Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Chí sĩ Hồ Học Lãm - Cụ Hồ đầu tiên - qua hồi tưởng của một người con (tiếp theo, và hết)

Đọc các chương trước ở đây (mở đầu), và ở đây, rồi ở đây.

Dưới là các chương mới lên. Là tiếp theo và hết.





---



9.


Hồi tưởng về cha tôi: Chí sỹ Hồ Học Lãm [ix]

  •  
  •  HỒ MỘ LA
  • Thứ năm, 13 Tháng 8 2015 15:14
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
CHƯƠNG IX
DIỆC LAN
Chị tôi là con gái đầu lòng, sinh năm 1920 - khi đó mẹ tôi 27 tuổi, cha tôi 36 tuổi. Tên khai sinh của chị đọc theo âm Hán - Việt là Hồ Diệc Lan. Diệc có nghĩa cũng là, có lẽ cha mẹ tôi mong con gái sẽ được như nàng Mộc Lan thời Tống, thay cha đánh giặc, trọn đường trung hiếu.
Chị tôi ra đời ở Hàng Châu, lớn lên ở Hàng Châu, từ nhỏ đã học rất giỏi, mới 16 tuổi đã tốt nghiệp Trung học. Chị là người có năng khiếu văn học và có ý chí muốn học lên đại học ngành văn chương. Nhưng do sớm tham gia hoạt động cách mạng, theo trào lưu "vô sản hóa" và "trí thức công nông hóa", và do những người cách mạng ở trong nhà tôi đã thuyết phục cha mẹ đưa chị tôi vào làm công cho một cơ sở nuôi tằm.
Vốn dĩ chị có sức khỏe rất tốt. Vì đi học và làm ở cơ sở vừa học vừa làm "Trường Tơ tằm", ăn đói, mặc rét, đêm trực trông nom tằm ăn dỗi, chị từ một thiếu nữ đầy đặn biến thành một tiểu thư gầy gò, ốm yếu. Sau khi về hẳn nhà và lấy anh Lê Tân Dân, chị uống thuốc bắc, bồi dưỡng sức khỏe, hơn nữa khi đó chị mới 17, 18 tuổi, cho nên sức khỏe phục hồi khá nhanh. Nhưng tới đầu năm 1938, chị đi Thiểm Bắc (Khu Đỏ của Đảng cộng sản Trung Quốc), cuộc sống còn gian nan hơn thời kỳ ở trường nuôi tằm. Chị tôi kể với mẹ và tôi:
"Vùng Thiểm Bắc cực lạnh, dân phải đào hang động trong núi để ở. Trường Thiêm Công cũng vậy. Vùng đó núi đất đỏ, chị và mọi người đào rất nhiều hang, người ở trong hang hè mát, đông ấm, tuyết phủ dày cũng không việc gì. Mùa đông rét quá, một tháng mới tắm một lần, nước nóng dội, gió thổi rách da. Một lần lớp con đi hành quân để rèn luyện sức chịu đựng gian khổ. Cả đi cả về ba, bốn chục cây số. Một anh trong lớp về tới đơn vị, chân cóng quá, nấu nước nóng ngâm chân. Vừa đụng chân vào chậu, anh hét lên một tiếng, ngã ngất đi. Mọi người chạy tới, thấy mười ngón chân anh rụng trong chậu, từ đó anh thành người tàn phế. Do đó, về sau đi hành quân về, chân dù cóng đến đâu, không ai dám ngâm nước nóng, chỉ lấy bàn tay xoa cho tan giá rồi ngâm nước âm ấm thôi. Đi ngoài trời rét đau hai tròng mắt, mũi tím tái không ai dám ủ khăn ấm, chỉ dám bốc tuyết xoa lên mặt và mũi. Cả tháng chỉ ăn bánh làm bằng bo bo với đậu khô om muối. Mỗi tháng được ăn thịt một lần. Cũng chẳng ai có tiền, cho dù có tiền cũng không có gì để mua... Áo quần quân dụng do quân đội cấp phát. Mùa rét ai cũng mặc quần áo bông dài, quấn xà cạp ...".
Sự gian khổ mà chị tôi kể nghe thật hãi hùng. "Chương trình học là lý luận Mác - Lê (gồm Tư bản luận, Duy vật biện chứng, Duy vật lịch sử v.v...). Luận văn tốt nghiệp một anh đỗ đầu, con đỗ nhì". Tôi tự hào về chị, nhưng cái giá phải trả quá đắt. Khi về tới Lão Hà Khẩu, chỗ giáp ranh giữa Khu Đỏ với Khu Trắng, chị tôi mắc bệnh lao. Khi đó chị tôi có hiện tượng húng hắng ho. Sáng ra, mặt trắng bệnh, hai giờ chiều hai má đỏ hây hây, một hai giờ đêm sốt nhẹ, đó là hiện tượng sơ nhiễm lao. Đó là xuân hè năm 1939. Vì thời kỳ đó không có thuốc đặc trị, vả lại không có tiền uống thuốc bổ, ăn uống đầy đủ, về sau phổi chị bị vi trùng lao ăn thành hang. Vì cuộc sống, chị tôi vẫn phải làm việc khuya. Đến 25 tháng 6 năm 1946, ba mẹ con về tới Hải Phòng. Sau khi về nước, bác sĩ Tôn Thất Tùng kiểm tra sức khỏe và kết luận chị tôi đã bị lao xương.
Thời kỳ ở Lão Hà Khẩu với anh Tân Dân, anh hết sức dành dụm tiền để chị tôi uống thuốc bắc và ăn uống bồi bổ sức khỏe. Sau này chị tôi tâm sự với tôi, "tuy không yêu anh ấy, nhưng chị phải công nhận anh là người chồng tốt, là một đảng viên trung kiên với Đảng; chị chỉ có tình thương đối với anh ấy thôi. Vì hai tâm hồn khác nhau quá. Anh ấy chỉ biết về quân sự, không hiểu gì về văn học nghệ thuật và không chút rung cảm gì về văn chương ... Trong 3, 4 tháng dưỡng bệnh ở với anh, chị viết một bộ tiểu thuyết 10 vạn chữ, nói về thanh niên yêu nước Trung Quốc tham gia cách mạng như thế nào, viết về những người bạn đồng học của chị. Tiếc rằng khi đi không mang theo được, chị gửi anh ấy giữ hộ. Rút cuộc, trong một trận đụng độ giữa quân của hai bên, anh rút lui bằng xe cơ giới, vứt bản thảo của chị lại, không chút thương tiếc... ". Chị nói với giọng rất đau buồn, xót xa, đó là tâm huyết của chị, là xương máu của chị những ngày tháng sống ở vùng Đỏ Thiểm Bắc Trung Quốc. Mùa hè năm 1939, chị về ở với mẹ và em, khi đó tôi 9, 10 tuổi, chị tôi 19, 20 tuổi. Hai chị em hay tâm sự với nhau. Tất nhiên, tôi nghe là chính. Chắc rằng qua đôi mắt và tinh thần chăm chú lắng nghe của tôi, chị tìm thấy sự chia sẻ, đồng cảm sâu sắc ở đứa em gái bé nhỏ của mình. Với lại, ngoài tôi ra, chị tôi còn biết tâm sự với ai nữa. Có những chuyện chị chỉ kể với tôi để vợi bớt những nỗi niềm trăn trở. Chị tôi là người đa sầu đa cảm. Nhưng bây giờ, khi tôi đã lớn tuổi, hồi tưởng lại, tôi mới thực sự hiểu nỗi đau khổ của chị một cách sâu sắc và cay đắng.
Thật vậy, hai chị em cách xa nhau mười tuổi, chị là tấm gương sáng của tôi, tôi yêu chị, sùng bái chị và chịu ảnh hưởng lớn ở chị như nghị lực và lòng hiếu học. các tiểu thuyết văn học Trung Quốc, Nga Xô, Pháp, tôi đều đọc theo sự hướng dẫn của chị. Bạn chị nói tôi có cặp mắt già trước tuổi. Nhưng sau này tôi bị va vấp rất nhiều về cuộc đời vì tôi sống quá vụng dại với đời, không hiểu tại sao bạn chị lại có nhận xét tôi như vậy? Có lẽ vì ở tôi, chịu ảnh hưởng của chị, sớm hình thành lý tưởng đối với cuộc sống, "lý tưởng" đó trở nên một sự mơ mộng viển vông, quá viển vông. Đó là lý do tại sao ở tôi có cái "tôi" tỏ ra rất "khôn", nhưng khi va vào thực tế, nó lại chứng tỏ tôi rất “khờ dại”.
Cuối 1941 ở Quế Lâm, khi gia đình tôi ở bên kia sông Ly giang, chị Diệc Lan tổ chức một hội kín nghiên cứu chủ nghĩa Mác do chị làm tổ trưởng. Nhiều bạn bè của chị tới tham gia. Mẹ tôi nhận định một cách tự hào: “Mỗi lần họp mẹ thấy chị con trình bày lý luận rất vững vàng”.
Sau khi cha tôi mất, mọi thu nhập chỉ trông đợi vào chị tôi. Vào lúc khó khăn ấy của kinh tế gia đình, các bạn bè, đồng nghiệp của chị tôi là các nhà báo, nhà văn Trung Quốc đã gửi tiền hỗ trợ.
Năm 1943, khi gia đình tôi di chuyển dần từ Quý Dương về Trùng Khánh, chị Diệc Lan bị lây bệnh thương hàn do chấy rận trên các chuyến xe đò, xuýt chết. Những chuyến đi này được một số bạn bè Trung quốc tận tình giúp đỡ. Trước đó, ông Chu Chí Miễn là cấp dưới của anh Thiết Hùng đã giúp mẹ tôi và tôi di chuyển từ Liễu Châu về Quý Dương. Sau đó, chị Diệc Lan nhờ bạn mình là hai anh em Lỗ Lâm đưa tôi từ Quế Dương về Trùng Khánh.
Khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, ở Trùng Khánh dấy lên phong trào học sinh, sinh viên rất sôi nổi. Chúng tôi tới biểu tình trước phủ tổng thống của Tưởng Giới Thạch, nêu cao khẩu hiệu yêu cầu Quốc Cộng hợp tác. Về nhà, trong tâm trạng bồng bột, tôi hỏi chị tôi: “Chị có phải là đảng viên cộng sảnh không?” Chị tôi cười hóm hỉnh, nhìn tôi bằng cặp mắt sáng long lanh: “Không”. Chị đã nói dối tôi theo nguyên tắc hoạt động bí mật.
Chị tôi tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ. Cho dù cuộc đời của chị không dài, hình bóng của chị còn đọng lại trong ký ức của các nhà cách mạng tiền bối. Chẳng hạn như trong hồi ký cách mạng “Nhật ký một chặng đường”, ông Lê Tùng Sơn có nói tới chị tôi[1].
Năm 1944 ông Lê Tùng Sơn được giao nhiệm vụ thâm nhập vào Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội. Đây là một tổ chức được Tưởng lập ra gồm các thành viên của Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam phục quốc đồng minh hội, nhằm phục vụ cho kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”. Ông Sơn cho biết , một số thành viên Việt Minh có mặt tại Liễu Châu lúc đó đã được cử tới hỗ trợ cho ông. Đó là: “các anh Hoàng Điền, Trương Khê, Minh Quang, Nguyễn Thanh Đồng, Trần Lâm, anh Sinh, chị Hồ Diệc Lan, con gái ông Hồ Học Lãm.” 
Ông Sơn viết tiếp: “ Tôi giới thiệu chị Hồ Diệc Lan vào tổ tuyên truyền của Việt Cách. Một số uỷ viên không muốn, nhưng không dám phản đối. Họ xì xào rằng chị Diệc Lan là người của căn cứ Thiểm Bắc của Đảng Cộng Sản Trung quốc.
Có lần Tiêu Văn cũng nói với tôi ý đó và chất vấn tôi sao lại đưa chị Lan vào Hội Việt Cách. Tôi nói rằng cô ấy là người Việt Nam, con một nhà cách mạng, nếu đóng cửa với những người như vậy thì trái với nguyên tắc đại đoàn kết của Hội Việt Cách. Tiêu Văn nói: “Tôi sợ cô ta là người của Trung Cộng …”.
Về đời tư, từ bé tôi đã biết chị tôi yêu Trương Nộ Quân, một bạn học người Trung Quốc. Đó là mối tình đầu sâu sắc, cao đẹp của đời con gái đầy thơ mộng và ước mơ của chị tôi. Do tư tưởng phong kiến, hẹp hòi và ích kỷ, cha mẹ tôi vô tình đã sớm bóp chết mối tình đầu đẹp đẽ của chị tôi. Nhẽ ra chị tôi có thể phát triển tài năng văn học của mình, nhưng không thành, vì tư tưởng vô sản hóa, học ít thôi, làm là chính. Thời kỳ đó cần hành động cách mạng, chị tôi không thể chọn cách sống khác được. Kết cục chị tôi chết khi mới 26 tuổi đầu.
Có lẽ đó là cuộc sống! Sau khi chị tôi về nước một thời gian, gia đình anh Lê Thiết Hùng muốn anh ấy lấy vợ lẽ để sinh cháu đích tôn. Anh Hùng cũng không chịu nổi sự "góa bụa khi còn sống", cho nên anh nêu vấn đề này với chị tôi. Chị tôi không thể chấp nhận lối sống như thế, đồng thời, chị không có khả năng sinh con cho anh ấy được. Chị đồng ý với một yêu cầu: cho chị được ly dị. Nhưng, trong phẩm chất đạo đức cộng sản của anh Hùng lại pha nhuốm tư tưởng phong kiến. Vì anh ấy muốn chị tôi vẫn là vợ cả, quan hệ giữa hai người trở nên khá gay gắt.
Tôi nghĩ, anh Hùng không muốn mình trở thành người phản bội người vợ thuở hàn vi, do đó anh phải bảo vệ danh tiếng "chung thủy". Chị tôi trả lời: "Tôi không quen làm vợ cả của ai cả. Tôi là một phụ nữ độc lập...".
Vì thấy chị tôi quá ốm yếu, anh Hùng biết chị tôi "gần đất, xa trời", anh phải nhượng bộ, không đòi lấy vợ nữa, và ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới. Thế là xong. Trước khi đi, anh sắp xếp chỗ ăn ở chu đáo cho chị tôi. Nghĩa là anh vẫn là một người chồng có "thủy chung". Suy cho cùng, anh cũng có cái khổ, và cũng không thể sống khác được.
Anh Hùng tuy không lấy vợ lẽ ngay, nhưng việc anh đòi lấy vợ lẽ cũng coi như một cú sốc, gây tử thương cho chị tôi. Sức khỏe chị tôi ngày càng xấu đi. Thật ra, chị tôi cũng quá "lý tưởng hóa" người cộng sản. Vì vậy, chị bị dằn vặt và đau khổ một cách uổng công.
Khi ở Bạch Ngọc, Đô Lương, Nghệ An, chị nói: "Chính cuộc sống đầy cay đắng, chua xót, khiến chị càng muốn sống, nếu chị sống, chị sẽ viết văn giỏi, chị căm thù tư tưởng phong kiến chà đạp lên những người phụ nữ... Em ơi, chị không muốn chết em ạ...". Tôi thương chị, lời thổn thức của chị như con dao đâm vào trái tim tôi, nếu như có phép lạ, tôi sẵn sàng chết để chị tôi được sống. Đó là suy nghĩ hết sức chân thành của tôi đối với chị tôi. Nhưng đời làm gì có phép lạ!
Có lẽ trong 27 tuổi đời, chị tôi chỉ có từ sơ sinh đến 15, 16 tuổi là sống có hạnh phúc, đó là hạnh phúc của một thiếu nữ được ăn học, vô tư lự chưa nếm trải mặt trái cuộc đời.
Chị tôi nói: "Chị là vật hy sinh của người khác, chị không có quyền sống như một con người đáng sống".
Khi chị tôi nói những điều đó, tôi hiểu ý của chị, nhưng hiểu một cách hời hợt nông cạn vì tôi mới 16, 17 tuổi đời...
Về sau, mỗi lần hồi tưởng, lòng tôi thật đau xót, tôi chỉ có mỗi một người chị yêu quý mà tôi hằng sùng bái. Có những lúc, tôi thầm trách cha tôi và rất oán hận mẹ tôi.


[1] Nhật ký một chặng đường, hồi ký cách mạng của Lê Tùng Sơn, NXB Văn Học, 1978, tr. 149 -150.
http://vanhoanghean.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe6/nguoi-xu-nghe43/hoi-tuong-ve-cha-toi-chi-sy-ho-hoc-lam-iv




10.



Hồi tưởng về cha tôi: Chí sỹ Hồ Học Lãm [Kỳ cuối]

  •   HỒ MỘ LA
  • Thứ sáu, 21 Tháng 8 2015 14:21
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Chương X
Mộ LA
Tôi yêu thích âm nhạc từ nhỏ. Năm 1936 - 1937 khi học lớp một, tôi được bố mẹ dẫn đi xem phim, nhớ được nhạc trong phim và tôi đã rất thích học piano.
Cứ nghĩ là nhà mình giầu có, tôi ngỏ lời với cha: "Thầy ơi mua cho con cái piano". Cha tôi nhẹ nhàng bảo: "Không có tiền con ạ!". "Thế mua cho con đàn harmonium...", "Nhà mình cũng không mua nổi đâu con ạ". Tôi ngạc nhiên lắm và nghĩ trong bụng: "Lạ nhỉ, nuôi nhiều người thế mà thầy bảo không có tiền". Bây giờ nghĩ lại, thấy mình đúng là trẻ con chả biết gì, piano chỉ có gia đình tư sản thời đó mới có tiền mua. Harmonium tuy rẻ hơn piano, nhưng cũng to tiền lắm. Tiền thuốc thang bồi dưỡng cho cha tôi cũng không có, miếng ăn hàng ngày dành cho cha tôi cũng giống như cho mọi người trong nhà. Mặc dù cha tôi là trụ cột của gia đình, nơi nương tựa của nhiều đồng chí cách mạng, nhưng cha tôi chẳng được sống ưu ái gì hơn mọi người, song, ông rất hòa nhã, vui vẻ với mọi người, không làm ai có mặc cảm là phải ăn nhờ ở đậu. Họ coi gia đình tôi là nhà của họ.
Sau khi cha tôi mất, tôi vẫn học phổ thông ở Quế Lâm. Cuối năm 1944, ba mẹ con tôi chuyển về ở Trùng Khánh. Tại đây tôi học ở trường Dục Tài. ở trường này học sinh được nuôi ăn, học không mất tiền. Trường này dạy nhiều môn học như: văn học, vật lý, toán, hóa học, hội họa, kịch, âm nhạc... Tôi thích âm nhạc nên xin thi vào khoa âm nhạc. Sau một năm học văn hóa, tôi thi đỗ vào trường, theo hệ năng khiếu, và được nhập học. Lúc đó là cuối năm 1944.
Trường Dục Tài ở Quế Lâm do một nhân sĩ là ông Đào Hành Tri. Ông đã vận động người Hoa ở hải ngoại và các nhà hảo tâm trong nước ứng tiền để lập ra trường Dục Tài này, dành cho trẻ em cơ nhỡ do chiến tranh. Học sinh được học không mất tiền, ngày được ăn hai bữa cháo, một bữa cơm. Mỗi tháng, học sinh chúng tôi tự đi vận chuyển gạo từ bến sông Trường Giang lên trường mình, nằm trong một ngôi chùa.  Chúng tôi vừa học vừa nội trú trong ngôi chùa đó. Có lần, một phái đoàn Anh (hay Mỹ?) tới thăm trường. Thày giáo viết một bài diễn văn dài, yêu cầu tôi đọc trước phái đoàn, hẳn là để giới thiệu với người nước ngoài rằng trường Dục Tài nhận cả trẻ em không phải gốc người Hoa.
Việc ăn học ở Dục Tài cho phép tôi làm giảm gánh nặng phải chu cấp cho chị tôi. Sau khi theo học được một năm rưỡi, tôi được thày chủ nhiệm Chen Inshin (sau này là chỉ huy dàn nhạc nổi tiếng của Trung Quốc) biểu dương là học nhạc tiến bộ nhất trong nhóm. Thật ra, trường nghèo nên chúng tôi học nhạc gần như không có đàn, cả ngày mỗi học sinh chỉ được một tiếng tập pianô.
Học trường Dục Tài được gần hai năm, đầu năm 1946, cả nhà tôi di chuyển dần lên Thượng Hải rồi về nước. Chuyện như sau:
Một hôm, ở Trùng Khánh, tôi đang tập piano thì có một người khách lạ đến nhà. Đó là một người đàn ông thấp lùn, trắng trẻo trong bộ complet đắt tiền và đi đôi giày da bóng lộn. Ban đầu tôi rất có ác cảm với người này, vì ý nghĩ rất cảm tính là: mọi người đều nghèo, đều khó khăn chỉ có người giầu có và bọn Quốc dân đảng mới ăn diện như thế. Mẹ tôi và chị Diệc Lan giới thiệu khách tên là Cấn Hào, người Sơn Tây. Vị khách mời ba mẹ con tôi đi ăn ở một tiệm cơm rất sang trọng.
ít lâu sau tôi mới biết anh Cấn Hào là cán bộ của Đảng và anh đang tìm cách đưa ba mẹ con tôi về nước.
Đường về nước của ba mẹ con không ít gian nan.
Tháng 3 năm 1946, anh Cấn Hào chỉ đủ tiền mua 2 vé đi Thượng Hải cho mẹ tôi và chị Diệc Lan. Lúc này, gia đình tôi đang ở Trùng Khánh (thủ phủ của chính quyền Quốc dân đảng). Đầu tháng 5 năm 1946, anh Cấn Hào mới lo được tiền vé cho tôi đi Thượng Hải bằng đường thủy. Mới 16 tuổi lại phải đi một mình trên sông nước suốt một hành trình dài 10 ngày nên tôi rất sợ hãi. May mắn là trên tàu có một số nữ sinh đại học nên tôi vững tâm trong suốt hành trình. Đến Nam Kinh, tôi mua vé xe lửa đi Thượng Hải rồi đi xe tay đến tô giới Pháp (trại lính khố xanh, khố đỏ) gặp mẹ và chị.
Một tháng sau, anh Cấn Hào từ Trùng Khánh về Thượng Hải. Lúc đó mẹ tôi mới biết anh Cấn Hào đã thương lượng xong với Quốc dân đảng về việc tập hợp Hải ngoại quân, tức là lính khố xanh, khố đỏ lại để đưa họ về nước. Những người lính khố xanh, khố đỏ này thuộc lực lượng quân đội Pháp đóng ở các tô giới Pháp ở Thượng Hải, Thiên Tân[1]. Ba mẹ con tôi cùng đi với họ từ bến tàu thủy Thượng Hải về Hải Phòng. Đó là ngày 20 tháng 6 năm 1946.
Tôi vẫn nhớ rõ buổi tối hôm đó. Hầu như suốt đêm cả tàu không ai ngủ được. Những người lính khố xanh khố đỏ xa quê hương bản quán đã hàng chục năm nay được về nước nên họ rất nhiều tâm sự. Ba mẹ con tôi nằm ở tầng giữa. Chị tôi bị lao nên càng mệt... Ban đêm bỗng có tiếng hô thất thanh "Tàu chìm" và không khí trong tàu bỗng trở nên rất hoảng loạn. Mọi người chen nhau tìm đường thoát. Ba mẹ con chúng tôi chỉ biết ngồi nhìn nhau, tưởng chết. Hóa ra có một anh lính nằm mơ mà thốt ra hai tiếng khủng khiếp đó.
Tàu thủy chạy ba ngày ba đêm, đến ngày thứ tư thì hết lương thực. Vừa may lúc tàu sắp vào cảng Hải Phòng. Nhưng tàu thủy Pháp xuất hiện, yêu cầu tàu của chúng tôi phải đi theo họ vào đảo Cô Tô. Lãnh đạo trên tàu không làm theo yêu cầu của hoa tiêu Pháp, cử một số người trên tàu bơi vào bờ. Những người này đều bị Pháp bắt giữ. Đến 12 giờ ngày 25 tháng sáu, 1946, chính phủ ta can thiệp với người Pháp, buộc họ phải để tàu chúng tôi vào cảng Hải Phòng.
Sau này tôi mới biết con tàu chở chúng tôi vốn là tàu thủy chở vũ khí cho Quốc dân đảng đi Hoa Bắc đánh cộng sản Trung Quốc; nay lại chở người Việt Nam, người Pháp sợ có vận chuyển cả vũ khí nên gây khó dễ.

Đến Hải Phòng, chúng tôi rất đói vì đã phải nhịn ăn từ chiều hôm trước. May là anh Cấn Hào còn ít tiền Đông Dương, anh mua một ít bánh cuốn chay chấm nước mắm. Bữa ăn đối với chúng tôi rất ngon và lạ, vì ở Trung Quốc không có, phần vì chúng tôi cũng đã quá đói.
Những ngày đầu ở Hải Phòng chúng tôi (ba mẹ con) ở nhà chủ tịch thành phố, sau đó có xe Quân tiếp phòng của anh Lê Thiết Hùng từ Hà Nội lên đón. Tháng sau, tháng bảy 1946, ba mẹ con tôi về Nghệ An. Mọi sinh hoạt của chúng tôi do anh rể Lê Thiết Hùng chu cấp.
Cho đến mãi gần đây, tôi mới biết rõ về nhân thân anh Cấn Hào - ân nhân của gia đình chúng tôi. Anh Cấn Hào sau đổi tên là Cao Thanh Tùng, được biệt phái công tác ở Lào nhiều năm. Mãi sau anh mới chuyển về công tác ở trường Nguyễn ái Quốc Trung ương và về hưu tại đây.
Anh Cấn Hào - Cao Thanh Tùng đúng là ân nhân của gia đình chúng tôi. Tôi được biết rằng khi Phái đoàn Chính phủ ta sang Trung Quốc thương thảo (có Bảo Đại tham gia) về việc kết hợp đưa Hải ngoại quân Việt Nam về nước, trong đoàn có ông Hà Phú Hương. Ông Hương có nhận chỉ thị của Cụ Hồ là đến Trùng Khánh tìm gặp bà Hồ Học Lãm và hai người con gái, nếu họ có nguyện vọng về nước thì đưa họ về. Bản thân anh Cấn Hào đã tự bán bộ complet sang trọng, chỉ đủ để mua hai vé tàu cho mẹ và chị tôi lên Thượng Hải (khi đó đoàn của ông Hà Phú Hương chưa đến Trung Quốc). Còn với tôi, cực chẳng đã, anh đành phải nói với ông Hương là không thể lo được, khi đó ông Hương mới cấp kinh phí cho tôi về nước.
Đầu năm 1947, tôi tham gia đội tuyên truyền kháng chiến Liên khu IV. Việc làm là các hoạt động văn nghệ, hát hò, diễn thuyết chủ yếu cho Hoa kiều ở Thanh – Nghệ – Tĩnh, để động viên họ tham gia kháng chiến. Sau đó tôi được chuyển vào hoạt động ở nội thành Huế, rồi Quảng Trị, Thừa Thiên … làm nhiệm vụ động viên thương binh, bộ đội, và nhân dân kháng chiến chống Pháp. Nhiều đêm bí mật vượt qua đồn bốt của Pháp để vào sâu vùng địch …
Tôi sinh ra, lớn lên và học hành từ nhỏ ở Trung Quốc nên khi về nước tôi mới học Quốc ngữ. Nhờ nhà thơ Chế Lan Viên dạy mà tôi mới biết viết câu văn tiếng Việt. Đó là thời gian khoảng 1948 - 1949. Biết được điểm yếu này nên anh Hồ Tùng Mậu (người anh con chú tôi) xin cho tôi học trường Văn hóa Hoàng Hữu Nam ở Nghệ An. Tại trường này tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Một năm sau, tôi lại được điều ra công tác ở Công an khu IV. Tại đây, tôi quen và yêu họa sĩ Đặng Đức Sinh, người chồng của tôi và là cha của các con tôi sau này.
Rồi tôi lại được chuyển sang Khu ủy khu IV, dạy lớp đào tạo phiên dịch tiếng Trung 6 tháng. Cùng dạy với tôi ở lớp này có anh Nguyễn Tài Cẩn. Chúng tôi cùng soạn giáo án, dạy phát âm.
Rồi cả lớp học được lệnh chuyển ra Việt Bắc.
Tôi nhớ năm 1947 khi anh rể tôi - Thiếu tướng Lê Thiết Hùng được điều động ra Việt Bắc, anh có để lại một số tiền lớn. Mẹ tôi dùng tiền đó mua một số vàng và để bồi dưỡng cho chị Diệc Lan. Mẹ tôi khâu mười hai cái lắc vào một giải vải rồi buộc vào lưng tôi, dặn giữ gìn cho hậu vận. Trên đường cùng học viên ra Việt Bắc, đến Nông Cống (Thanh Hóa) tôi bán một cái lắc để có tiền chi tiêu và gửi về cho mẹ, chị tôi lúc này đã mất. Còn toàn bộ số vàng (mười một cái lắc) tôi hiến Đảng[2].
Cuối năm 1953, ông Nguyễn Chí Thanh sang Trung Quốc chữa bệnh, tôi được ông Thanh chọn làm phiên dịch. Có lẽ khi đó do tôi còn trẻ, nói năng còn quá hồn nhiên chăng, nên có lần do nhớ thầy tôi quá, tôi muốn xin ông Thanh cho tôi thăm mộ thầy tôi. Vậy mà ông Thanh bảo: "Mi vào Đảng đã mấy năm rồi mà Đảng tính còn non lắm...". Rồi trong suốt ba tháng ở Trung Quốc chữa bệnh ông liên tục bồi dưỡng chính trị và các vấn đề lập trường, tư tưởng cho tôi. Khi đến Bắc Kinh, chúng tôi gặp cả ông Lê Duẩn cũng đang chữa bệnh. Ông Lê Duẩn có gợi ý để ông Thanh cho tôi ở lại Trung Quốc học, ông Thanh có nói: "Đàn bà không có việc gì vẻ vang bằng làm phiên dịch... Cái mi thiếu, cần rèn luyện là tính Đảng... Mi sẽ làm con nuôi ta...". Ông Thanh chỉ hơn tôi có 14 - 15 tuổi!
Hòa bình lập lại, tôi được cử làm giáo viên Trung văn Trường Văn hóa Quân đội (phiên hiệu đơn vị là 126) ở Kiến An. Tại đây tôi có viết thư cho ông Nguyễn Chí Thanh xin được chuyển về Đoàn văn công Tổng cục chính trị để làm phiên dịch và được ông Thanh chấp nhận. Tôi về đoàn Văn công Tổng cục chính trị đúng dịp có lớp đào tạo thanh nhạc, tôi còn trẻ lại có năng khiếu âm nhạc nên được lãnh đạo đoàn giữ lại làm diễn viên. Đây là bước ngoặt quan trọng của cuộc đời tôi. Từ đây cuộc đời tôi hoàn toàn gắn bó với âm nhạc. Mẹ tôi và cả người yêu tôi - Đặng Đức Sinh đều không muốn và không đồng ý cho tôi làm diễn viên. Có lẽ lúc đó và thậm chí cho đến bây giờ tôi nhiều ít biết được suy nghĩ, lo âu của mẹ và anh. Song tôi đã lựa chọn và không ân hận về sự chọn lựa của mình.
Tháng 5 năm 1955, tôi và họa sĩ Đặng Đức Sinh làm lễ cưới.
*
*    *
Cuối năm 1956, Đoàn Ca nhạc dân gian Hungari sang thăm và biểu diễn ở nước ta. Đoàn văn công chúng tôi có dịp giao lưu và biểu diễn với đoàn bạn. Khi sắp kết thúc chuyến thăm và biểu diễn, ông Laslo Domahydi - đơn ca giọng nam trầm đồng thời cũng là người phụ trách đoàn bạn đã chính thức đề nghị Chính phủ và Bác Hồ cho nghệ sĩ Quốc Hương và Hồ Mộ La sang Hungari học thanh nhạc, mọi chi phí do Chính phủ Hungari đài thọ. Trên cơ sở lời đề nghị này, Bác Hồ đã đồng ý. Thật tiếc là lúc đó tôi đang có mang con gái đầu lòng Hồ Lam Hồng, nên không thể đi được.

Đầu 1958, Nhà chỉ huy hợp xướng Bắc Triều Tiên, ông Triệu Đại Nguyên đề nghị Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị (Cục trưởng là Võ Hồng Cương) cho tôi và Quang Hưng, Vũ Tự Lân đi học nước ngoài. Dịp này cũng là lúc hoàn cảnh gia đình tôi quá khó khăn. Mẹ tôi lúc đó đã sắp đến tuổi nghỉ hưu, bà làm một công việc bình thường ở Báo Nhân dân với mức lương 51,5 đồng (có lẽ tương đương với lương Cán sự 2 gì đó). Lương chồng tôi chỉ cao hơn lương bà cụ mấy đồng, tôi là bộ đội, hưởng phụ cấp, không có lương, nay thêm một đứa con nhỏ quả là cuộc sống của chúng tôi không dễ chịu gì. Lại nữa, mẹ tôi là người tính khí không bình thường, bà và con rể rất không hợp nhau, tới mức không thể ở chung được. Chồng tôi phải ở riêng trong căn buồng vẻn vẹn có 6 mét vuông trên gác hai trong một ngõ nhỏ ở phố Dã Tượng. Ba mẹ con bà cháu tôi ở một phòng tầng trệt khu tập thể Kim Liên. Chỉ những đi lại, chịu đựng cũng đủ làm cho vợ chồng tôi kiệt quệ, thậm chí có lúc tôi vô  cùng bế tắc...
Trong hoàn cảnh đó bỗng dưng tôi chợt nhớ tới những người mà một thời rất thân tình với gia đình chúng tôi, mà cũng đã rất lâu rồi tôi chưa có dịp gặp lại. Giờ đây hầu như tất cả họ đều có địa vị cao trong xã hội. Biết kể với ai, biết ai là người có thể san sẻ cùng mình đây? Một buổi tối - khi đó tôi đang tập trung học ngoại ngữ ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - như một bản năng tôi ngồi vào bàn và viết thư cho Bác Hồ. Trong thư tôi kể thực hòa cảnh của gia đình tôi, chứ không có đề nghị gì với Bác cả. Quả thực khi viết lá thư đặc biệt này tôi hoàn toàn không ý thức được hết việc làm của mình. Tôi chỉ mong muốn được một sự cảm thông và dù không có đề nghị gì nhưng tôi vẫn ngầm mong một điều gì đó như một phép lạ sẽ đến với mình. Tôi biết như vậy là yếu đuối, là tự mình làm tổn thương mình. Tôi đã định không gửi bức thư này. Sau đó tôi nhờ chị Nguyệt ánh (vợ nhạc sỹ Doãn Nho) chuyển thư tới Bác nhân một dịp chị cùng đoàn văn công Tổng cục chính trị biểu diễn phục vụ tại Phủ Chủ tịch. ít ngày sau anh Kháng (Cục Cảnh vệ) đến gặp tôi báo tin là Bác đã đọc thư của tôi và gọi tôi tới gặp Bác. Ngồi trong phòng thường trực của Trường Đại học Sư phạm tôi khóc nức nở. Không phải vì vui mừng mà vì tủi thân khi chợt nhớ đến thầy tôi, tới những năm tháng chưa xa khi gia đình chúng tôi còn ở Trung Quốc; nhớ tới những hy sinh lớn lao của thầy tôi, người đã không quản ngại an nguy của cá nhân và vợ con để nuôi, cứu và hỗ trợ nhiều việc cho những người cách mạng Việt Nam... Sâu thẳm trong tôi, như có một cái gì đó lặng lẽ đổ vỡ, không một tiếng động, không thể phục dựng lại được nữa.
Tôi nhớ vào thứ bảy hay chủ nhật gì đó sau khi anh Kháng[3] báo tin, tôi đến Phủ Chủ tịch. Trước khi gặp Bác, anh Vũ Kỳ có khuyên tôi đừng khóc. Có lẽ qua anh Kháng, anh Kỳ đã biết tường tận về trận khóc của tôi ở Trường Đại học Sư phạm. Đây không phải là lần đầu tôi được gặp Bác. Trông Bác khỏe, nhanh nhẹn và đẹp như một ông tiên vậy. Tôi cảm nhận được ở Bác có một cái gì đó rất phi phàm, khiến cho suốt thời gian bên Bác tôi không nói được câu gì, ý gì cho ra hồn cả. Bác hỏi thăm mọi người trong gia đình tôi, việc học tiếng Nga của tôi và động viên tôi yên tâm đi Liên Xô học. (Trước đó tôi đã nhận được quyết định đi tu nghiệp tại Nhạc viện Traikovsky của Liên Xô). Bác còn khuyên tôi nên đưa cháu Lam Hồng (con gái tôi) cho bà nội nuôi, sợ ở với bà ngoại (mẹ tôi), cháu sẽ bị ảnh hưởng. Bác vẫn nhớ, và đặc biệt rất không thích tính tình của mẹ tôi. Ngoài những việc trên, Bác không hỏi thêm gì cả.
Cuối năm 1959, khi đang tu nghiệp ở Liên Xô, tôi nhận được thư của mẹ tôi. Bà cho tôi biết đã về hưu và được hưởng nguyên mức lương là 51,5 đồng. Bà còn viết thêm: "... Như thế là mẹ được ưu đãi lắm rồi".
Sau khóa đào tạo 1959 - 1966, tôi lại có dịp trở lại Nhạc viện Traikovsky thực tập một năm (1987 - 1988). Việc được đào tạo có bài bản, cơ bản về âm nhạc - mà đặc biệt là thanh nhạc – tại nhạc viện mang tên Traikovsky đã giúp tôi rất nhiều trong việc giảng dạy và đào tạo các tài năng âm nhạc trong nước. Tôi tự tin trong công việc giảng dạy, đào tạo cũng như nghiên cứu thanh nhạc. Tôi say mê với công việc tới mức như quên cả bản thân.
Năm 2005, sau 6 năm miệt mài dịch và biên soạn, tôi cho xuất bản cuốn "Lịch sử nghệ thuật thanh nhạc phương Tây" (sách dày 500 trang, khổ 16 cm x 24 cm). Sách được giới nhạc sĩ và nhiều người trong nghề đánh giá cao về tính hệ thống, chiều sâu và chất lượng về lịch sử thanh nhạc. Cuốn sách này được giải nhì về sách biên soạn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Tháng 11 năm 2008, tôi xuất bản cuốn sách thứ hai mang tên "Phương pháp giảng dạy thanh nhạc", dày 265 trang. Đây là công trình mà tôi vô cùng tâm huyết vì nó là thành quả của cả một đời hoạt động thanh nhạc của tôi. Cũng như cuốn sách trước, cuốn này cũng được những người có liên quan trong giới đánh giá cao ở tính hệ thống, sự đúc kết tỉ mỉ mà đặc biệt có nhiều thông tin quốc tế mới về thực nghiệm khoa học về hoạt động của thanh quản khi hát. Đây là vấn đề mà trong nghiên cứu cũng như giảng dạy thanh nhạc ở nước ta chưa có ai đề cập. Trong cuốn sách thứ hai này tôi rất đắc nguyện khi đưa ra được những chính kiến riêng trong chuyên môn sâu của mình. Đó là: Những chính kiến riêng của tôi về vận dụng phương pháp thanh nhạc phương Tây vào ngôn ngữ thanh nhạc Việt Nam. Với trách nhiệm và lòng say đắm với nghề dạy thanh nhạc, với tất cả sự tự tin, trong cuốn sách này tôi cũng nêu rõ một trong những yếu tố quan trọng nhất của giáo dục nói chung - đó là tư cách làm thầy: Đừng để mất phẩm giá của người thầy.
Sau khi viết xong hai cuốn sách trên, hai mắt tôi thị lực giảm hẳn, rồi bị lòa. Tôi không đọc được sách báo, không đọc được Kinh Phật hàng ngày nữa, cũng như không xem được tivi. Các con cháu tôi lo lắng thuốc men điều trị, song cái cơ thể gần 80 tuổi của tôi xem ra đã đầu hàng. Cả hai cuốn sách tôi đều tự bỏ tiền ra lo mọi chi phí in ấn. Phần phát hành được không đáng bao nhiêu. Song tôi vô cùng phấn chấn vì mình đã làm được một việc có ích cho đời, cho nghề. Tâm thái tôi vô cùng thanh thản.
Liên tục suốt mấy chục năm làm công tác sư phạm thanh nhạc (khi thì ở Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, khi thì ở Nhạc viện Hà Nội và cho tới giờ sau khi đã về hưu gần hai mươi năm), tôi không thể nhớ hết bao nhiêu lứa học trò, bao nhiêu ca sĩ mà tôi đã trực tiếp hướng dẫn, rèn cặp. Đa số họ từ rất lâu đã thành danh, đã có vị trí xứng đáng trong nền âm nhạc hiện đại, được đông đảo những người yêu mến âm nhạc hâm mộ. Họ luôn nhớ tới tôi như nhớ tới một người thầy có kiến thức thanh nhạc hoàn hảo, có phương pháp sư phạm tốt với thái độ chu đáo, tỉ mỉ, triệt để, đãi cát tìm vàng... Những buổi học của thầy trò chúng tôi luôn diễn ra trong không khí thân mật và phấn hứng. Chúng tôi vừa dạy vừa học hỏi lẫn nhau, cùng tìm ra chỗ nào (điều gì) đạt hay chưa đạt, cùng nhau khổ luyện, nên thường thành công. Trong giảng dạy, rèn cặp học trò, tôi luôn hướng giọng hát của họ theo các chuẩn mực thanh nhạc cơ bản nhất như: Âm thanh phải tròn, dầy, mềm mại, uyển chuyển - Hát cổ điển, thính phòng phải đúng phong cách, hát dân tộc (dân ca) phải cố gắng vận dụng phương pháp thanh nhạc phương Tây kết hợp với các đặc điểm dân tộc.
Tôi nhớ tới ca sỹ - Nghệ sỹ ưu tú Rơchămpheng. Trong các học trò của tôi thì với tôi, Rơchămpheng là giọng thính phòng đẹp nhất. Cô ca sĩ có tính cách mạnh mẽ người dân tộc Giarai đã được giải ba Cuộc thi âm nhạc mang tên "Cẩm Chướng đỏ" ở Liên Xô năm 1983; Giải nhất Liên hoan ca nhạc quốc tế ở Bình Nhưỡng (Bắc Triều Tiên) năm 1990; Giải nhất cuộc thi âm nhạc thính phòng toàn quốc đầu năm 1996...
Tôi nhớ tới ca sĩ Xuân Thanh - tuy chưa có danh hiệu (Ưu tú hay Nhân dân) nhưng đã đạt những giải thưởng lớn ở nước ngoài: giải nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế ở Mông Cổ năm 1986; cùng năm, Xuân Thanh lại đoạt giải khuyến khích cuộc thi hát dân ca quốc tế mang tên Traikovsky ở Liên Xô.
Tôi nhớ tới các nữ ca sĩ - nghệ sĩ ưu tú khác như Hà Thủy với giọng hát bốc lửa; rồi Tố Uyên, Kim Khánh, Thu Hằng, Thúy Loan, Ngọc Hà... Mỗi người một vẻ đều có được những thành công về nghề nghiệp. Họ không còn ít tuổi nữa nhưng họ luôn giữ được ngọn lửa trẻ trung trong tiếng hát.
Đặc biệt tôi nhớ tới Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa. Cô học với tôi một năm và tôi đánh giá cao các tư chất của cô. Thanh Hoa có chất giọng đẹp trời phú đầy nhạc cảm. Cô nhả chữ mềm mại, biểu cảm đẹp, có tình. Ngoài ra, với tôi, Thanh Hoa còn là người đàn bà thông minh tuyệt vời.
Gần đây trong số học trò của tôi, nữ ca sĩ trẻ Anh Thơ nổi lên như một giọng ca đầy triển vọng. Cô chưa có danh hiệu, các giải thưởng âm nhạc cô đạt được tuy chưa thực ấn tượng lắm (Giải ba cuộc thi âm nhạc Sao Mai toàn quốc; Giải nhì cuộc thi ca nhạc thính phòng toàn quốc năm 2000) nhưng được người trong giới âm nhạc đánh giá cao. Trong trình tấu các ca khúc dân tộc, Anh Thơ đã vận dụng rất mềm mại, uyển chuyển và có tình các kỹ thuật thanh nhạc hiện đại nên được công chúng ưa thích.
*
*     *
Các học trò của tôi, đa số họ giờ đều đã thành đạt phương trưởng. Nhiều người trong họ giờ đã là bà nội, bà ngoại. Tôi tự hào là trong thành công về âm nhạc của họ có một phần đóng góp nhỏ của tôi. Tất cả họ đều có quan hệ thân tình, đằm thắm với bà giáo già là tôi. Đó là niềm tự hào và hạnh phúc lớn lao của tôi.
Trong cuộc sống có những việc bình thường bỗng trở nên rất khó chịu. Nó không quyết liệt, gay gắt nhưng không thể xả bỏ đi được, nó như ma dại, lúc mờ lúc tỏ, ngấm ngầm, dai dẳng làm khổ ta. Đó là câu chuyện về việc phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ. Theo tôi có một cái gì đó không ổn trong việc thực hiện chủ trương chung cũng như việc đặt ra các tiêu chí có tính kỹ thuật trong các bước tiến hành. Các danh hiệu được phong tặng chỉ thực sự cao quý, nếu nó phản ánh đúng thực chất những đóng góp, cống hiến của người được phong tặng. Danh hiệu cao quý luôn hấp dẫn mọi người. Nếu đạt được nó, mặc nhiên được xem là ưu tú, tài giỏi hơn người khác.
Năm 1987 mới có đợt phong tặng danh hiệu đầu tiên cho cả giới nghệ sĩ. Tôi chuyển về Nhạc viện Hà Nội từ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội năm 1984. Lúc đó, theo hướng dẫn của cấp trên mỗi khoa trong Nhạc viện chỉ được bầu một chỉ tiêu (tức được bầu một người). Tôi mới chuyển công tác về nên đã chủ động đề cử người khác. Cùng lúc đó ở nơi tôi công tác cũ (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) nhiều đồng nghiệp cũ đã đề cử tôi dù tôi không còn ở đó nữa. Tiếc là ông giám đốc N.V.Q đã thừa lý do để bác đề cử rất thiện chí này.
Năm 1990 (trước khi tôi về hưu một năm) tại khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội tôi lại có trong danh sách đề cử cho việc phong tặng danh hiệu, nhưng chỉ được 59 phiếu, còn thiếu 2 phiếu nữa mới đạt. Điều đáng nói là trong lần bầu bán này cả các anh chị ở nhà bếp, bảo vệ, tạp vụ đều được tham gia bỏ phiếu! Nếu tôi "linh hoạt" một chút, "đời" một chút thì chắc không phải chờ đợi thêm 8 năm nữa.
Năm 1991 tôi về hưu, cũng chính thức bị gạt ra khỏi diện được đề cử hay bầu bán. Ông Thứ trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng xét phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nói thẳng thừng là không xét cho người đã về hưu, dù đã là giáo sư hay phó giáo sư cũng không xét. Số người như thế không ít, trong đó có nhiều người nổi tiếng.
Mãi cho đến năm 2008 mới có chủ trương xét phong tặng danh hiệu nghệ sĩ và nhà giáo cho những người đã về hưu. Hội đồng xét duyệt của Nhạc viện Hà Nội đã đề nghị đặc cách xét phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho tôi và giáo sư Nguyễn Thị Nhung (vợ nhạc sĩ Huy Du).
Chắc các đồng nghiệp và những người có trách nhiệm trong Hội đồng xét duyệt của Nhạc viện Hà Nội đã nhận thấy những bất hợp lý trong trường hợp "tồn đọng" quá lâu của chúng tôi. Cá nhân tôi, tự nhìn thẳng vào mình một cách nghiêm túc nhất, tôi thấy rằng: Nếu lấy cái mốc là năm 1991 (năm tôi về hưu) thì cả trước và sau đó với tư cách là một nhà giáo thanh nhạc, đã có những thành tích nổi bật trong hoạt động giảng dạy và đào tạo của tôi. Sự thành đạt của các học trò, các giải thưởng lớn nhỏ trong ngoài nước mà họ đạt được là một minh chứng. Các công trình khoa học, nghiên cứu của tôi đều được giới âm nhạc đánh giá cao, đặc biệt, sách "Lịch sử nghệ thuật thanh nhạc phương Tây" được xem là tài liệu giáo khoa về thanh nhạc... Cho nên xét toàn diện tôi tự thấy mình xứng đáng với sự đề cử đặc cách của Hội đồng xét duyệt Nhạc viện Hà Nội. Tôi vô cùng biết ơn các đồng nghiệp. Lá phiếu tín nhiệm (đặc cách) của họ có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với tôi, là sự ghi nhận cũng là một tình cảm ấm áp của họ dành cho tôi.
Thế nhưng Hội đồng xét duyệt có thẩm quyền cao nhất đã không chấp nhận đề nghị xét đặc cách. Lý do khá đơn giản: phải qua "Ưu tú" rồi mới được xét đến "Nhân dân". Tôi nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cuối năm 2008 ở tuổi 79. Không vui không buồn.
*
*    *
Nỗi dằn vặt lớn nhất trong đời tôi là đã làm mất mộ cha mình. Cha tôi mất tháng 4 năm 1943 tại bệnh viện Quế Lâm Trung Quốc. Tôi nhớ hôm đó đưa tang trời mưa tầm tã, chỉ có ba mẹ con tôi và một ít bạn thân người Trung Quốc đi theo chiếc xe chở quan tài cha tôi từ bệnh viện đến Cửa Nam thành phố Quế Lâm. Cha tôi được an táng tại Bát Kỳ nghĩa địa, ngoài cửa Nam không xa. Mộ ông nằm ở một khoảng đất rộng khá bằng phẳng, phía sau mộ có một ngọn đồi nhỏ, trên đồi có ngôi mộ một ông cử nhân đời Thanh.
Từ sau khi cha tôi mất, gia đình tôi đã chịu nhiều biến động lớn lao, trong những biến động còn lớn lao hơn của xã hội. Nhớ cha, thương cha nhưng tôi chẳng còn cách nào khác là nghĩ "vọng" tới cha trong niềm đau khổ vô bờ.
Cuối năm 1953 khi làm phiên dịch cho ông Nguyễn Chí Thanh an dưỡng chữa bệnh ở Trung Quốc, lúc ở Bằng Tường (chỉ cách mộ cha tôi 100 km đường xe lửa) tôi đã nhiều lần gợi ý xa gần với ông Thanh, để thủ trưởng cho phép tôi đi thăm mộ cha. Nhưng ông Thanh không để tâm. Ông còn cho đó là biểu hiện của Đảng tính non nớt, nên chỉ chú tâm bồi dưỡng lập trường cách mạng cho tôi. Trước sự cứng rắn của cấp trên, tôi không còn dám nài nỉ gì thêm nữa.
Năm 1961 khi đang học ở Nhạc viện Traikovsky Liên Xô, tôi có viết thư cho Công an thành phố Quế Lâm hỏi khá chi tiết về mộ cha. Họ trả lời tôi rằng: Năm 1960 họ đã có thông báo di dời tất cả mồ mả ở nghĩa địa Bát Kỳ, hiện tại đó không còn ngôi mộ nào nữa. Sự thật phũ phàng đó ám ảnh tôi. Đã nhiều lần tôi nằm mơ thấy mình vào một căn hầm rất to có rất nhiều hài cốt, trong mờ ảo lạnh lẽo tôi vừa khóc vừa lần tìm hài cốt cha mà không thấy. Tôi là người có lý trí mạnh mẽ, không mấy tin vào những chuyện "quàng xiên". Nhưng chắc là cụ báo mộng. Còn tôi, tôi đã không cắt nghĩa được.
Cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 1993 (sau khi chồng tôi bị tai biến mạch máu não) tôi làm phiên dịch cho Đoàn Cựu chiến binh Việt Nam do ông Trần Văn Quang dẫn đầu thăm Trung Quốc. Phía Trung Quốc có tạo điều kiện cho tôi về Quế Lâm. Tôi đến Bát Kỳ nghĩa địa thì toàn bộ đã biến thành những tòa nhà chung cư cho công nhân ở. Ngọn đồi nhỏ gần nơi cha tôi nằm vẫn còn. Trên ngọn đồi đó ngôi mộ của ông cử nhân đời Thanh vẫn nguyên vẹn. Ôi, giá như...
Các con tôi thường động viên tôi rằng: "Mẹ đừng buồn nhiều, hoàn cảnh như thế là bất khả với tất cả mọi người...". Có thể thế thật, nhưng tôi vẫn thấy mình là người có lỗi nhiều nhất với cha và hình ảnh căn hầm mờ ảo có nhiều hài cốt vẫn thường trở lại trong những giấc mơ ngắn ngủi của tuổi già.
*
*    *
Chị Diệc Lan tôi mất ngày 25 tháng 10 năm 1947 tại Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ An. Lúc này ba mẹ con tôi vẫn ở với nhau. Chị tôi được an táng ngay tại một thửa ruộng trong làng. Hai tháng sau khi chị tôi mất có người anh em họ đằng chồng chị (Lê Thiết Hùng) từ quê sang Nam Kim nói với mẹ tôi: "Cụ ơi, đêm qua tôi chiêm bao lạ lắm. Thấy chị Lan kêu rằng: Anh Liêu ơi tội lắm, tôi nằm giữa vũng nước lạnh lắm". Mẹ tôi sai tôi và mọi người ra xem sự thể thế nào. Tới nơi thì thấy một rãnh nước ai đó khơi chảy qua mộ chị. Chúng tôi phải khơi cái rãnh khác và lấp cái rãnh cũ đi.

Trong gia đình tôi đặc biệt thương và nể phục chị Diệc Lan. Chị đối với tôi vừa đầm ấm mà gần gũi. Chị không giấu tôi gần như bất cứ điều gì. Trước khi mất ít lâu chị có nói với tôi:
- Em ơi chị không cam lòng chết. Nếu chị được sống chắc chị sẽ viết văn giỏi. Những nhà văn lỗi lạc đều sống trong đau khổ. Chị thấy chủ nghĩa phong kiến vẫn còn đè nặng lên cuộc sống của người phụ nữ, đấy là một loại bóc lột nhân công không phải trả lương...
Chị còn nói:
- Nếu chị mất mỗi năm em đến thăm chị một lần và cho chị một bông hồng...
Rồi chị lại nói: "Nói thế cho vui thôi. Chết là hết...".
Tôi hứa với chị nhưng chỉ thăm chị được có một lần duy nhất, cũng chẳng mang được bông hoa nào. Tìm đâu ra hoa vào lúc đó!
Khoảng đầu những năm 60, người em dâu của ông Lê Thiết Hùng có nói là đã cải táng và xây mộ lập bia cho chị Diệc Lan. Tôi tin là thật. Sau Hiệp nghị Pari 1972, tôi có hỏi ông Thiết Hùng để cùng về quê thăm mộ chị. Ông Hùng trả lời: "Anh đã đưa cho em dâu 100 đồng để cải táng, xây mộ làm bia cho chị Lan rồi. Không mất mộ đâu mà sợ". Ông Hùng không muốn cho tôi đi cùng, ngại bà vợ rất hay ghen ngược.
Năm 1993 tôi có dịp vào Nghệ An và liền về Nam Kim thăm mộ chị. Thì hỡi ơi, không có ngôi mộ nào được xây với bia ghi có tên chị tôi. Tôi có hỏi mấy người cải táng, họ nói: Chồng người em dâu bà có mang một cái tiểu đến và đưa cho họ 30 đồng làm mâm cơm cúng. Cái tiểu không có nắp họ phải tìm một miếng gạch bê tông làm nắp. Cái nắp bất đắc dĩ này không đủ che kín cái tiểu, phải lấy hai viên gạch đậy thêm vào cho kín...
Nhiều năm rồi nên tôi không nhớ mộ chị táng ở vị trí cụ thể nào.
Về Vinh gặp người em dâu ông Hùng tôi khóc và muốn sỉ vả bà ta thật cay độc, song nhìn bà đã quá già nên tôi kìm lại.
Năm 1994, theo hướng dẫn của các nhà ngoại cảm, tôi vào Nam Kim lần thứ hai nhưng vô duyên nên vẫn không tìm thấy mộ chị.
Đầu năm 2003, vợ ông Hồ Học Hải (chị dâu ông Hồ Đức Việt) cho tôi biết: Bà Phương ở Hàm Rồng (Thanh Hóa) có nói: "Họ nhà chị có người tên Lan đã chết muốn nói chuyện với một người tên là La, hiện còn sống". Tôi và con trai tôi thuê một chuyến ô tô vào Hàm Rồng hỏi chuyện cô Phương, nhưng cô Phương nói không trúng.
Mùa hè năm ấy gia đình tôi đi nghỉ ở Cửa Lò. Cả nhà tôi lại về Nam Kim, song vẫn vô vọng. Về Hà Nội, tôi đến gặp nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy và ông đồng ý đi theo gia đình chúng tôi về Nam Kim. Đến nghĩa trang ông Bảy có khấn, đại ý là: "Cô Lan ơi, em ruột cô với cháu ruột cô đến tìm mộ cô... Xin cô cho con chuồn chuồn chỉ mộ cô...". Một lúc sau quả nhiên có con chuồn chuồn bay đến đậu rất lâu lên cái túi đựng đồ cúng, rồi bay lên đậu vào vai tôi. Lúc đó tôi đang bận bày đồ lễ nên ít để ý. Rồi con chuồn chuồn lại bay sang đậu vào vai cháu Hiền, lúc sau nó lại bay đậu khá lâu trên mu bàn tay (bàn tay đang cầm điếu thuốc lá) của người lái xe. Rồi con chuồn chuồn lại quay lại đậu trên chiếc túi du lịch đựng đồ cúng... rồi bay mất dạng. Nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy chỉ mô đất cao bảo đào, đào mãi vẫn không thấy gì.
Lần thứ tư vào mùa xuân năm 2004 chúng tôi lại về Nam Kim. Lần này cháu Hiền mua mấy cái thuốn sắt để thuốn đất. Trước đó ít lâu, con dâu tôi - Trà, vợ cháu Hiền - có bạn quen nhà ngoại cảm tên là Nhã sống ở Sài Gòn. Cháu Trà có nhờ ông Nhã, ông Nhã nói rằng: "Chỗ nào có hoa tím là mộ bà Lan". Đến nghĩa trang chúng tôi thấy có một bụi hoa tím to, thuốn mãi mà không thấy gì. Chúng tôi không hề để ý đến một bụi hoa tím nhỏ hơn ở mép ngoài nghĩa địa cạnh bờ ruộng. Lúc đã gần hết hi vọng, cháu Hiền gọi điện cho ông Nhã, ông bảo: "Hãy chờ, từ 12 giờ trở đi sẽ có một con vật đến báo". Rồi tôi thấy một con nhái nhảy vọt ra, chúng tôi hốt hoảng ùa theo nó và nó biến mất cũng bất ngờ như khi nhảy vụt ra vậy. Gần như tuyệt vọng tôi thắp mấy nén hương rồi gào to lên giữa nghĩa địa rằng: "Chị Lan ơi! Em biết lỗi với chị rồi. Chị cho em được tìm thấy chị, dù chỉ còn một nắm đất chị ơi...". Chúng tôi tuyệt vọng ra về.
Sáu bảy tháng sau có người trong quê báo tin đã tìm thấy tiểu chị Diệc Lan tôi. ở trong quê tôi đến lúc đó không có ai táng hài cốt trong tiểu nữa. Nhà nào giàu có thì hài cốt người đã khuất được cải táng vào nồi đất. Đa số cải táng trong chiếu cói hoặc tấm ni lông... Chiếc tiểu đó dứt khoát là tiểu chị tôi. Hai mẹ con tôi liền vào Nam Kim. Hóa ra một nông dân đi săn chuột đồng, con chuột bị săn liền chui vào một hốc nhỏ cạnh chiếc tiểu. Anh nông dân bới đất tìm chuột và phát hiện ra chiếc tiểu liền đánh dấu lại và báo với người làng. Khi chúng tôi đào lên thì quả nhiên nắp tiểu là một miếng bê tông che không hết miệng tiểu, hai viên gạch đậy thêm đã rơi vào trong tiểu. Chúng tôi lấy hai viên gạch ra, trong tiểu chỉ còn một ít đất đen tơi xốp... Cháu Hiền có đóng một cái quách bằng gỗ giổi để đặt chiếc tiểu chứa hài cốt của dì Lan vào, rồi chúng tôi chuyển dì về an táng lại ở nghĩa trang thành phố Hà Đông.
Từ đây tôi mới thực hiện được lời hứa với chị Diệc Lan: Mỗi tháng tôi đến thắp hương cho chị tôi một lần và lần nào cũng có 5 bông hoa hồng, và lần nào hương hóa cũng rất đẹp.
*
Ông thân sinh ra mẹ tôi là Thần Sơn Ngô Quảng. Cụ đã sớm tham gia cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Phan Đình Phùng. Sau thất bại của nghĩa quân Phan Đình Phùng ở Vụ Quang, ông ngoại tôi trốn tránh sự truy lùng của giặc Pháp và tập hợp lại các bạn chiến đấu, các nghĩa sĩ gây dựng lại cơ sở nhưng sự nghiệp dở dang. Cụ cùng một số chiến hữu phải dạt sang Thái Lan. Chúng tôi chỉ được biết cụ mất ở một địa danh là Trại Cầy ở Thái Lan. Tất cả chỉ có vậy.

Người có tâm tìm mộ cụ là con trai tôi, Đặng Tri Hiền. Cháu Hiền là một kiến trúc sư trẻ có năng lực, nhưng điều tôi tự hào là cái tâm của Hiền đối với bố mẹ, ông bà, tổ tiên. Từ sau khi tìm được mộ dì Lan và đưa dì về an táng ở nghĩa trang Hà Đông, Hiền rất phấn chấn. Cháu nói với tôi: "Phải tìm bằng được mộ cụ Cố thì con mới toại lòng. Con sẽ cố tìm hỏi các nguồn bà con Việt kiều ở Thái Lan...". Tôi rất mừng nhưng lại nghĩ khó khăn quá.
Thật may là cơ duyên đã đưa hai mẹ con tôi đến dự buổi hội thảo về cụ bà Lý Phương Đức - một nhà cách mạng Việt Nam tiền bối bị những nỗi oan khuất tưởng như không thể giải được. Buổi hội thảo này do các con của cụ phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử tổ chức. Trong buổi hội thảo có ông Hồng là cháu đích tôn của cụ Đặng Thúc Hứa. Ông Hồng đưa cho tôi xem một tấm ảnh. Bức ảnh chụp toàn cảnh một tấm bia mộ lớn, trên bia mộ có ghi rõ tên cụ Đặng Thúc Hứa, người thứ hai là cụ Cố Khôn và tiếp 3 người nữa. Dưới tấm ảnh có ghi rõ "5 liệt sĩ vì sự nghiệp cứu nước". Ngôi mộ và bia do đồng bào Việt kiều ở Thái Lan xây dựng trong một ngôi chùa lớn ở U Đon, cách Viên Chăn (Lào) 100 km. Trong hồi ký của cụ Lý Phương Đức có ghi rõ rằng: "Cố Khôn là bố đẻ của bà Ngô Khôn Duy vợ ông Hồ Học Lãm". Hai mẹ con tôi vô cùng mừng rỡ, đã xin chụp lại tấm ảnh quý giá này.
Năm 2006 tôi và cháu Hiền sang Thái Lan, đến U Đon và tìm tới ngôi chùa kể trên. Trong chùa có ngôi mộ lớn hợp táng 5 người Việt Nam yêu nước đã bỏ mình ở Thái Lan, trong đó có ông ngoại tôi là cụ Ngô Quảng. Vì là ngôi mộ hợp táng, lại được xây dựng rất công phu, đồ sộ cho nên chúng tôi không có điều kiện rước Cụ về Việt Nam. Sống giữa những Việt kiều yêu nước ở Thái Lan các cụ vẫn được ngưỡng mộ, chăm sóc đầy đủ như giữa những người ruột thịt. Không đón được cụ về nhưng lòng chúng tôi vô cùng cảm động ấm áp. Hai mẹ con tôi thắp hương, dâng lễ cầu khấn các cụ, chụp ảnh lưu niệm rồi về nước.
*
*    *
Tôi viết những trang đầu của tập Hồi tưởng này khi 78 tuổi. Giờ ở tuổi mụ 80 tôi muốn kết thúc nó, một sự hồi tưởng ít vui sướng nhiều đau đớn, dường như chỉ cảm xúc thôi cũng đã quá sức chịu đựng của tôi. Hồi tưởng lại mọi sự việc xảy ra trong gia đình tôi mới hiểu sâu sắc với đầy đủ ý nghĩa của nó và trái tim tôi rỉ máu. Thật vậy, tất cả những người ruột thịt thân yêu của tôi được nhắc tới như những nhân vật chính trong Hồi tưởng này đã không còn trên đời này nữa. Những đau khổ, cay đắng họ phải chịu được phản ảnh phần nào trong sách này. Còn tôi, tôi vẫn sống trên đời với đàn con cháu yêu quý của mình, đặc biệt là đứa con trai thông minh, khôn ngoan, hiếu đễ của tôi đã thương yêu tôi bằng hành động thiết thực là làm đủ cách tìm lại di hài - một nắm đất đen của dì ruột nó, chị ruột tôi. Tôi sung sướng trong đau đớn, nhiều đêm thổn thức khi nghĩ đến chị và cha tôi. Tôi thấy bây giờ tôi mới hiểu họ thực sự và mới yêu họ thực sự thì đã quá muộn... Song nếu không muộn thì phỏng tôi sẽ làm được gì nào?
Tôi thương xót cho mẹ tôi. Bà đã bị lãng quên một cách tàn nhẫn. Cha tôi không vụ lợi, ông đã mất. Chị tôi cũng mất sớm, mới chỉ cay đắng nửa phần đời trước khi ra đi. Còn tôi từ gần 10 năm nay đã là "phó thường dân". Nhưng tôi không oán thán, tiếc nuối điều gì vì chí ít tôi đã sống trọn vẹn cuộc đời mình. Nhưng tôi không phải là họ. Ngày mai từ giã cuộc đời này, tôi chắc sẽ thanh thản. Chắc chắn là như vậy.

Viết xong và hoàn chỉnh tháng 1 - Kỷ Sửu
H.M.L.
......................................
[1] Hồi ký của Lý Phương Đức và Lê Thiết Hùng cho biết đầu những năm 1930, Đảng đã cử các cán bộ như Lý Phương Đức, Nguyễn Thị Minh Khai … tới Thượng Hải làm binh vận các binh lính Việt trong quân đội Pháp ở tô giới Pháp.
[2] Hiện gia đình còn lưu Thư báo công của Văn phòng Trung ương Đảng, có chữ ký của các ông Phạm Văn Đồng, Vũ Kỳ và bà Thanh. Hiên tôi còn giữ thư này. (HML)
[3] Thiếu tướng Hoàng Hữu Kháng (tên khai sinh là Nguyễn Văn Cao), Cục trưởng cục cảnh vệ, lão thành cách mạng.
http://vanhoanghean.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe6/nguoi-xu-nghe43/hoi-tuong-ve-cha-toi-chi-sy-ho-hoc-lam-ky-cuoi




---


Những entry liên quan đã đi trên blog này:

 Chí sĩ Hồ Học Lãm - Cụ Hồ đầu tiên - qua hồi tưởng của một người con (tiếp theo, 3)

-  Chí sĩ Hồ Học Lãm - Cụ Hồ đầu tiên - qua hồi tưởng của một người con (tiếp theo)

-  Chí sĩ Hồ Học Lãm - Cụ Hồ đầu tiên - qua hồi tưởng của một người con

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét