Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

Luận án tiến sỹ: sao không xóa bỏ những nghi ngờ (bài Hà Văn Thịnh)


Bài của bác Hà Văn Thịnh ở Huế.

---

  •   HÀ VĂN THỊNH
  • Thứ sáu, 06 Tháng 5 2016 22:06
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Mấy ngày qua, dư luận nóng rãy và oi bức như thời tiết chuyển mùa, xoay quanh chuyện các đề tài TS khó tin đến mức… không tin cũng phải tin! Tại sao ư? Đó là vì trí tưởng tượng của những người bình thường không thể nào nghĩ ra các đề tài tương tự, do thế, hầu hết đều nghĩ rằng chỉ những cái đầu thật cao siêu tái sinh từ thời đại đồ đá, mới có thể làm cho cả xã hội phải giật mình trước những “ý tưởng” mênh mông…
Thiết nghĩ rằng, để làm cho dư luận yên lòng, để đánh tan những nghi ngờ về nội dung, chất lượng của các công trình nghiên cứu; cũng như để cho rất nhiều TS thật khỏi phải ngơ ngác, đỏ mặt khi được xếp đứng bên các TS không được thật lắm thì, nhất thiết phải có đổi thay!...
Xin đề xuất (mang tính chất “phá đề” để các bậc cao minh bổ sung, góp ý) một số điều chỉnh về quy chế nhằm trả lại cho Caesar những gì đúng là của Caesar.
Thứ nhất, tại sao không bắt buộc công khai tất cả, đầy đủ các luận án TS trên các tạp chí chuyên ngành trước khi bảo vệ?
Lâu nay, “bắt buộc” này đã thành quy chế nhưng dường như mới chỉ là cho có bởi những ai quan tâm không thể truy cập được! Cái sự “khó” đó không biết có phải do các cơ quan có trách nhiệm đã tạo nên một rào cản “vô hình” nào đó?

Viện Hàn lâm Khoa học VN là cơ quan có đủ thẩm quyền và tư cách để công bố các luận án này trước giới nghiên cứu cùng với toàn bộ trí thức của đất nước.

Một khi đã công bố như thế, mọi sự nhầm lẫn khoa học sẽ nhanh chóng được phản hồi bởi trong thời đại thế giới phẳng, tri thức mạng – thế giới ảo của vô số cái đầu thật sẽ nhận chân ra vấn đề một cách tinh tế, chuẩn mực. Đừng bao biện rằng cách làm này là “đẽo cày giữa đường”: những góp ý, phê bình không thỏa đáng sẽ bị đào thải, chân lý sẽ hiển hiện.

Mặt khác, việc công khai “trình độ” chất lượng của luận án cũng sẽ làm giảm đến mức thấp nhất sự bao che hay dàn xếp của một vài cá nhân nào đó trong Hội đồng bảo vệ vì ai cũng hiểu, có quyền tất sinh lợi, có lợi ắt nảy sinh sự thiếu công minh…

Không ai không biết một GS hay PGS “ngồi hội đồng” một ngày, đôi khi, tiền phong bì hơn cả tháng lương…

Thứ hai, từ Bắc tới Nam, không đâu không thấy các TS sau khi bảo vệ thành công luận án thì mặc nhiên được hưởng lợi từ “công sức” và tiền của đã bỏ ra. Tại sao không có một cơ chế quy định rằng sau 3 năm, nếu TS không công bố được một công trình có giá trị (trong một chuyên san nước ngoài có uy tín chẳng hạn) thì tấm bằng đó lập tức được bảo lưu; rồi, nếu sau một hay hai năm vẫn tiếp tục tình trạng đó thì bằng đã cấp tự động vô giá trị?

Cái cách đăng bài (không cần nhuận bút) cho nhau, đăng vì tình cảm, quan hệ ở không ít tạp chí mang danh “khoa học” hiện nay, đăng mà chỉ có người có bài đọc, thực chất đang biến khoa học thành sự đùa dai bọt bèo. Ấy thế mà tất cả những bài của cái gọi là “công trình” đó lại đương nhiên được tính điểm để xét phong tiếp học hàm?

Chính vì sự trớ trêu này của thực tiễn mà nước ta có rất ít bằng sáng chế, phát minh được công nhận. Hàng vạn TS, PGS mà mỗi năm, số bài nghiên cứu được đăng tải trên các chuyên san uy tín của quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay…

Thứ ba, cần phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đầu vào của thạc sĩ, TS. Một khi nhiều trường ĐH coi đào tạo ThS là nguồn thu tốt nhất, đễ nhất (cho cả nhà trường lẫn giảng viên) thì ThS, trên thực tế, chỉ là cái hư danh càng ngày càng làm hỏng xã hội. Người ta quên mất rằng cái tưởng là không quan trọng gì (bằng ThS) đã mở toang cánh cửa cho tấm bằng TS đi qua! 90% các bằng TS đều có xuất phát điểm là đề tài cũ, thầy giáo cũ, equip xét duyệt cũ…

Ai có thể đảm bào rằng trong cái mối quan hệ lâu dài, bền vững, “tình cảm” từ “thuở trước” ấy, sự bao che, dàn xếp không tái diễn?

Đó là chưa nói chuyện đa số các chuyên đề đào tạo ThS chỉ là “nâng cao” gọi là – thực chất là thay tên, đổi họ cho những gì đã được giảng dạy thời… đại học.
Mới đây, ông Viện trưởng Viện KHXH trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam đã rất “tự hào” khi trả lời báo chí rằng việc tuyển đầu vào rất chặt chẽ(?)
Xin hỏi ông Viện trưởng, cứ chọn 1 trong 2 người thi thì liệu có khó hơn thi vào lớp 1 của các cháu 6 tuổi hay không? Nhiều trưởng tiểu học ở Hà Nội, TP HCM…, muốn vào lớp một có chất lượng nào đó phải là một chọi 10 đó, thưa ông.
Đấy là chưa nói chuyện nhiều trường, tỉ lệ “chọi” của đầu vào ThS là được quyền có 30 chỉ tiêu nhưng chỉ có…7- 8 người thi!...
Trên đây là một vài ý kiến – xin nhấn mạnh là chỉ góp ý riêng cho các ngành khoa học xã hội – lĩnh vực mà người viết bài tương đối hiểu biết.

Những đề xuất trên không mới nhưng vẫn phải nhắc lại vì cho đến nay, chưa có bất kỳ thay đổi thực sự nào.

Để kết thúc bài này,tôi xin kể 3 câu chuyện có thật 100% (người viết sẵn sàng đối chứng).

Chuyện một, tôi biết một người tên là Ng.V.T,, học cao học ngành Văn tại TP HCM, rớt lên rớt xuống hết môn này đến môn khác. Thế rồi, “Tin đâu như sét đánh ngang/ Anh Tê đi Mỹ chuyển sang Tiến Sì”: Ng.V.T. sang Mỹ, chưa đầy 1 năm sau mang về cái bằng TS… Xã hội học, rồi trở thành hiệu trưởng đầu tiên của trường ĐH C.L! Toàn bộ cái uẩn khúc của “quy trình” từ ThS văn chương thành TS XHH chẳng ai dòm ngó – nó cứ mặc định rất, rất “đúng quy trình”.

Chuyện hai, năm 2010, khoa Sử, Đại học Khoa học Huế, phối hợp với Viện Sử học, tổ chức Hội thảo khoa học Kỷ niệm 35 năm ngày thống nhất đất nước, tại Huế. Trong báo cáo tham luận, ông Viện trưởng Viện Sử học khẳng định rằng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1, Vùng 1 Chiến thuật của VNCH đóng tại Huế(!) Trước hàng chục GS, PGS, TS và gần 200 người dự hội thảo, tôi đã chứng minh rằng bộ tư lệnh đó đóng ở Đà Nẵng còn ở Huế chỉ là Văn phòng Tiền phương thôi!

Chuyện ba, cách đây hơn 10 năm, tôi có dự một buổi bảo vệ Luận án TS, đề tài về Chiến tranh lạnh. Khi tác giả nói thao thao bất tận về Hội nghị Malta và việc kết thúc “chiến tranh lạnh” từ Hội nghị Malta, tôi đứng lên hỏi tác giả Luận án “Malta ở đâu”? Trả lời, đó là một quốc gia nằm ở miền Trung lục địa châu Âu(!)
Nghỉ giải lao, tôi phàn nàn với GS.TS đầu ngành, Chủ tịch Hội đồng là thầy V.D.N. Vị Chủ tịch Hội đồng đã nói với tôi rằng: “Thôi, thông cảm đi em, đôi khi có sai sót là bình thường, mình vào Huế chủ yếu đi chơi thăm thú cho vui ấy mà”…

Tôi không bao giờ nuốt nổi trái đắng ấy và, chẳng bao giờ dự bất kỳ lễ bảo vệ TS nào nữa vì lý do rất đơn giản: Đó là kiến thức tối thiểu mà không một sinh viên chăm chỉ nào của chuyên ngành lịch sử thế giới không biết. TS không có quyền phạm sai lầm tệ hại như thế.

Vì, tại Malta, tháng 12 năm 1989, người đứng đầu hai nước Mỹ và Liên Xô đã ký thỏa thuận chấm dứt “chiến tranh lạnh” – cái xương sống của đề tài!
Và, Malta là một hòn đảo rất nhỏ nằm ở phía đông nam của… đảo Sicile…
Những câu chuyện bi hài như trên có nhiều lắm – đủ để kể hết ngày dài lại đêm thâu vẫn… chưa kết thúc.

Đó không chỉ là nỗi buồn mà là nỗi đau thực sự cho cả giới trí thức lẫn toàn thể dân tộc, giống nòi. Nếu cứ “cho qua” để mặc cho sự dối trá, hư danh lên ngôi, bỡn cợt thì nền giáo dục tinh hoa của nước nhà chẳng bao giờ có thể cất đầu lên nổi…

Ai cũng nói, nước này nước kia, sở dĩ phát triển như thế, như nọ là nhờ giáo dục!
Nếu chúng ta công nhận điều đó là đúng, tại sao để nền giáo dục cứ lạch bạch dáng đi vịt què để thi thố với cả loài người?

Huế, 25.4.2016
http://vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/van-hoa-hoc-duong40/luan-an-tien-sy-sao-khong-xoa-bo-nhung-nghi-ngo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét