Thứ Năm, 17 tháng 3, 2016

Vừa đi vừa đọc lại : họ Mạch ở khu vực Đền Cờn (Nghệ An)

Đọc bài của Mạch Quang Thắng.

Về tác giả này, blog này đã chạy một số bài của ông.

Đến bây giờ thì biết ông là người họ Mạch ở khu vực Đền Cờn.

Những lúc du lãng ở vùng phủ Diễn Châu ngày trước, nay là khu huyện Quỳnh Lưu và huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An, vẫn thi thoảng gặp người họ Mạch.

Bài này của Mạch Quang Thắng chỉ có giá trị duy nhất đối với tôi: xác nhận ông là người họ Mạch ở khu Đền Cờn.


Lấy nguyên về từ VHNA.

---

Mục lục số 311 [25.2.2016]


"2.     VĂN HOÁ VÀ ĐỜI SỐNG
TT
Số đăng
tải
Ngày phát hành
Tên bài
Tác giả
1
311
25/02/2016
Thưởng đỉnh Mỹ - ASEAN thành công đến đâu?
Đinh Hoàng Thắng
2
Đền Cờn – Điều đã mất khi nhìn thấy điều còn lại
Mạch Quang Thắng
"


Tôi  bài này với tâm trạng của một người thụ hưởng giá trị văn hóa của đền Cờn. Tôi không muốn phán xét. Tôi có thể nêu nhận biết của mình khi nhìn lại đền Cờn sau hơn 50 năm đã qua với một tâm trạng bình thường như bao con người khác mà đạo Phật đã chỉ giáo về 6 lục tình: HỈ, NỘ, ÁI, Ố, AI, LẠC.
Quan niệm
Quan niệm "ĐỀN CỜN" ở trong bài này là gồm hai ngôi đền làm thành một thể thống nhất (hai trong một). Tôi đã đọc nhiều tài liệu, nhiều sách, nhiều bài đã công bố trên các phương tiện truyền thông thì người ta gọi đền Cờn bằng nhiều tên khác nhau. Truyền thuyết về đền Cờn thì cũng lắm.
Còn tôi, tôi gọi đúng tên đền Cờn như người dân bản địa ở đây đã gọi. ĐỀN CỜN là chung cho cả hai đền, đó là ĐỀN TRONG và ĐỀN NGOÀI. Đền Trong là đền phía trong làng Cờn, tọa lạc mé sông Hoàng Mai, trên một gò đất, trên bến dưới thuyền, cây đa bến nước, ngày xưa có chợ phiên tấp nập cạnh bên. Còn đền Ngoài là ngôi đền nằm trên mỏm của núi Thằn Lằn (trong nhiều sách gọi là núi Hùng Vương), cái mỏm núi này nhô ra biển - tạo nên một cảnh sơn thủy tuyệt đẹp.
Đại thi hào Nguyễn Du đã đến đền Cờn và đã có một bài thơ. Không biết là Nguyễn Du viết bài thơ ấy về đền Trong hay đền Ngoài. Chắc là đền Trong.
Còn nhiều vua Trần trên đường chinh chiến có ghé vào đền Cờn, không rõ là ghé vào đền Ngoài hay là đền Trong. Chắc là đền Ngoài.
Đền Cờn tọa lạc ở làng Phương Cần xưa, bây giờ là phường Quỳnh Phương thuộc thị xã Hoàng Mai tỉnh Nghệ An. Làng Phương Cần (đọc trẹo đi là Cờn) có tên nôm là kẻ Càn (kẻ Cờn). Gọi là kẻ, hình như đó là tên của nhiều làng cổ mà tôi thường thấy ở vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, là nơi phên dậu Hoan Châu của Đại Việt xưa. Xung quanh kẻ Càn (Quỳnh Phương), còn có kẻ Sòi (Quỳnh Lộc), kẻ Trắp (Quỳnh Lập), kẻ Xóm (Quỳnh Liên), kẻ Đáy (làng Ngọc Huy, làng gốc của gia đình văn nghệ nổi tiếng của cố thiếu tướng nhạc sĩ An Thuyên), v.v.
Tôi viết lòng thòng như vậy là để nhấn mạnh một điều rằng, có "hai trong một", do vậy, khi tổ chức lễ hội gì đó, hay khi đầu tư trùng tu thì nên gộp hai đền đó vào cùng một như cái vốn có, như cái cần có. Cần như thế và chắc chắn như thế. Đừng có tách rời đền Trong và đền Ngoài ra. Thật ra, ở đền Ngoài, tính chất đền và chùa pha trộn nhau. Điều này có nguyên do của nó. Nhưng mà thôi, tôi sẽ viết riêng ở dịp khác. Đền và chùa pha trộn là nói về những bức tượng ở đó, có cả tượng phật nghìn mắt nghìn tay, nhưng chỉ để ở gian chái, còn chính giữa vẫn là tính chất đền đậm đặc.
Mất và còn - còn và mất
Người làng Phương Cần xưa kia gắn nhiều với các lễ hội. Đến nỗi mà không chỉ dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có lúc nhắc nhở bơn bớt đi, mà từ thời xưa đã có nhiều lần bị phê phán về việc dân làng tổ chức ra quá nhiều lễ hội hằng năm, kèm cả hủ tục và mê tín dị đoan, rất tốn kém, tốn kém cả tiền của và thì giờ.
Cũng có nguyên do. Làng Phương Cần chủ yếu là làng chài; dân chủ yếu là dân đánh cá, trừ một số rất ít hộ làm nông (nay không còn đất mà làm nông nữa). Cái điểm chung của dân đi biển là hay thờ phụng để mong có chữ AN. Mấy ngôi đền, chùa ở trong làng chính là những sinh hoạt văn hóa phi vật thể hay là cái không gian văn hóa mà trên đấy cư dân chài lưới thờ cúng cho sự THUẬN: thuận buồm xuôi gió, xuôi chèo mát mái, cá tôm đầy khoang, là an toàn tính mạng. Vì đi biển ngày xưa không như bây giờ có thuyền to, có máy móc và nhiều phương tiện dự báo thời tiết, chứ lúc xưa chỉ có chèo tay và nhờ sức gió cánh buồm; dự đoán thời tiết chỉ dựa vào kinh nghiệm. Số ngư dân bị chết ngoài biển hằng năm khá nhiều, nhất là những khi biển động, bão tố.
1. Đền Cờn vẫn thế, nếu tính tới đặc tính văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nó.
Đây đích thực là ngôi đền thờ Mẫu (Mẹ). Đền Ngoài chỉ là đền phụ mà thôi. Thờ Mẫu là tín ngưỡng rất phổ biến của người Việt. Ở Quỳnh Phương trước đây, người ta kiêng gọi tiếng "Mẹ" mà gọi mẹ đẻ của mình là "Chị" là để tránh húy tín ngưỡng. Mãi cho đến cuối những năm 60 đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi cuộc sống hiện đại làm ổ vào tâm thức lớp trẻ thì người ta chuyển dần một cách tự nhiên không ai gượng ép, từ gọi "Chị" sang gọi "Mẹ".
Thờ Mẫu là cái hồn cốt của đền Cờn, bên cạnh đó, xưa nữa có thờ thần hạt lúa, gắn với cả ước mong phồn thực trong mùa màng làm ăn, vì ở đây xưa tuy là chủ yếu làng chài nhưng vẫn có một phần dân cư làm nông nghiệp. Tứ vị thánh nương chỉ là cái cớ thôi, chứ đâu chủ yếu là tứ vị thánh nương. Cái lấn át của truyền thuyết là những đời sau dựng lên. Thật chẳng có Tống phi hay hoàng tộc triều nhà Tống bên Tàu gì ở đây cả. Chính vì cái vị thờ Mẫu phổ biến trong tín ngưỡng dân gian của người Việt này mà cho đến nay tôi thấy cơ man nào là đền thờ Mẫu kèm theo dạng thờ Tứ vị thánh nương ở nhiều nơi miền bắc. Thanh Hóa, Hưng Yên, Hà Nội, v.v. có nhiều đền thờ loại này lắm, mà nghe nói cái gốc là từ đền Cờn này. Ông Hoàng Tuấn Công (Tuấn Công thư phòng) đã có một loạt bài về "Đền Cờn xứ Nghệ ra Thanh" đăng ở đâu đó nói rõ vấn đề này.
Vẫn còn đó những lễ hội tháng Giêng hằng năm, người ta bây giờ gọi là lễ hội đền Cờn, có đua thuyền ,có hội "Chạy Ói". Ngày xưa chỉ có một tên duy nhất là lễ hội "Chạy Ói" chứ người ta không gọi là lễ hội đền Cờn. Hội đua thuyền là phần tất yếu phải có và nó đã hiện diện xưa nay ít khi bỏ đi, trừ lúc có chiến tranh phá hoại ác liệt. Nó là cái tiêu biểu của sự biểu đạt sức sống của quần tụ ngư dân làng Phương Cần.
2. Mất thì mất nhiều lắm. Có cái mất do thiên nhiên. Có cái mất do sự ấu trĩ của con người. Có cái mất do lòng tham, do đói kém.
Người ta bảo đền Cờn đẹp đầu bảng Nghệ Tĩnh, nghĩa là nó đứng thứ nhất trong tốp 4 ngôi đền ở Nghệ Tĩnh (Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch, tứ Chiêu Trưng). Nhưng nói đến đền Cờn là nói đến cả quần thể, nghĩa là cả cái khuôn viên rất đẹp. Khuôn viên ấy một thời là cả gần 10 héc ta. Giờ, xót xa thay, không còn cái khuôn viên sáng láng nên thơ ấy nữa. Đền Cờn được xây dựng về sau là từ thời nhà Trần. Trước đấy nữa là thời Lý. Nhưng cái còn lại sau này chủ yếu là từ thời nhà Nguyễn với kiến trúc cực đẹp, lộng lẫy, tinh xảo. Đền có tường thành bao quanh. Cái khuôn viên gần 10 héc ta đó nằm trên mé sông Hoàng Mai uốn khúc tạo thành một quần thể có lẽ không thể nào đẹp hơn. Trên bến dưới thuyền, xa xa là những dãy núi đá vôi. Mỗi khi thủy triều lên, cửa sông sáng láng nước biển ùa vào, nước sông dâng lên tận xa xa như biển rộng. Khuôn viên hình vuông, có hàng loạt cây cổ thụ: cây đa, cây gạo gai, cây xoài, muỗm, v.v,.
Thật đáng tiếc, qua bao cuộc bể dâu, nay khuôn viên, khung cảnh của ngôi đền Trong và cả ngôi đền Ngoài đã bị biến dạng một cách thảm hại!
Đầu tiên, người ta làm cầu bê tông kiên cố giải quyết được giao thông giữa hai bờ sông từ Quỳnh Phương nối lên các vùng phía bắc thay cho đi đò ngang. Dân có cầu đi. Đó quả là cái phúc. Nhưng cái họa ở đây là cách làm cầu. Để cho chiếc cầu ngắn lại, người ta đắp đập, đắp đê ngăn hẹp dòng sông lại, kết hợp đắp đê trước đây để làm đồng muối. Vì vậy, dòng sông trước mặt đền Trong bị nghẽn lại đến thảm hại. Thủy triều vẫn như muôn đời xưa nhưng không có cái thế lai láng, tràn trề nước, mà trông có vẻ bức bách, tắc dòng.
Năm 1966 hay năm 1967 gì đó, máy bay Mỹ ném bom đánh phá mấy cái sà lan chở hàng theo kênh Nhà Lê từ Thanh Hóa vào đỗ ở khu vực gần đền, cho nên đền Trong bị hỏng sạt mất mấy tòa sau.
Có lẽ do có tiếng là thiêng chăng, nên ngôi đền Trong và ngôi đền Ngoài không bị phá đi trong lúc lập các hợp tác xã hoặc trong thời kháng Pháp khi quan niệm rằng, đền đài là di tích của chế độ phong kiến xấu xa cần phải phá bỏ. Trong khi đó, ngôi chùa tuyệt đẹp với khung cảnh nên thơ và các tượng đá nguy nga thì lại bị phá nhường chỗ cho xây dựng cơ ngơi của khu bộ xí nghiệp sản xuất muối (Khu diêm trường muối Ngọc Huy).
Nay, nhiều cây cổ thụ đã bị chết. Trước đây, có cây đa ở ngay sát mép sông hàng trăm năm, nhiều lúc thủy triều lên, nước mặn tràn dưới gốc mà vẫn tươi tốt. Cành cây đa này tản ra, xòe thấp làm chỗ đệm cho bọn trẻ tắm sông trèo lên nhảy ùm xuống từng đợt tắm. Cây đa này đã từ biệt con người. Khuôn viên đền Trong bị thu hẹp lại một cách nhức nhối. Còn đền Ngoài thì còn bi đát hơn. Năm 1979, khi Trung Quốc đổ quân xâm lược biên giới phía bắc, một tâm lý ghét Tàu dâng cao. Một số người có máu mặt trong làng hô phá nát ngôi đền vì cho rằng di tích này liên quan đến thờ người Tàu! Tình trạng bị bồi thêm một nhát nữa. Cũng những năm đói kém đó, người ở đâu chứ không phải người của làng Phương Cần Quỳnh Phương, đến tìm vàng ở đó. Họ vật các tượng ra, phá nát để hy vọng tìm vàng trong các bức tượng. Nhất là các bức tượng người Chiêm Thành, họ moi bụng, đập đầu để tìm vàng. Chắc chẳng có vàng ở đó. Ngôi đền Ngoài tan hoang. Sau này có dựng lại, không ra dáng gì cả, những dấu tích xưa hầu như không còn.
3. Bây giờ, thời du lịch lên ngôi. Xô bồ hết chỗ nói. Đó là sự lấn át của lộn xộn, của cái thô kệch, của cái chủ trương chưa phù hợp.
Ngày xưa, người ta đến làm lễ ở đền Trong và đền Ngoài là thực sự thành tâm cho việc gì đó trong gia đình. Mà tít tận ngoài các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ cũng vào trong khi đó đi lại lúc ấy còn rất nhiều khó khăn. Bây giờ người ta đến đền với bao nhiêu tâm trạng lành dữ mà không lường được. Dọc từ chân cầu đến cửa đền Trong là dãy hàng cá tươi, nước mắm, hàng khô, quầy ăn uống lộn xộn, mất vệ sinh. Đành rằng phải có, nhưng nên để xa ra và sắp xếp cho có ngăn nắp. Chân núi lên đền Ngoài ở bờ biển thì có người chực dưới để ngả nón ăn xin!
Lễ hội thì từ lâu đã bị phía chính quyền can thiệp. Khổ! chính quyền can thiệp vào cái này mà làm chi. Giá trị văn hóa của dân thì phải trả lại cho dân. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch đã nói thế rồi. Tuy rằng, ngày 29-1-1993, đền Cờn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra Quyết định số 68/QĐ-BVHTT công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, nhưng như thế không có nghĩa là chính quyền cứ "xắn tay" vào mà đứng ra tổ chức lễ hội và "quản lý" ngôi đền. Tốt nhất là chính quyền chỉ nên hỗ trợ, hướng dẫn lễ hội. Ngày trước, cùng lắm là các hợp tác xã đánh cá đứng ra hợp lực tổ chức lễ hội, chính quyền đứng ngoài ủng hộ. Thế mà lễ hội ra lễ hội, dân làng thật vui nổ trời nổ đất.
Nay chính quyền còn tận thu cho ngân sách. Lạ! thu hàng tỷ đồng hằng năm. Vị chi đền Cờn đã trở thành cái "Cây ngân sách" mà hái ra tiền. Chắc là không có cái kiểu toàn bộ tiền cúng viếng, lễ hội dành cho tu bổ đền và tổ chức lễ hội đâu. Văn hóa đã bị biến dạng rồi.
4. Một ngôi đền thờ Mẫu nổi tiếng. Lại được/bị nhuốm màu tâm linh thần bí, nổi tiếng thiêng. Một ngôi đền nổi tiếng đẹp, trước kia càng đẹp, bây giờ mặc dù đã bị "sứt mẻ" nhưng vẫn còn duyên. Không biết đền Cờn thiêng từ đâu, duyên từ đâu. Nó thiêng từ truyền thuyết. Nó thiêng từ sử chép mấy lần vua Trần đi đánh Chiêm Thành vào cầu khấn và thắng trận (Trần Thái Tông, Lê Thánh Tông), rồi nghe nói cả Quang Trung đều ghé qua. Nó nên thơ nữa là có duyên Đại thi hào Nguyễn Du đến thăm để lại thơ:
Mặt nước mênh mông bể lẫn trời
Ngôi đền thấp thoáng bãi ngoài khơi
Bến phú chiều tà cây man mác
Cửa bể thu dần khói tả tơi...
Phát triển du lịch?
Vâng, thì phát triển du lịch. Nhưng hãy cẩn thận. Nếu không, sẽ làm hỏng cả đền Cờn và lễ hội để rồi đến các thế hệ con - cháu - chắt - chít sau này chẳng còn cái gốc đền Cờn với tư cách là một không gian văn hóa dân gian.
Du lịch gì mà con đường từ Quốc lộ 1 đến đền Trong có 3 cây số mà đường không ra đường. Đường dân sinh còn chưa ra hồn chứ đừng nói là đường để phát triển du lịch! Nghe nói định dựng tượng vua Trần gì ở đó nữa. Xin đừng. Tượng đài trong lòng dân. Đừng tượng đài gì hết. Hãy dọn bãi cho du lịch đúng và hợp sinh thái. Các hàng quán cho trật tự sạch sẽ, gọn gàng. Dịch vụ trông xe, đưa đón cho lịch sự. Trả lại khuôn viên cho đền Trong. Trồng thêm cây cối cho đền. hãy xây nhà vệ sinh cho sạch sẽ. Hãy dẹp nạn ăn xin chèo kéo. Hãy dùng đồng tiền công đức cho có ý nghĩa. Hãy trả lại lễ hội cho dân chúng tổ chức, chính quyền chỉ đứng ra hỗ trợ mà thôi, v.v.
Kỳ vọng thì nhiều lắm.
Nhưng hãy như thế đã. Nếu làm được như thế mới bảo toàn được không gian văn hóa đền Cờn. Và, nếu làm được như thế mới phát triển được du lịch - thứ du lịch văn hóa. Và, nếu có như thế thì hai chữ PHÁT TRIỂN mới đúng nghĩa PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG. Chỉ có như thế, di tích lịch sử đền Cờn mới có chỗ đứng vững trong lòng dân Quỳnh Phương, lòng dân thị xã Hoàng Mai xứ Nghệ An. Xem thế, đủ thấy không gian văn hóa của ngôi đền quan trọng đến mức nào./.
http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/den-con-dieu-da-mat-khi-nhin-thay-dieu-con-lai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét