Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Chung và riêng giữa Tân Sử học và Dân tộc học (tôi viết về Tạ Chí Đại Trường, năm 2010)

Bài đã viết từ lâu, khoảng 6 - 7 năm về trước. Đã in năm 2010, sau đó đăng lại trên mạng Da Màu (ở đây).

Khác với một số bản thảo liên quan đến sử học, riêng bài này, không có điều kiện trao đổi với ông Tạ. Bởi lúc đó, ông Tạ báo là sức khỏe không tốt (một bài khác về cùng chủ đề Tứ Vị Thánh Nương ở Nghệ An công bố trước bài này, thì trao đi đổi lại nhiều lần).

Về bản toàn văn, nếu trên mạng thì đọc ở Da Màu. Dưới là đoạn viết về cách tiếp cận Sử học (Tân Sử học) của Tạ Chí Đại Trường, cũng là chỗ chung và chỗ riêng với Dân tộc học - Nhân loại học Văn hóa của tôi.


Nguyên văn:

"

Như đã trình bày ở trên, các ghi chép thực tế và có chiều sâu về Bà Chúa/ Cửa Chúa của Đắc Lộ với những niên đại biên soạn và xuất bản được xác định rõ ràng là những tư liệu vô cùng quí giá cho nghiên cứu (lịch sử, lịch sử tôn giáo). Tuy nhiên, chúng tôi không sử dụng chúng chỉ đơn thuần là tài liệu lịch sử, mà muốn khai thác những giá trị dân tộc chí ẩn chứa trong đó, tức là xem chúng như những dân tộc chí được hình thành từ những ghi chép thực địa cần mẫn và tinh tường của giáo sĩ Đắc Lộ. Về cụ thể, bằng cách đọc lại như trên trước khối tư liệu vốn không hề xa lạ với bạn đọc, nhất là với các linh mục công giáo, chúng tôi đi đến một kết luận khác với các nghiên cứu đi trước, rằng: Cửa Chúa trong ghi chép của Đắc Lộ đích thực là (và chỉ là) Cửa Cờn hay Cửa Lạch Cờn[31] (hiện ở tại xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Đó là một cửa bể gắn bó một cách duyên cớ với lữ trình truyền giáo của Đắc Lộ ở Đàng Ngoài hồi thế kỉ XVII.

Cuối cùng, cần thiết nói rằng, điều chúng tôi quan tâm đến lai lịch/truyền thuyết của TVTN, tức của Bà Chúa, không phải là việc truy tìm đâu là lai lịch đúng giữa các nguồn tư liệu, mà là hướng đến việc sẽ nắm bắt sự lưu chuyển của lai lịch ấy qua trục thời gian, rút cục là để có thể nhìn thực tại đương đại ở một bình diện sâu sắc hơn. Sự lưu chuyển của truyền thuyết, bản thân nó đã là lịch sử, nhưng quan trọng hơn, theo chúng tôi là những soi chiếu hay ánh phản vào trong mình nó của thực tại và tâm thế của những thời đại đã bao chứa và chỉnh sửa nó. Sự tiếp nhận và chỉnh sửa của hiện tại, tức thời đại chúng ta đang sống, có thể tìm thấy mầm mống ngay trong, hay chịu sự chi phối một cách mặc định của, dòng lưu chuyển vốn không ngừng nghỉ đó của truyền thuyết. Truyền thuyết, với tính cách là một yếu tố văn hóa, theo cách tiếp cận nhân loại học lịch sử của chúng tôi[32], không phải là nội dung của nó, dù là nội dung tĩnh trên những lát cắt thời gian hay nội dung tổng hợp siêu thời gian, mà chính là ở sự chuyển động trong mối tương quan với thực tại và tâm thế xã hội của nội dung ấy qua các thời đại.

Quan điểm từ sử học về “thần tích” (qua trường hợp cụ thể là Phù Đổng thiên vương) của Tạ Chí Đại Trường trước đây (giữa thập niên 1980), và quan điểm về “truyền thuyết” của chúng tôi (qua trường hợp cụ thể là TVTN) ở đây đã có một điểm gặp gỡ quan trọng. Đồng thời, cũng có sự khác nhau trong hướng đích của tân sử học (new history hay non-offcial history[33]) và nhân loại học lịch sử (historical anthropology, theo quan điểm của chúng tôi). Tạ Chí Đại Trường đã viết: “Thần tích xuất hiện qua những giai đoạn khác nhau, phản ánh tâm tư của con người thời đạ, níu kéo trên bước chân của mình những sự kiện xảy ra trong thời gian đó, hay nói cách khác, một chuỗi thần tích nối tiếp nhau về một nhân vật nếu được đặt kề nhau sẽ làm nổi lên dấu vết lịch sử cấu thành nhân vật đó. Ở đây chúng ta không tìm một khuôn mặt nhạt nhòa qua thời gian mà đi tìm một khuôn mặt hình thành qua thời gian, và lẽ tất nhiên sẽ thấy được khuôn mặt lúc khởi đầu” [Tạ Chí Đại Trường 2009 : 79]. Rõ ràng, cái gọi là “sự chuyển động trong mối tương quan với thực tại và tâm thế xã hội của nội dung qua các thời đại”, với cái gọi là “khuôn mặt hình thành qua thời gian” là một sự gặp gỡ. Nhưng sau khi gặp nhau, đích hướng của hai bên lại chĩa về hai ngả không giống nhau, một bên là tiếp tục truy cứu ngược dòng lịch sử để hầu thấy được “khuôn mặt lúc khởi đầu”, một bên thì sẽ quay về với thực tại đương đại (ở bài này, chưa thực hiện được)./.

Hà Nội, tháng 9 năm 2009 – tháng 2 năm 2010

"

Chú thích:

[32] Xin xem: Chu Xuân Giao 2005, 2006a, 2006b; Chu Xuân Giao, Phan Lan Hương 2008.


Chu Xuân Giao, 2005, “Nhân loại học Lịch sử – một nhu cầu về phương pháp từ thực tế điền dã tại Nhật Bản, dòng chảy và động thái hiện tại của cách tiếp cận này”, Tạp chí Văn hóa dân gian số 6 (102)

Chu Xuân Giao, 2006 a, “Nhân loại học Lịch sử – một nhu cầu về phương pháp từ thực tế điền dã tại Nhật Bản, dòng chảy và động thái hiện tại của cách tiếp cận này” (tiếp theo và hết), Tạp chí Văn hóa dân gian số 1 (103)

Chu Xuân Giao, 2006 b, “Historical Anthropology and the Field of Japan” [Nhân loại học lịch sử và thực tiễn Nhật Bản], Proceedings of the SOAS/TUFS Post-Graduate Symposium: London, 20-21 February 2006 (Edited by Justin Watkins and Masami Arai) http://www.soas.ac.uk/cseasfiles/tufsabstracts/CHUXuanGiao.pdf


Chu Xuân Giao, Phan Lan Hương, 2008,”Truy tìm những khoảnh chân thực riêng lẻ: về thời điểm xuất hiện của Phủ Tây Hồ từ góc nhìn nhân loại học lịch sử”, Tạp chí Văn hóa dân gian số 3 (117) năm 2008



[33] Chúng tôi tạm gọi sử học của Tạ Chí Đại Trường là tân sử học/new history theo định vị vào thập niên 1990 của Peter Burke dành cho học phái Annales khởi xướng từ Pháp; còn bản thân ông có lẽ tự gọi sử học của mình là dã sử/non-offcial history.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét