Tin chính thức của TTO. Không phải tin trôi nổi và thất thiệt lần trước.
Tin ở dưới của TTO và các nơi khác.
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường qua đời
TTO - Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường – tác giả nhiều công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị, vừa qua đời tại nhà riêng ở TPHCM lúc 4g sáng 24-3 sau một thời gian dài nằm bệnh.
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường qua đời. Ảnh: L.Đ |
Trước đó, sau khi nhắm không qua khỏi căn bệnh nan y, ông Tạ Chí Đại Trường từ Mỹ về lại Việt Nam vào ngày 4-10-2015 với ý nguyện sẽ “gửi nắm thân tàn” lại nơi quê hương.
Theo người nhà cho biết, trước tết âm lịch Bính Thân 2016, ông vẫn còn tỉnh táo, có thể tiếp chuyện một bạn bè đến thăm. Nhưng từ tết đến nay thì ông yếu hẳn.
Ông Tạ Chí Đại Trường sinh ngày 21-6-1938 tại Nha Trang, nhưng quê gốc ở Bình Định. Ông bắt đầu làm việc với sử liệu và nghiên cứu lịch sử Việt Nam từ trước 1975.
Các công trình của ông được giới sử học trong và ngoài nước đánh giá cao, không chỉ ở mức độ công phu, cẩn thận khi xử lý tư liệu mà quan trọng là cách nhìn của Tạ Chí Đại Trường về những lịch sử Việt Nam có tính mới mẻ, nên ông là người đưa ra các kiến giải quan trọng, tạo nên một “phong cách sử học” của riêng ông, khác với sử quan và khác với mọi người.
Trong khi học giới nước ngoài nhanh chóng tiếp cận các công trình nghiên cứu sử học của Tạ Chí Đại Trường ngay khi ông vừa viết xong và công bố, bạn đọc trong nước chỉ tiếp cận một hai đầu sách của ông in vào khoảng thập niên 80-90 thế kỷ trước.
Gần đây, thông qua nỗ lực liên kết xuất bản của Nhã Nam, một loạt sách của ông được xuất bản trong nước như: Những bài dã sử Việt (2009), Người lính thuộc địa Nam Kỳ 1861 - 1945 (2011), Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 (2012), và Thần người đất Việt (2014).
Ghi nhận những đóng góp về chuyên ngành nghiên cứu lịch sử của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 7 năm 2014 trao tặng ông ở hạng mục Giải Nghiên cứu, với lý do “Vì những đóng góp độc đáo và mới mẻ của Ông trong nghiên cứu sử học”.
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường mất đi là một mất mát lớn cho giới nghiên cứu sử học trong và ngoài nước. Những ngày cuối đời trên giường bệnh ở Sài Gòn, ông vẫn ưu tư đề cập đến các vấn đề sử học của đất nước, và trăn trở về một số công trình chưa kịp in ở Việt Nam.
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường gặp gỡ bạn đọc tại Nhã Nam thư quán, năm 2011. -Ảnh: L.Điền |
Hiện linh cữu nhà sử học Tạ Chí Đại Trường được quàn tại nhà: 402/27 An Dương Vương, P4, Q5.
Lễ viếng bắt đầu từ 20g ngày 24-3,
Lễ động quan lúc 8g ngày 27-3, sau đó đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Đa Phước.
LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN
http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20160324/nha-su-hoc-ta-chi-dai-truong-qua-doi/1072954.html
http://boxitvn.blogspot.com/2016/03/vinh-biet-su-gia-ta-chi-ai-truong.html
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường qua đời
24/03/2016 11:18 GMT+7
- Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường, tác giả nhiều công trình nghiên cứu lịch sử có giá trị, vừa qua đời tại nhà riêng ở TPHCM sáng nay 24/3 sau một thời gian dài lâm bệnh nặng.
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường quê ở Bình Định nhưng được sinh ra tại Nha Trang, đi học tại Bình Định, Nha Trang và học Đại học ở Sài Gòn. Ông tốt nghiệp cao học sử Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1964; Tham gia nhập ngũ 1964 - 1974.
Năm 1974, ông giải ngũ trở về đăng kí học tiến sĩ chuyên khoa Sử tại ĐH Văn khoa Sài Gòn. Năm 1970, ông nhận được giải thưởng Văn chương toàn quốc, Bộ môn Sử.
Từ tháng 8/1994, ông chuyển qua Mỹ sống tại Oklahoma City. Đến năm 2002, ông nghỉ hưu và sống ở Garden Grove City, Califonia, Mỹ.
Cuối năm 2015, ông Tạ Chí Đại Trường từ Mỹ về lại Việt Nam với ý nguyện sẽ “gửi nắm thân tàn” lại nơi quê hương sau khi biết mình không qua khỏi căn bệnh nan y.
Nhà nghiên cứu sử học Tạ Chí Đại Trường được xem là một trong những nhà sử học xuất sắc, có những đóng góp quan trọng, độc đáo và mới mẻ, đặt ra nhiều vấn đề không chỉ về các sự kiện, các nhân vật, các giai đoạn lịch sử riêng rẽ. Ông còn được nhận định là người có những vấn đề về cách nhìn và suy nghĩ lịch sử một cách thực sự khoa học, khách quan, chân thật.
Tên ông gắn với nhiều tác phẩm khẳng định giá trị cả trong và ngoài nước. Trong đó phải kể đến tác phẩm đầu tiên "Lịch sử Nội chiến Việt Nam từ năm 1771 đến 1802" ra mắt 1960 gây tranh luận, được tái bản nhiều lần. Tác phẩm mở ra một cách viết Sử mới, trung thực, đặc biệt sinh động tạo ra những suy ngẫm sâu xa về Lịch sử Việt Nam nói chung, về dân tộc và đất nước.
Ở một tác phẩm khác của Tạ Chí Đại Trường cũng được tái bản nhiều lần như Thần, Người, và Đất Việt với cách viết mang đến cho công chúng cách nhìn lịch sử sâu sắc khoa học và độc đáo: Lịch sử quan các thần tích.
Ngoài ra, với các tác phẩm như Những bài văn Sử, Những bài dã Sử Việt, Việt Nam nhìn từ bên trong, Sử Việt đọc vài quyển, Bài sử khác cho Việt Nam, Người lính thuộc địa Nam Kì (1861-1945) …thể hiện cách phát hiện, cách nhìn, góc nhìn cùng những đóng góp độc đáo, đặc sắc không chỉ cho việc tìm hiểu lịch sử nước nhà mà còn cho cả khoa học lịch sử….
Theo Tạ Chí Đại Trường, sở dĩ tác phẩm của ông được đánh giá là có giọng điệu riêng và cách lập luận độc đáo vì ông chưa từng tham gia chính thức một cơ quan nghiên cứu lịch sử nào vì vậy đã thoát ra được khỏi hệ thống quan điểm truyền thống về lịch sử Việt Nam, hơn nữa tuy rất nghiêm túc trong công việc nghiên cứu nhưng ông không đặt nặng việc tác phẩm của mình viết ra phải có độc giả.
Với những đóng góp độc đáo trong nghiên cứu sử học, nhà Sử học Tạ Chí Đại Trường đã được giải Văn hóa Phan Châu trình lần thứ 7 trao giải Nghiên cứu vào năm 2014 vì những đóng góp độc đáo và mới mẻ của ông trong nghiên cứu Sử học.
Được tin nhà sử học Tạ Chí Đại Trường vừa qua đời ngày 24-3-2016 tại nhà riêng ở Sài Gòn, BVN vô cùng đau xót, tiếc thương. Sinh năm 1935 (giấy tờ ghi 21 tháng Sáu, 1938) tại Nha Trang, quê gốc ở Bình Định, xuất thân chuyên khoa Sử của Đại học Văn khoa Sài Gòn, Ông là một cây bút viết sử nghiêm cẩn, đối diện với sự thật không biết cúi đầu, suy tưởng lịch sử không theo lệnh bất kỳ ai ngoài đầu óc sắc bén và trái tim nhạy cảm của chính mình; cũng không bị lệ thuộc các quan điểm và phương pháp truyền thống. Nhờ đó, trong tác phẩm của Ông thường chứa đựng những phát kiến đầy hấp lực, có giá trị khai quang cho bộ môn lịch sử và văn hóa dân tộc. Các tác phẩm Lịch sử nội chiến Việt Nam từ năm 1771 đến 1802 (1973), Người lính thuộc địa Nam Kì (1861-1945) (luận án TS, 1975)... khi ra đời từng gây được tiếng vang và nhận giải thưởng quốc gia ở miền Nam, sau mấy chục năm bị xua đuổi, xa lánh công khai, khoảng một thập niên trở lại đây đã trở về lại nơi khai sinh ra nó và được chào đón nồng nhiệt, cùng với những cuốn khác viết ở trong nước nhưng chưa kịp xuất bản, hoặc viết ở nước ngoài sau khi ông đã sang định cư tại Hoa Kỳ 1994: Thần người và đất Việt (1989), Một khoảng Việt Nam Cộng hòa nối dài (1993), Việt Nam nhìn từ bên trong (cùng Nguyễn Xuân Nghĩa, 1994), Những bài dã sử Việt (tập hợp các bài viết từ trong nước, 1996), Những bài văn sử (1999), Sử Việt đọc vài quyển (2004), Bài sử khác cho Việt Nam (viết trong nhiều năm thời còn trẻ, kết thúc 2011),... Những cuốn sách này đều có sức lan tỏa sâu rộng không chỉ trong giới nghiên cứu chuyên ngành.
Còn nhớ vào năm 1989, GS Nguyễn Huệ Chi cùng PGS Trần Thị Băng Thanh (Viện Văn học) vào Sài Gòn để in Tập II Quyển thượng sách Thơ văn Lý - Trần, đến sửa bông tại nhà in ông Lý Thái Thuận, bắt gặp một người công nhân sắp chữ, dáng cao, gầy, ít nói nhưng có đôi mắt lấp lánh khác thường. Sau nhiều buổi lặng lẽ quan sát công việc của nhau, một hôm người công nhân nọ mời hai tác giả sửa bông ra uống cà phê ở một quán bên đường trò chuyện. Và trong câu chuyện dần trở nên thân tình, ông cho biết tên thật. Quá bất ngờ vì một nhà sử học có tiếng lại khiêm tốn đến vậy, cả hai tác gỉả mừng rỡ xiết chặt tay ông. Từ đó họ trở nên bạn bè đồng điệu. Năm 2001, Nguyễn Huệ Chi có dịp sang Hoa Kỳ, đến thăm California, hẹn Ông Tạ Chí Đại Trường và vợ chồng nhà văn Nguyễn Mộng Giác cùng nhau đi thăm nhà văn Võ Phiến bấy giờ còn ở Los Angeles, chơi ở đấy suốt một ngày, chuyện trò không dứt. Từ bấy giờ trở đi không còn dịp tái ngộ.
Cuộc gặp gỡ tại California trong ngày 14-9-2001, từ phải sang: Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Mộng Giác.
Cùng nhau đàm đạo trong ánh nắng thu ngoài vườn của vợ chồng nhà văn Võ Phiến ở Los Angeles ngày 15-9-2001.
Trước cuộc chia ly bất ngờ không mong muốn xin bày tỏ nỗi niềm hụt hẫng của chúng tôi và thành kính gửi đến gia quyến nhà sử học lời phân ưu thâm thiết.
Xin vĩnh biệt Ông – Tạ Chí Đại Trường.
Bauxite Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét