Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Trên đường du lãng : Ở đâu đó, có thấy những ai đó

Vẫn đang trên đường.

Một tờ báo địa phương đã đưa video trên hệ thống truyền hình internet. 

Họ chắc phải biên tập, nên chậm với thời điểm ở đó vài ngày.

Đã từ đó sang chỗ khác, chỗ khác, chỗ khác, và chỗ khác nữa rồi.

Nguyên bản (nguồn thì ở đây):








Thêm bài báo (cũng của Báo Cao Bằng):


Thứ sáu 11/03/2016 15:00
Vào ngày mùng 2/2 âm lịch hằng năm, nhân dân địa phương và du khách gần xa lại nô nức trẩy hội Pháo hoa - lễ hội truyền thống lớn nhất của huyện Quảng Uyên. Nét đặc sắc nhất của lễ hội là màn tranh cướp đầu pháo với ý nghĩa đội nào tranh được đầu pháo sẽ gặp nhiều may mắn, tài lộc cả năm và đem lại vinh dự cho xã mình.

    Ngày xuân trẩy hội Pháo hoa
    Bốn phương  nô nức lại về Quảng Uyên.
    Ngày từ sáng sớm, dòng người đi trẩy hội tấp nập khắp các ngả đường đến Lễ hội Pháo hoa. Trong ngày hội, các cụ cao niên khoác lên mình bộ quần áo truyền thống màu chàm, còn trẻ nhỏ theo cha mẹ mặc những bộ trang phục đẹp nhất. Ngày hội cũng là dịp gặp gỡ, hò hẹn của những đôi nam thanh, nữ tú. Dù đã ngoài 70, nhưng cụ bà Sầm Thị Phức, ở xã Phi Hải vẫn vượt chặng đường dài đến vui hội. Cụ vui mừng cho biết: Từ nhỏ cho đến bây giờ, năm nào tôi cũng đi hội Pháo hoa. Trước đây tôi thường xuyên tham gia hát trong hội. Tôi rất phấn khởi khi thấy quê hương mình ngày càng đổi thay, tiến bộ hơn, song vẫn gìn giữ và phát huy được các lễ hội truyền thống, giữ được câu sli, câu lượn của cha ông. Cầu mong mọi điều may mắn, bình an sẽ đến với tất cả mọi người, mọi nhà.
    Múa rồng trong lễ hội Pháo hoa Quảng Uyên.
    Tương truyền từ thời xa xưa, sau khi đánh tan quân xâm lược, Nùng Trí Cao - một vị tướng quân người dân tộc Tày Cao Bằng đã chọn nơi đây tổ chức khao quân mừng chiến thắng với tên gọi là Hội Pháo hoa. Nghệ nhân Ưu tú Thang Văn Thụ, người am hiểu và có công phục dựng lễ hội Pháo hoa truyền thống cho biết: Hội Pháo hoa bắt đầu từ lễ “khai quang” mở mắt rồng, diễn ra từ ngày 30 tháng Giêng. Rồng được khai quang từ mỏ nước Cốc Chủ (mỏ nước ở dưới gốc cây cổ thụ), với mong muốn rồng làm mưa thuận, gió hòa cho cây cối xanh tươi, mùa màng bội thu, để nhân dân có cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Lễ do một cụ cao tuổi, có uy tín làm chủ lễ và một đội rồng gồm 15 người làm lễ tại mỏ nước. Tại mỏ nước, rồng không được múa, mà bịt mắt bằng giấy bản, rồi nằm phục ở đó. Người chủ lễ thắp hương vái thiên địa, cầu xin thần linh phù hộ cho người dân địa phương một năm làm ăn mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc và xin được mở mắt cho rồng. Cúng xong, chủ lễ cắt tiết con gà trống, lấy máu xoa vào hai mắt rồng rồi bỏ giấy ở mắt rồng ra, lúc này rồng được mở mắt, ba hồi trống nổi lên đánh thức rồng. Sau đó, người ta đánh trống thúc giục và rồng từ từ bay lên, bay quanh mỏ nước ba lần rồi vào miếu Bách Linh. Trong miếu được đặt lễ và thắp hương, rồng vào miếu vái ba lần, sau đó đi quanh miếu một vòng rồi ra ngoài.  
    Lễ hội tiếp diễn trong 2 ngày 1 - 2/2 âm lịch với các hoạt động tế lễ, vui hội với các hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi. Sáng 2/2 âm lịch diễn ra lễ tế thần. Đoàn làm lễ rước thần, gồm 4 đoàn kiệu, trong đó có kiệu rước ảnh Bác Hồ, kiệu đầu pháo hoa xuất phát từ miếu Bách Linh. Miếu được xây từ thời Lý dưới chân núi Cốc Bó, đến thời nhà Nguyễn được xây dựng lại hoàn toàn theo kiến trúc thời Nguyễn. Trước cổng có tam quan, sân tiền đường, hậu đường và hậu cung, hoành phi, câu đối. Trên cổng khắc 3 chữ “Bách Linh miếu”, có đắp nổi con rồng uốn khúc, xây bằng gạch vồ, có bức trạm rồng ngậm ngọc, bên cạnh có chim phượng cùng long ly tụ hội. Sau khi làm thủ tục thắp hương tại miếu. Lễ dâng lên các vị thần gồm 2 con lợn quay, 1 mâm xôi, 1 mâm trứng nhuộm phẩm đỏ, 1 mâm hoa quả để dâng hương, tế lễ. Tại đây, cụ cao niên có uy tín đọc chúc văn với sự chứng kiến của đông đảo nhân dân địa phương cùng du khách, cầu xin 100 vị thần linh thiêng, đứng đầu là con rồng phù hộ cho mọi người mạnh khỏe, may mắn, mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Sau khi làm lễ tại miếu Bách Linh, đoàn làm lễ tiếp tục đi đến đền thờ Nùng Trí Cao và đền thờ Trần Hưng Đạo, sau đó rồng được rước đi khắp các tuyến phố, các cơ quan trong khu vực thị trấn để chào mừng. Đoàn rồng đi đến đâu được mọi người chào đón nồng nhiệt.
    Phần hội được tổ chức tại sân vận động huyện với nhiều chương trình, nội dung đặc sắc. Nét mới và ấn tượng nhất trong phần hội năm nay là Hội thi ẩm thực. Mỗi đội đều quay một con lợn quay - đặc sản không thể thiếu của người dân địa phương trong lễ hội. Trong một khoảng không gian của lễ hội được bố trí để 17 xã, thị trấn thể hiện tài năng và sự khéo léo trong chế món ăn với nhiều ý tưởng sáng tạo trông rất đẹp mắt, hấp dẫn. Du khách tới tham dự lễ hội có thể vừa thăm quan, thưởng thức hương vị đậm đà của các món ăn dân tộc cho chính bàn tay cần cù, đảm đang của người phụ nữ nơi đây.
    Trong lễ hội, khu vực sân khấu luôn thu hút đông đảo người xem Chương trình văn nghệ đặc sắc được chọn lọc từ Hội thi hát dân ca - Trình diễn trang phục - Thi đấu thể thao lần thứ III của huyện. Những màn múa hát giao duyên của đồng bào các dân, các điệu then tính, sli, lượn, giang, dá hai mượt mà, đằm thắm của các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng của các xã, thị trấn mang màu sắc văn hóa đặc trưng, tinh túy, đậm nét truyền thống, thay cho lời mời gọi, níu chân du khách gần xa khi đến vui hội. Cùng với đó, các vận động viên không chuyên với tinh thần thi đấu thể thao cao thượng cho thấy được không khí sôi nổi, thu hút sự reo hò, cổ vũ của đông đảo khán giả, du khách ở các bộ môn: Bóng đá, bóng rổ, bóng bàn. Lễ hội còn là dịp để những ai yêu thích các môn thể thao dân tộc trổ tài. Nếu những đôi nam thanh, nữ tú say mê với các trò chơi dân gian: Tung còn, đẩy gậy, guốc ván thì những người cao tuổi lại trầm tư trong các ván cờ tướng bất phân thắng bại. Ngoài ra, Ban Tổ chức lễ hội phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Hội Nhà báo, các ban, ngành liên quan tổ chức triển lãm ảnh về Đảng, Bác Hồ, các thành tựu phát triển KT - XH địa phương, triển lãm Báo xuân để quần chúng nhân dân cùng các du khách tìm hiểu, chiêm ngưỡng. Chị Nguyễn Thu Hằng, du khách đến từ Tuyên Quang hồ hởi khi được tham dự lễ hội Pháo Hoa: Lần đầu tiên tôi được chứng kiến một lễ hội có nhiều nét truyền thống bản địa như vậy. Con người ở đây rất mến khách, nhiệt tình.
    Màn tranh đầu pháo diễn ra sôi nổi trong lễ hội.
    Càng về chiều, không khí lễ hội càng tấp nập, mọi người cùng tụ hội về sân vận động chứng kiến những màn múa rồng. Trong tiếng trống rộn rã vang lên, đội múa rồng, đội kỳ lân trình diễn những màn múa uyển chuyển, đẹp mắt trong tiếng hò reo tán thưởng của hàng nghìn người đến vui hội. Đặc sắc và mong đợi nhất của mọi người trong dự hội là trò chơi cướp đầu pháo của "tráng sỹ" 17 xã, thị trấn. Theo quan niệm dân gian, ai bắt được đầu pháo sẽ gặp nhiều may mắn, tài lộc cả năm và đem lại vinh dự, tự hào cho xã mình. Xã nào thắng cuộc được phần thưởng là một con lợn quay trên kiệu trong lễ rước thần trước đó, cỗ kiệu được để lại cho xã đó hương khói cầu lộc một năm đến lễ hội Pháo hoa năm sau, địa phương này lại chuẩn bị một con lợn quay để lên kiệu, rước đến Lễ hội làm lễ rước thần năm đó. Đầu pháo làm từ chiếc vòng sắt quấn vải đỏ, Khi đầu pháo được tung lên cũng là lúc các tráng sỹ bước vào cuộc "tranh đấu" sôi nổi trong tiếng chiêng, trống thúc giục cùng với sự cổ vũ, rèo hò của người xem. Bằng sự khéo léo, tinh thần đồng đội, tráng sỹ của xã Phi Hải "cướp" được đầu pháo và trở thành đội thắng cuộc năm nay. Tráng sỹ  Lê Đình Tú hào hứng cho biết: Đây là năm đầu tiên tôi tham dự tranh đầu pháo đem lại chiến thắng cho xã nhà. Tôi tiếp tục cùng các anh em trong đội nỗ lực phấn đấu để hội xuân năm sau đạt được kết quả cao nhất.
    Có mặt  tại huyện Quảng Uyên nhiều ngày nay để tìm hiểu về văn hóa địa phương, tham dự lễ hội Pháo Hoa, Giáo sư Tiến sỹ TsuKada Shigeyuki đến từ Bảo tàng Dân tộc học Quốc gia Nhật Bản Osaka vô cùng bất ngờ trước một lễ hội dân tộc thu hút đông đảo du khách đến như vậy: Tôi từng tham gia lễ hội truyền thống của người Tày - Nùng, cũng được xem tranh đầu pháo ở Trung Quốc nhưng lễ hội Quảng Uyên thật sự vượt quá trí tưởng tượng của tôi bởi quy mô và cách tổ chức rất bài bản. Không chỉ khai thác tốt những giá trị cốt lõi của nền văn hóa  truyền thống, giá trị nhân văn người Tày - Nùng ở Cao Bằng và mà lễ hội này còn có sự học hỏi, tiếp nhận và dung hòa các giá trị nghệ thuật, văn hóa hiện đại, mang tính giáo dục cao. Đây là một cơ hội thực tiễn quý báu cho những nhà nghiên cứu, học giả về văn hóa, lịch sử như chúng tôi. Hy vọng huyện Quảng Uyên và các địa phương của tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục gìn giữ, phát huy và quảng bá sâu rộng hơn những giá trị văn hóa lễ hội truyền thống đặc sắc, về lịch sử gìn giữ biên cương của các Anh hùng dân tộc đến quốc tế.
    Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Nông Văn Thông cho biết: Với mục tiêu tổ chức lễ hội an toàn, lành mạnh, tiết kiệm và văn minh, Ban Tổ chức Lễ hội chú trọng việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc trên địa bàn, khôi phục các trò chơi dân gian, làn điệu dân ca dân tộc gắn các hoạt động văn hóa, thể thao hiện đại. Công tác an ninh, trật tự và an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm được chỉ đạo tăng cường, nên dù lượng người rất đông nhưng lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu trẩy hội đầu xuân của du khách thập phương.
    Lễ hội Pháo hoa Quảng Uyên mang ý nghĩa mở đầu cho mọi hoạt động của một năm mới, mở đầu cho mùa sản xuất nông nghiệp mới của cộng đồng, để cầu phúc, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng được bội thu. Lễ hội tồn tại trong tâm thức bao thế hệ người dân địa phương và trở thành nét đẹp tinh thần không thể thiếu mỗi dịp xuân về. Đây cũng là điểm đến hấp dẫn cho du khách thập phương để khám phá và cảm nhận những nét tinh túy, đặc sắc trong văn hóa các dân tộc Cao Bằng.

    Bảo Bình

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét