiến về phía đình. Khi đi ngang qua Đình, 4 ông tướng phải khom lưng, cúi đầu, thể hiện sự cung kính đối với thần. Khi đến Nà Du (bãi ruộng ven suối cách đình khoảng 50m) thì bước đi theo kiểu hành quân, tay phải giơ cao vẫy chào, tay trái đánh mạnh ra sau, miệng cười vang và gặp đoàn quân ở đó cùng cờ lọng, chiêng trống…để hành quân lên đường tiến về Miếu.
Trong đám rước ngoài ông mo, hai ông hội và 4 người rước long ngai, bài vị không phải bôi đen mặt còn lại tất cả phải bôi mặt đen để cho mọi người không nhận được ra mình. Làm như vậy để giống với quân giặc, tà ma không nhận ra mình mà bắt hay làm hại.
Đoàn rước chia làm 2, đi đầu đoàn thứ nhất là hai ông chánh tướng, phó tướng (ông thải), tiếp đến là 12 người đánh đại đao (người Tày ở đây quen gọi là mác), sau đó là đội trống, chiêng. Đi hai bên là đội cờ và đội khiêng cây giống, lễ vật (bao gồm: ống nước, Tàng thinh – Mặt nguyệt, cây Thiên Tuế).
Đoàn thứ hai cũng giống như đoàn thứ nhất: đi đầu đoàn là hai ông chánh tướng, phó tướng (ông thải), tiếp đến là 12 người đánh gươm, sau đó là đội trống, chiêng. Đi hai bên là đội cờ và đội khiêng cây giống, lễ vật (bao gồm: cây khoai sọ, cây lúa – bó lúa, cây bông hoặc kén tằm).
Đoàn cuối cùng là những người thiếu niên khiêng lễ vật và các cây giống, đồng thời cầm tù và (pù lu, pà loa) thổi dọc đường đi, kết hợp với tiếng trống cái (tiếng chiêng), trống cơm tạo thành một bản hành khúc ra trận hùng tráng. Cuối cùng là các ông Lềnh đi hai bên đoàn đánh gươm, đánh mác và thay gươm, mác nếu bị gãy.
Đoàn quân, đoàn rước đi nhanh hay chậm là do hai viên chánh tướng, phó tướng. Phó tướng (ông thải) đi trước, tay cầm chổi vừa đi vừa làm động tác khua chổi dọn đường, tiếp theo là chánh tướng. Chánh tướng và phó tướng phải kết hợp các động tác và bước đi sao cho thật uyển chuyển và nhịp nhàng. Khi chánh tướng hô “da dí” cùng động tác vẫy tay trái ra đằng sau, múa tay phải đằng trước phía trên đỉnh đầu thì quân reo theo và đánh các thế võ. Mỗi lần đánh võ sử dụng các thế gươm, thế mác, đánh trên, đâm dưới, đỡ phải, đỡ trái, có tiến, có lùi, có công, có thủ …. Bên đông đánh bên tây và ngược lại, Theo các cụ “ da dí” nghĩa là “tiến lên”; bên tây là giặc, còn bên đông là quân ta. Cứ như vậy cho đến khi đoàn quân tiến đến gần miếu, cách miếu khoảng 10 m thì trên miếu có 4 cụ già, một cụ giữ trống đánh 3 hồi trống, rồi gõ vào tang trống 3 tiếng cắc, cắc, cắc. Nghe tiếng gõ ấy, tiếng chiêng, trống, tù và ngừng lại, cả đoàn quân cũng đứng lại, bắt đầu phần đối đáp giữa hai đoàn quân tướng và các bô lão bằng tiếng Tày, lồng vào đó là tiếng tung hô “tô mô vạn tuế” rất trang ngiêm và kính cẩn.
Một cụ già hỏi (tạm dịch):
“Đầu niên tháng giêng năm mới, ai đi đâu có tướng có quân, có lọng có tàn có gươm có mác, có trống tiền, trống hậu, có pù lu, pà loa đi đâu về đâu lắm đấy hở”?
Lần đầu các tướng lắc đầu ngoáy tai bằng lông gà lôi, giả vờ như không nghe rõ rồi vẫy vẫy quân tiến lên, trống, chiêng khua ầm ĩ và reo: “da dí, da dí” rồi lại tiếp tục diễn võ.
Các cụ hỏi lần thứ hai:
“ Đầu niên tháng giêng năm mới, ai đi đâu có tướng có quân, có lọng có tàn có gươm có mác, có trống tiền, trống hậu, có pù lu, pà loa đi đâu về đâu lắm đấy hở”?
Các tướng trả lời: “hả hơi, át sồi” rồi vẫn cứ tiến lên reo: “da dí, da dí” rồi lại tiếp tục diễn võ.
Các cụ lại hỏi lại lần thứ 3:
“ Đầu niên tháng giêng năm mới, ai đi đâu có tướng có quân, có lọng có tàn có gươm có mác, có trống tiền, trống hậu, có pù lu, pà loa đi đâu về đâu lắm đấy hở”?
Lần này có tiếng trả lời : “Khói hơn nước Lào mà tiến cống”.
Các cụ nói: “Khấu mà lố, khấu mà lố ( vào đi), thế thì hay quá”.
Nói xong đoàn thứ nhất tiến lên trước Miếu, chờ đoàn quân tướng thứ hai cũng đang chuẩn bị tới nơi.
Người giữ trống đánh ba hồi trống, cắc ba các báo hiệu thì tiếng chiêng trống, tù và ở dưới dừng lại, các cụ già tiếp tục những câu hỏi như hỏi đoàn thứ nhất.
Khi đoàn quân tướng thứ hai lên đến miếu, chào nhau hồ hởi và xếp thành hai hàng ở hai bên cửa miếu, tựa như kiểu binh lính khi xưa đứng tại sân chầu của nhà vua. Các đồ trống, chiêng được cất vào trong miếu, cờ được cắm trước cửa và hai bên miếu.
Ông Mo và hai ông hội rước đức vua Cao Quyết vào Đình tượng trưng (lều tạm) bên cạnh Miếu để tế và mời đức Vua đang ngự cùng mọi người xem hội.
Đến đoàn cung tiến lễ vật các cụ hỏi, người khiêng lễ vật, cây giống tùy theo câu hỏi của các cụ mà trả lời:
Các cụ chỉ vào cây thiên tuế và hỏi : Cái này là cái gì?
Đáp:
“Cây này là cây thiên tuế, chúng tôi đem đến mừng làng ta ai cũng sống lâu nghìn tuổi, phúc lộc đầy nhà”.
Các cụ chỉ vào tàng thinh, mặt nguyệt và hỏi : Cái này là cái gì?
Đáp:
“ Ô, các cụ không biết à, cái này là cái tàng thinh, mặt nguyệt, loài người sinh ra nó đấy. Chúng tôi mang đến cầu mong cho làng ta con đàn, cháu đống, để làng ta ngày càng đông cửa, đông nhà”.
Các cụ chỉ vào cây khoai sọ và hỏi : Cái này là cái gì?
Đáp:
“ Cây này nó phải trồng dưới đất, đói đem về ăn đỡ bụng, nó là cây khoai sọ đến mùa tháng 8 mới ăn được”.
Tiếp đến các cụ chỉ vào cây ngô và hỏi: Cái này là cái gì?
Đáp:
“Cây này là cây lương thực nuôi sống chúng ta đấy, ăn vào nó no bụng, nó đẹp giai, tốt gái”.
Tiếp đến các cụ chỉ vào cây lúa và hỏi: Cái này là cái gì?
Đáp:
“Cây này là cây lương thực nuôi sống chúng ta đấy, ăn vào nó no bụng, nó đẹp giai, tốt gái”.
Tiếp đến các cụ chỉ vào cây bông và hỏi: Cái này là cái gì?
Đáp:
“ Cây này là cây bông dùng để dệt vải, làm chăn màn, quần áo che thân đỡ rét, mặc vào nó đẹp giai đẹp gái”.
Tiếp đến các cụ chỉ vào cây kén tằm và hỏi: Cái này là cái gì?
Đáp:
“ Cái này là cái pheng tằm tơ, dùng để may mặc, con giai con gái mặc vào đẹp giai, đẹp gái”.
Tiếp đến các cụ chỉ vào ống nước và hỏi: Cái này là cái gì?
Đáp:
“ Đây là cái ống nước, tất cả chúng ta đều cần đến nó. Nó giúp ta khỏi khát để ta nấu cơm, tươi cho mùa màng sinh sôi phát triển. Chúng cầu cho làng ta mưa nắng điều hòa, mùa màng bội thu”.
Kết thúc phần rước và cung tiến lễ vật, trước đây kén tằm được vãi từ trên miếu xuống cho mọi người dự hội hứng cầu lộc, cầu tài, các lễ vật khác được đưa và miếu dâng thần thánh. Bốn ông tướng vào Miếu lạy 4 lạy để chuyển sang mục tiếp theo của hội.
Buổi chiều, vào khoảng 14h30 các trò diễn sĩ – nông – công – thương, ngư – tiều – canh – mục được các vai diễn trong cửa đình đảm nhiệm. Mở đầu là trò sĩ – nông – công – thương. Trong màn đối đáp này, có những dấu ấn quan trọng, chứng tỏ việc bang giao của triều đình phong kiễn với Nhật Bản. Chẳng hạn như lời hát của anh Tiến sĩ đăng khoa:“Nay tôi là Tiến sĩ ở Kẻ Đông, dạo chơi khắp hết Đàng Trong Đàng Ngoài, chưa từng sang chơi nước lội, qua sang Nhật Bản nước người cùng vui, lân la chưa ra về còn làm chi, đã được kết nghĩa thì vui tấm lòng”. Hoặc có cả dấu ấn về quê hương bản quán của đức Vua, như lời hát của người bán kén: “Này tôi là chính thực Nương Tây Lan Thị, sinh đời hoàng đế ở núi miền tiên (Lạch Sơn), núi ấy đại ngàn, có một cây dâu nó mọc lên đấy. Tình cờ soi thấy cái kén nở ra, tôi mới đem về nhà, tôi liền nuôi để đến ngày nó nở, tôi mới đem ra, vua Bà làng ta xả ra lấy kén”.
Kết thúc các trò diễn, khoảng 17h00, ông Tướng leo lên một cây cột cao để thực hiện nghi lễ “Giáo Thiên Lôi” và vẩy nước Tiên của đức Vua ra bốn phương nhằm mục đích ban bình an, no ấm cho mọi người.
Sau khi hoàn thành công việc này, các ông Mo, Hội và 4 anh Tưởng đến đình tạm dựng ở cạnh miếu Xa Vùn để rước đức Vua về ngự tại đình Làng Mỏ. Lễ hội Ná Nhèm đến đây kết thúc.
- Đôi lời bàn luận
Theo tiếng địa phương Lễ hội “Ná Nhèm” là Lễ hội bôi nhọ mặt hay còn được hiểu là Lễ hội hóa trang, giấu mặt. Lễ hội Ná Nhèm là nghi thức, nghi lễ thờ cúng thần thành hoàng Cao Sơn, Quý Minh đại vương, thờ đức Vua Miêu Tĩnh và đức Vua Cao Quyết, gắn liền với sự tích đánh giặc giữ làng, giữ nước và các hoạt động văn hóa, các trò chơi, trò diễn. Theo kết quả nghiên cứu của các tác giả, lễ hội Ná Nhèm có rất nhiều nội dung liên quan đến tưởng niệm vua Mạc như: tục rước nước – rước Vua, tục thờ Thái tổ Mạc Đăng Dung, ẩn dưới việc thờ cây đại đao, trò diễn đánh đại đao tại lễ hội, tục cung tiến lễ vật trong tiếng hô “vạn tuế”, việc ông tướng mượn lời giáo để xưng “trời sinh tôi xuống..”, sự khớp nối về thời điểm chạy loạn (1677) và sự hiện diện đến đời thứ 14 của họ Hoàng và họ Bế ở cửa đình Làng Mỏ… Trên cơ sở các luận cứ khoa học đó, các nhà khoa học đã giúp địa phương kết nối với ban liên lạc họ Mạc ở Hà Nội. Đại diện Ban liên lạc họ Mạc ở Hà Nội cũng đã tiến hành khảo sát, xác minh…và có những kết luận sơ bộ ban đầu trùng khớp với ý kiến của các nhà khoa học và nguyện vọng được tìm về cội nguồn tiên tổ của các dòng họ ở nơi này…Do đó, tại Lễ hội năm 2016, người dân ở cửa đình Làng Mỏ nói riêng cũng như ở huyện Bắc Sơn nói chung vinh dự được tiếp đón các đại biểu là con cháu dòng họ Mạc tại các tỉnh Hải Phòng, Cao Bằng, Thái Nguyên và thủ đô Hà Nội về tham dự lễ hội và chia vui cùng nhân dân địa phương. Đây đồng thời cũng là một nét đẹp văn hóa rất đáng tự hào, trân trọng nhân dịp địa phương vinh dự đón nhận bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Để đón nhận bằng công nhận di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, năm nay UBND huyện Bắc Sơn đã trực tiếp chỉ đạo, điều hành các nội dung công việc để có thể tổ chức chu đáo nhất, giúp du khách khi tham gia lễ hội cơ cơ hội tìm hiểu thêm về các nội dung có liên quan. Thể theo nguyện vọng của đông đảo người dân sở tại, linh vật năm nay được làm to hơn so với những năm trước đây. Ngay trong việc sơn màu cho “tàng thinh” cũng phải tham khảo rất kỹ. Do chỉ có thể thực hiện bằng 1 trong 3 màu cơ bản: đỏ, hồng và màu cánh gián, nên cũng cần có những cân nhắc. Màu cánh gián nếu sơn, có thể sẽ làm người xem liên tưởng đến “đồ thật”, ý nghĩa linh thiêng của linh vật sẽ bị mất đi. Việc sử dụng màu đỏ cũng không đảm bảo yếu tố mỹ thuật. Do vậy, các cụ cùng Ban tổ chức vẫn quyết định sử dụng màu hồng như những năm trước đây, nhưng cho sơn đậm hơn. Ngay cả khi tổng duyệt vào ngày 19/02/2016 (tức ngày 12 tháng giêng âm lịch), mọi người cũng chưa biết nó giống “đồ” của nước nào cả. Vì vậy, sự trùng hợp với linh vật của lễ hội ở Nhật Bản hẳn là ngẫu nhiên. Bởi lẽ, người Nhật chắc cũng không có sự chọn lựa nào khác về màu sắc. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở chỗ việc rước “tàng thinh – mặt nguyệt” chỉ là một nội dung nhỏ của lễ hội Ná Nhèm, chứ không phải là một nội dung mang tính phổ quát và xuyên suốt lễ hội như nhiều bài viết khác đã nhấn mạnh nhằm làm thỏa mãn tính hiếu kỳ của độc giả, khiến người đọc liên tưởng đến lễ hội như một con “quái vật” văn hóa, vừa được Ban tổ chức Lễ hội Ná Nhèm cho xuất hiện trước công chúng nhân dịp con cháu họ Mạc về tụ hội tại lễ đón nhận bằng Di sản Văn hóa Phi vệt thể Quốc gia. Và cũng cần nói thêm rằng: lực lượng báo chí dường như đã “mãn nhãn” với Linh vật, nên chiều hôm ngày rằm tháng giêng năm Bính Thân không còn phóng viên ảnh nào tác nghiệp nữa. Những bức ảnh về trò diễn đăng trên báo Dân trí là do tác giả bài viết cung cấp. Có lẽ, nó rồi sẽ trở thành ảnh độc của một lễ hội Vinh danh đáng nhớ, đã bị truyền thông phần nào tham gia bóp méo.
Đôi điều bày tỏ thông qua vốn kiến thức hạn hẹp của mình, để độc giả cùng hiểu thêm về một lễ hội đặc biệt, vốn được dành để tưởng niệm đức Vua, có liên quan đến vương triều Mạc (mà rõ nhất là Mạc Thái Tổ) ở trong quá khứ. Thông qua lễ hội, ngoài việc tưởng niệm còn là cả một câu chuyện dài. Cụ thể như: dạy con cháu đánh giặc giữ làng, giữ nước, dạy con cháu mưu sinh qua các trò diễn ngư – tiều – canh – mục, sĩ – nông – công – thương, dạy con cháu biết trân trọng những giá trị rất Người để tiếp tục vun đắp cho cuộc sống thêm hạnh phúc, ấm no, để tiếp tục sinh con đẻ cái…và trao truyền văn hóa. Đó là cả một câu chuyện nhân văn vô cùng to lớn của lễ hội. Hy vọng, độc giả sau khi đọc bài viết này, sẽ háo hức chờ ngày đến dự lễ hội Ná Nhèm vào rằm tháng giêng năm 2017 để cùng dự khán và tìm hiểu.
Một số hình ảnh Lễ hội Ná Nhèm 2016:
Bài và ảnh: Ths. Bàn Tuấn Năng
Viện Văn hóa Phát triển – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
2.
Ban liên lạc họ Mạc Hà Nội tham dự Lễ hội Ná Nhèm
Nhận lời mời của UBND huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) và Ban tổ chức lễ hội Ná Nhèm từ ngày 21/2 – 22/2/2016, Ban liên lạc họ Mạc Hà Nội tham dự Lễ hội Ná Nhèm, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn do TS Phan Đăng Long – Trưởng Ban liên lạc làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn còn có các ông: Hoàng Minh Tuấn, Bùi Trần Tuấn, Mạc Văn Hạnh, Phạm Quốc Toàn, các nhà nghiên cứu Phạm Hải (Trung tâm nghiên cứu gia phả), Phan Đăng Thuận (Viện Sử học) và một số nhà nghiên cứu thuộc Viện Văn học cùng hơn 30 con cháu họ Mạc (gốc Mạc) đang sinh sống làm việc tại Hà Nội.
Trong chuyến đi này, đoàn đã có buổi giao lưu cùng với bà con địa phương, đặc biệt là sự gặp gỡ kết nối với chi họ Hoàng và chi họ Bế (gốc Mạc) đang sinh sống và làm việc nơi đây.
Bên cạnh đó Ban liên lạc họ Mạc Hà Nội cũng đã có buổi giao lưu cùng Mạc tộc các tỉnh thành Hải Phòng, Cao Bằng, Thái Nguyên về dự lễ hội.
Tham gia lễ hội, đoàn đã có sự trải nghiệm hết sức thú vị với những màn nghi lễ trang trọng, độc đáo của văn hóa vùng cao cũng như hòa mình vào niềm vui chung của bà con dân tộc nơi đây, cầu mong cho một năm an bình, sinh sôi và thuận lợi.
TS Phan Đăng Long đại diện cho con cháu họ Mạc (gốc Mạc) phát biểu tại lễ hội và chúc mừng lễ hội Ná Nhèm chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc Gia năm 2016.
Một số hình ảnh:
Bài và ảnh: homacvietnam.vn
3.
Lễ hội Ná Nhèm – Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia 2016
Ngày 22/2 (tức ngày 15 tháng Giêng âm lịch), tại thôn làng Mỏ, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã diễn ra Lễ hội Ná Nhèm và đón nhận Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2016
Lễ hội Ná Nhèm thôn làng Mỏ xã Trấn Yên là một di sản văn hóa phi vật thể đặc sản của địa phương, đây là một trong những lễ hội truyền thống cổ truyền của xã Trấn Yên nói riêng và của tỉnh Lạng Sơn nói chung. Sau hơn 50 năm gián đoạn, năm 2012 lễ hội Ná Nhèm đã được phục dựng và tổ chức trở lại.
Theo tiếng địa phương Ná Nhèm có nghĩa là “mặt nhọ” hay còn gọi là lễ hội hóa trang dấu mặt. Là nghi thức, nghi lễ thờ cúng thần thành hoàng Cao Sơn Quý Minh đại vương, thờ đức vua Miêu Tĩnh và đức vua Cao Quyết, gắn liền với sự tích đánh giặc giữ làng và các hoạt động văn hóa, các trò chơi, trò diễn
Lễ hội Ná Nhèm được tổ chức từ rạng sáng cho tới lúc trời tối. Ngay từ sáng sớm, các nghi thức cúng, tế, và rước nước từ miếu thờ đức vua Miêu Tĩnh tại mỏ nước Bó Vằn về đình làng Mỏ; nghi lễ cúng tế tại đình làng Mỏ (thờ đức vua Cao Quyết “Uy Linh Tỉnh Khuê” và miếu Xa Vùn (thờ đức Thánh Cao Sơn, Quý Minh” được các ông mo, ông hội thực hiện nghiêm cẩn.
Điều đặc biệt của lễ hội Ná Nhèm là có rất nhiều nội dung liên quan đến tưởng niệm vua Mạc chẳng hạn như tục rước nước – rước Vua, tục thờ Thái tổ Mạc Đăng Dung ẩn dưới việc thờ cây đại đao, trò diễn đánh đại đao tại lễ hội…
Trong lễ hội, các diễn viên tham gia đều bôi mặt nhọ với ý nghĩa nhằm đánh lạc hướng những linh hồn giặc, sẽ không còn con ma nào biết ai diễn lại hình dạng và thất bại của chúng trước dân làng mà bắt về gây tai họa, dịch bệnh. Điểm đặc sắc nhất của lễ hội Ná Nhèm là màn rước sinh thực khí nam (tàng thinh) và sinh thực khí nữ (mặt nguyệt). Ý nghĩa của việc này là ước mong sinh sôi nảy nở, con cháu đầy đàn.
Đến với lễ hội, du khách còn được thưởng thức trò diễn sỹ – nông -công – thương, ngư – tiều – canh – mục (kén dâu, kén rể) và các môn thể thao truyền thống như bịt mắt bắt dê, chơi đu, kéo co, đẩy gậy, cờ tướng… Trước khi kết thúc lễ hội là tiết mục Giáo thiên lôi của các ông tướng, ban bình an, no ấm, phúc lộc cho mọi người
Năm nay, lễ hội Ná Nhèm được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là lễ hội tổ chức điểm của tỉnh. Thông qua lễ hội nhằm phát huy, giữ gìn và quảng bá truyền thống văn hóa của quê hương; tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân có dịp giao lưu, sáng tạo các loại hình văn hóa, góp phần duy trì và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Bài và ảnh: homacvietnam.vn
http://homacvietnam.vn/?p=932
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét