Tư liệu trực tuyến và chính thức từ trang của Học viện Khoa học Xã hội.
---
Ngày 29 tháng 3 năm 2016, Học viện Khoa học xã hội tổ chức Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Ngô Vũ Hải Hằng về đề tài: “Hoạt động kinh tế thời Mạc (1527-1592)”; Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam; Mã số: 62 22 03 13; Người hướng dẫn khoa học:PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ và PGS.TS. Hà Mạnh Khoa.
PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật-Trưởng khoa Khoa Sử học,
thay mặt Học viện Khoa học xã hội tặng hoa cho nghiên cứu sinh
Với mong muốn góp phần nhận thức sâu sắc hơn về nhà Mạc, đánh giá khách quan hơn về thực trạng và những thành quả đạt được trên lĩnh vực kinh tế trong sự phát triển chung của đất nước thời kỳ Vương triều Mạc, nghiên cứu sinh Ngô Vũ Hải Hằng chọn đề tài “Hoạt động kinh tế thời Mạc (1527-1592)” để thực hiện luận án tiến sĩ.
Luận án được cấu trúc thành 5 chương: Chương 1: Nguồn Sử liệu và Tổng quan tình hình nghiên cứu; Chương 2: Hoạt động kinh tế nông nghiệp; Chương 3: Hoạt động thủ công nhiệp; Chương 4: Hoạt động thương mại và kinh tế đô thị; Chương 5: Đánh giá, nhận xét về các hoạt động kinh tế thời Mạc (1527 - 1592). Sau khi trình bày chương Tổng quan tình hình nghiên cứu của đề tài và trên cơ sởnguồn tài liệu thu thập được, các chương nội dung (2 ,3, 4) của luận án đã trình bày một cách tổng quát, khách quan và toàn diện hoạt động kinh tế thời Mạc trên các lĩnh vực nông nghiệp (chính sách của Nhà nước, ruộng đất, hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp...); hoạt động thủ công nghiệp (các nghề thủ công, thợ thủ công...) và hoạt động thương nghiệp (nội thương, ngoại thương, các mặt hàng xuất khẩu...). Đặc biệt, các chương nội dung của luận án đã phân tích được những thay đổi trong các hoạt động kinh tế thời Mạc: Trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, thì đó là những thay đổi trong việc thực thi các chính sách về ruộng đất;Trong lĩnh vực thủ công nghiệp có sự thay đổi về cơ cấu ngành nghề ở nông thôn. Ở một số làng, nghề thủ công đã phát triển nổi trội hơn nghề nông, tuy chưa tách hẳn khỏi nông nghiệp, nhưng nghề thủ công đó đã trở thành nghề chính của làng; Về thương nghiệp và kinh tế đô thị, luận án đã làm rõ được sự phát triển của mạng lưới chợ, hệ thống giao thông, sự giao thương buôn bán trong nước và buôn bán với các thương nhân nước ngoài. Bên cạnh đó, luận án cũng đã cho thấy được sự phát triển của kinh tế đô thị, hay quá trình đô thị hóa ở một số các thị tứ, thị trấn dưới tác động của các hoạt động thương mại và nhu cầu trao đổi buôn bán. Luận án cũng đã phân tích và đánh giá được các tác động đa chiều giữa các hoạt động kinh tế và các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội.
NCS Ngô Vũ Hải Hằng chụp ảnh lưu niệm cùng
Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện và tập thể giáo viên hướng dẫn
Chương 5 của luận án, tác giả đưa ra một số đánh giá, nhận xét về các hoạt động kinh tế thời Mạc (1527-1592):
- Tác động của bối cảnh chính trị tới các hoạt động kinh tế và đời sống nhân dân: Sau khi nhà Mạc xây dựng chính quyền, nhờ có những chính sách chấn chỉnh kinh tế, chăm lo nông nghiệp, trị thủy, khẩn hoang, mở rộng giao thương, nên đời sống người dân trong những năm đầu thời Mạc tương đối ổn định, mùa màng bội thu (khoảng từ năm 1527 đến năm 1545).
Cuộc chiến tranh nổ ra, giang sơn Đại Việt bị cắt xẻ. Mỗi thế lực phong kiến chiếm giữ một khu vực với chính sách cai trị riêng. Họ Mạc ở vùng trung châu Bắc bộ, tập đoàn Lê - Trịnh quản lý mạn nam, từ Thanh - Nghệ đến Thuận - Quảng, họ Vũ [Văn Uyên, Văn Mật và Công Kỷ] đời đời nối tiếp nhau kiểm soát miền Tuyên Quang. Tình trạng cát cứ kể trên đã làm cho đường sá tắc nghẽn, giao thông đi lại khó khăn, gây hạn chế rất lớn trong quá trình giao lưu kinh tế, mua bán đổi chác. Nhằm phục vụ tối đa cho cuộc chiến tranh, cả hai bên không từ bỏ một thủ đoạn nào để vơ vét tài vật và huy động nhân lực. Sản xuất nông nghiệp bị đình trệ do thiếu lực lượng lao động chủ yếu và do sự tàn phá của chiến tranh; người dân bị điều động trong hết thảy công việc, từ đi phu, đi lính đến nộp tô thuế. Đời sống của người dân ngày càng trở nên ngột ngạt, nhất là người nông dân. Tuy nhiên, trong lòng xã hội biến loạn ấy, đã nảy sinh được những nhân tố mới, những đốm lửa hy vọng cho một nền kinh tế phát triển nhiều thành phần.
- Vai trò của các hoạt động kinh tế trong xã hội là Mở rộng các ngành nghề trong xã hội và thúc đẩy quá trình đô thị hóa.
- Tác động của các hoạt động kinh tế đến xã hội: Cùng với kinh tế hàng hóa bắt đầu phát triển, vai trò của đồng tiền đã có tác động mạnh trong xã hội, nó “làm đảo lộn những giá trị đạo đức văn hóa theo Nho giáo”. Dưới tác động của đồng tiền, nạn tham nhũng, mua quan bán tước diễn ra ngay trước mắt. Tệ tham nhũng hối lộ ở mọi cấp độ, đặc biệt phổ biến trong nền kinh tế đô thị lúc đó đã trở thành một “quốc nạn”, “căn bệnh trầm kha”, “con đẻ tất yếu của một thể chế chuyên chế cực đoan, của cơ chế quan liêu trong đó quyền lực đẻ ra tiền bạc, được dung dưỡng bởi tâm thức thụ động, cam chịu, an phận của đa số quần chúng”.
- Tác động của các hoạt động kinh tế tới đời sống văn hóa - tín ngưỡng của người dân
Việc cúng ruộng, cúng tiền vào chùa dưới thời Mạc ngày càng được mở rộng. Tiền được sử dụng vào việc tu tạo chùa, miếu, đền... tạo nên các công trình kiến trúc văn hóa, phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Từ đó, lập lên các hội Thiện. Tác giả Vũ Duy Mền nhận định: “Hội Thiện thời Mạc biểu hiện nhiều mặt tích cực hơn mặt hạn chế. Đó là mang màu sắc nổi bật trong bức tranh xã hội nhiều màu sắc nơi làng xã”.
Theo đa số các nhà nghiên cứu, chứng cứ cho đến hiện nay cho phép khẳng định ngôi đình làng được ra đời vào thời Mạc. Đến nay, chúng ta đã xác định được 12 ngôi đình xây dựng, tôn tạo dưới thời Mạc, trong đó có 2 ngôi đình kiến trúc được xây dựng dưới thời Mạc còn khá nguyên vẹn, là Đình Lỗ Hạnh ở Đông Lỗ (Hiệp Hòa, Bắc Giang) được xây dựng năm 1576; và đình Tây Đằng ở xã Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội).
Luận án là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, 7/7 thành viên Hội đồng đánh giá cao luận án này và nhất trí thông qua.
Tin: Hải Hường
Ảnh: Tuấn Anh
http://www.gass.edu.vn/Detail.aspx?ArticleID=3070&TenBai=Bao-ve-thanh-cong-luan-an-tien-si-Su-hoc,--de-tai:-%E2%80%9CHoat-dong-kinh-te-thoi-Mac-(1527-1592)%E2%80%9D&CatdID=209&CatdIDParent=209
Họ và tên nghiên cứu sinh: Ngô Vũ Hải Hằng
Họ và tên người hướng dẫn khoa học:
1. PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ
2. PGS.TS. Hà Mạnh Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét