---
Râu nọ, cằm kia
Cập nhật: 07:40, Thứ 6, 21/08/2015
Đó là về cuốn “Văn hóa và con người xứ Nghệ - những bức chân dung”, do GS.VS Nguyễn Duy Quý và cử nhân Nguyễn Trọng Đệ thực hiện, NXB Văn hóa - Thông tin phát hành.
Bìa sách “Văn hóa và con người xứ Nghệ - những bức chân dung”
Sách dày 600 trang, khổ lớn 16x24 cm, do Lê Tiến Dũng chịu trách nhiệm xuất bản, Mai Hương biên tập.
Trong Lời giới thiệu (trang 5), các tác giả cho biết, đây là “một công trình được biên soạn công phu và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc”. Thời gian thực hiện là “sau hơn 10 năm nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn” (Lời cảm ơn, trang 588).
Tiếc thay, nó có quá nhiều sai sót và cẩu thả. Trang 6 cuốn này cho biết, sẽ còn chờ đợi tập 2 ra đời để bổ sung chân dung nhân vật lịch sử xứ Nghệ. Vì thế, bài viết này mong muốn các tác giả sẽ có sự điều chỉnh để các tập tiếp theo được chu toàn.
Những lỗi sơ đẳng
Một số lỗi sơ đẳng xin nhắc qua. Đó là ngay trang 7, chú thích về chính tác giả cuốn sách GS.VS Nguyễn Duy Quý, có ghi: “Ủy viên Trung ương Đảng khóa, Đại biểu Quốc hội”, bạn đọc không biết đó là khóa nào!
Hay như khi viết Hướng dẫn tra cứu sách, các tác giả viết rõ: “Mục sách tham khảo (STK) được ghi theo thứ tự 1, 2, 3, 4, 5 (STK 1, STK2...). Để tiện việc tra cứu và trong [in – PV thêm vào] ấn, khi chúng tôi trích dẫn từ sách tham khảo nào, chúng tôi sẽ chú thích: (STK 1, trang...; STK 2, trang...; STK 3, trang...)”.
Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó, trong bài tổng luận “Xứ Nghệ là một vùng văn hóa đặc sắc trong lòng Tổ quốc Việt Nam” (trang 9-19) của hai tác giả, có đến 16 cuốn sách tham khảo không có nguồn.
Ví dụ: (STK... trang 22), hoặc (STK..., trang...), hay (theo Nguyễn Đổng Chi - STK số... trang 6) thì quá bằng... đánh đố bạn đọc.
Phần “Những bức chân dung”, các tác giả không đưa ra tiêu chí và thống nhất phong cách thể hiện. Ở đây không phải phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, mà là tùy tiện cóp nhặt tứ xứ mang về kiểu “của người phúc ta”. Xin dẫn một số ví dụ:
Tiểu sử nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh (trang 194-195), nhà thơ Huy Cận (trang 208), nhà văn Nguyễn Minh Châu (trang 215), GS Phan Cự Đệ (trang 262), PGS Cao Xuân Hạo (trang 290), nhà văn Hoài Thanh (trang 481)... là sao chép y nguyên trong cuốn "Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam" do Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản.
Nhiều nhân vật không có tiểu sử, hành trạng như GS.NGND Nguyễn Đình Chú (trang 232-234). Bài viết này còn cắt bỏ cả tên tác giả (Phúc Sơn) và nguồn xuất bản (Bản tin ĐHSP Hà Nội, 2008).
Thông tin cũ và lạc hậu
Nhiều nội dung thông tin trong sách này cũ kỹ và lạc hậu. Trang 207, về GS Nguyễn Tài Cẩn, sách viết: “Từ 1961 đến nay: Công tác tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, là giáo viên khoa Ngữ văn”.
Trang 467, về GS Hà Văn Tấn: “1988 đến nay: Viện trưởng Viện Khảo cổ học”. Trang 513, về GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn: “Tháng 4-1976 đến nay là Thứ trưởng Bộ Giáo dục”. Trang 551, về GS Lê Xuân Tùng: “1987 đến nay: Làm trợ lý Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Tất cả các nhà quản lý, nhà khoa học nêu trên, đều đã nghỉ hưu theo chế độ Nhà nước từ hơn 10 năm, làm sao còn “hiện nay” được!
Hoặc, PGS Cao Xuân Hạo đã mất từ năm 2007, nhưng sách vẫn viết: “Hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh”. Nhà thơ Minh Huệ (trang 304) mất từ năm 2003, nhà thơ Chính Hữu (trang 328) mất từ năm 2007, nhưng sách vẫn viết: “Nơi ở hiện nay...”. Nhà thơ Trần Hữu Thung đã mất từ năm 2000 nhưng vẫn ghi “Nơi ở hiện nay” và “Hiện nay nhà thơ đã nghỉ hưu” (trang 504).
Nhà văn Bùi Hiển qua đời năm 2008, sách vẫn viết: “Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam”. Trong khi đó, Bùi Hiển làm Chủ tịch Hội đồng văn xuôi khóa IV (1989-1995).
Bởi vậy, có lời bình rằng, khả năng các nhà văn, nhà thơ ở dưới địa phủ vẫn tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ quản lý như trên trần thế!
Tên người này, mặt người khác
Đây có lẽ là lỗi sai cơ bản nhất trong cuốn sách này khiến cho người đọc phiền lòng. Trang 249, viết về Xuân Diệu, sai cả năm sinh (1917), đã vậy, còn thay ảnh Xuân Diệu bằng ảnh... PGS.TS Đỗ Lai Thúy.
Ảnh Xuân Diệu thay bằng ảnh Đỗ Lai Thúy
Việc thay ảnh tùy tiện này còn có trong tiểu sử Mai Thúc Loan mà ảnh lại là vua Minh Mạng (trang 368), tiểu sử Lê Hồng Sơn kèm chân dung Nguyễn Ái Quốc (trang 459);
Rồi ảnh chiến sĩ tù cộng sản Nguyễn Hữu Diên trong tiểu sử La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (trang 496). Nguyễn Hữu Diên là bí danh của Nguyễn Thiếp (1894-1932), sinh sau La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp 170 năm, trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Phù Việt, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông là Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh (1930), bị mật thám bắt ở Vinh, rồi kết án 13 năm khổ sai và đày vào nhà lao Buôn Mê Thuột. Năm 1932, Nguyễn Thiếp đã trút hơi thở cuối cùng trong nhà lao này.
Xin nói thêm rằng, về tiểu sử Nguyễn Thiếp sách viết cũng sai. Các tác giả chuyển quê Nguyễn Thiếp sang Đức Thọ, Hà Tĩnh; trong khi đó, quê của ông là xã Kim Lộc, huyện Can Lộc.
Thiết nghĩ, một cuốn sách viết về danh nhân đất nước mà cẩu thả đến như vậy là điều thật đáng buồn. Hơn nữa, cuốn sách này lại đứng tên của một vị GS.VS, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban KHXH (nay là Viện Hàn lâm KHXH) Việt Nam thì càng phải ngẫm nghĩ.
GS.VS Nguyễn Duy Quý, quê huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp khoa Triết học trường ĐH Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô cũ). Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII (1991-1996), khóa VIII (1996-2001), Đại biểu Quốc hội khóa IX (1992-1997), khóa X (1997-2002), Tiến sĩ khoa học (1987), giáo sư Triết học (1988), Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga. Cử nhân Nguyễn Trọng Đệ quê xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tốt nghiệp khoa Văn trường ĐHSP Vinh (tỉnh Nghệ An). Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục tỉnh Nghệ An, Ủy viên BCH Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam khóa 2. |
Khải Đăng
http://nongnghiep.vn/rau-no-cam-kia-post148277.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét