Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Tâm sự của một vị thủ từ đầu thế kỉ 21 (Lê Văn Hiệu, ở đình Chèm)

Thủ từ nghĩa đen là coi đình, coi đền/miếu, coi điểm thờ tự.

Mình đã vài lần qua Chèm.

Bây giờ nghe một cụ thủ từ ở Chèm tâm sự.


Lấy nguyên về từ bên bác Vũ Nho.

---


THỨ SÁU, NGÀY 15 THÁNG 4 NĂM 2016




LÊ VĂN HIỆU

          Tổng cộng thời gian đi học, đi bộ đội, chuyển ngành, làm việc Nhà nước đến năm nghỉ hưu (2009) tại quê nhà là hơn 40 năm. Khi đó, được các cụ Hội Người Cao tuổi xã Thụy Phương, các cụ Thượng hội Lão Tam xã vận động, tôi đã nhận nhiệm vụ làm Thủ từ Đình (Đền) Chèm. Từ ấy đến nay cũng đã được hơn 6 năm.
          Công việc Thủ từ không có gì thật nặng nhọc, vất vả hay phức tạp mà cứ lặp đi lặp lại, đều đặn hằng ngày, hằng tháng, hàng năm, tập trung vào 2 ngày Kỵ Thánh, 3 ngày Lễ hội và lễ đón Giao thừa. Tinh thần và nghị lực cần thiết của Thủ từ là sự thành tâm, cẩn trọng, bền bỉ, kiên trì, tỉ mỉ, chuẩn xác và đầy đủ trong việc thực hiện các nghi lễ hằng ngày, mồng 1 và rằm hằng tháng và những ngày lễ trọng nêu trên…
          Điệp khúc sáng chiêu, chiều mộ: dậy sớm thắp 16 bát hương trong đền (không dược để sót bát nào!). Kế đó pha nước (trà ướp sen thơm mát) cúng Thánh. Tiếp theo: Thỉnh chuông: 3 hồi 9 tiếng, kính báo Đức Thánh và các quan biết: một ngày mới bắt đầu. Khoảng 17h chiều, thỉnh chuông (3 hồi 9 tiếng) lần thứ hai kính báo: Ngày đã hết. Mời các Ngài nghỉ đêm! Ngày nào cũng làm như vậy, không được cách nhật, không trừ chủ nhật. Ngày sóc (mồng 1),vọng (15) hằng tháng, các bô lão tam xã sẽ làm lễ thập báiThủ từ, ngay từ sáng sớm, phải mở rộng cánh cửa nghi môn, chuẩn bị sắp lễ, gồm: nước mưa, rượu, trầu, cau. 3 ngày Lễ Hội, 2 ngày Thánh kỵ (10 tháng giêng (Thánh Ông), 2 tháng 2 (Thánh Bà) và Lễ đón Giao thừa (đêm 30 tháng chạp), Thủ từ đều có nhiệm vụ phục vụ Ban Khánh tiết tổ chức các nghi lễ theo truyền thống.

          Vinh dự được làm việc đền, ngày đêm hầu Thánh, với tư cách một Thủ từ, tôi đã có nhiều dịp tiếp đón nhân dân làng Chèm, nhân dân tam xã cùng rất nhiều quý khách tới lễ Thánh, tham quan, chiêm bái Đình Chèm. Những cuộc tiếp xúc, đón khách ấy đã để lại trong tôi không ít cảm xúc, suy tư, tâm sự mà tôi muốn giãi bày đôi chút dưới đây cùng các đồng nghiệp và bạn đọc trong CLBTV Hương Chèm.
                                                              ***
          Điều đầu tiên tưởng chừng như đã quá quen thuộc, vậy mà càng ngày càng được thức nhận sâu đậm hơn trong nhận thức của một con dân làng Chèm:
          - Đình làng ta đẹp thật!
          Đẹp về vị trí địa lýĐẹp về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, trang trí.
          Đình được xây dựng gần bờ Nam sông Hồng, phiá ngoài đê bao. Phong cảnh hữu tình, trên bến dưới thuyền nhộn nhịp, tàu bè qua lại ngày đêm. Ở Hà Nội, có lẽ những ngôi đình (đền) có vị trí đắc địa như đền Chèm là rất hiếm. Mặt đình hướng chính Bắc, do Cao Biền, thầy điạ lý (phù thủy) nổi tiếng người Trung Hoa, đời Đường chọn đặt theo trục Hoàng đạo (Bắc – Nam) từ Tiền nghi môn (Tứ trụ) – Nghi môn (Tàu tượng) – sân đình – Phương đình (Tiền tế) - Đại bái - tới Hậu cung. Hai bên sân đình là hai nhà Tả mạc, Hữu mạc (tiếp khách), bên cạnh là 2 Tiểu phương đình(nhà vuông nhỏ, 4 mái uốn đầu đao, 4 cột xây gạch Bát Tràng, để trống cả 4 mặt, trong dựng bia đá, ngày Lễ Hội, quây kín màn đỏ, làm lễ mộc dục bài vị Thánh Ông, Thánh Bà); kế đến nhà Phương đình (Tiền tế, nhà vuông, 8 cột vuông gạch Bát tràng đỡ 8 mái uốn cong đầu đao, đắp rồng cuộn, nối với toà Đại bái), nền cao bằng nền tòa Đại bái). Một quần thể kiến trúc trung đại gồm 6 đơn nguyên kết nối, nối tiếp, liên kết chặt chẽ, linh hoạt đến mức hài hòa, hoàn hảo.
          Nếu đứng trên đê sông Hồng, nhìn suốt từ Hậu cung qua tòa Đại bái tới Tàu  tượng, Tứ trụ, ta sẽ có cảm giác như đứng trước một hệ thống cung điện của các bậc vua, chúa xưa. Có khách vãng lai bày tỏ với sự tò mò của mình:
           - Đi qua, thấy quần thể kiến trúc này tuyệt đẹp, nên ghé vào thăm. Xin hỏi cụ: đây là chùa hay đình ạ?!...
          Đó là một trong những căn cứ thực tiễn để tôi kiến nghị với Ban Khánh tiết, Ban Quản lý di tích lịch sử của xã dựng bức cuốn thư bằng đá, đặt  trước cửa nách vào đình. Thạch cuốn thư, mặt trước giới thiệu tóm tắt lịch sử Đình Chèm (khắc chữ Quốc ngữ). Mặt sau khắc văn bản dịch ra chữ Trung quốc và chữ Anh; chưa hoàn thành).
          Năm 1915, vỡ đê, đoạn xã Liên Mạc. Đình Chèm trở nên trũng, thấp, nằm giữa hai làn đê quai. Nguy cơ úng lụt càng nghiêm trọng. Để khắc phục vấn nạn này, năm 1916, dân - chính ba làng đã có sáng kiến tổ chức và thi côngkiệu – nâng toàn bộ quần thể đình lên cao hơn so với nền đình trước đó 6 thước (2, 4m), hoàn toàn bằng bằng phương pháp thủ công. Tiến sỹ Nghiêm Xuân Quảng, người xã Tây Mỗ, cùng huyện Từ Liêm, viết văn bia ghi lại sự kiện thần kỳ này.
          Đọc kỹ các văn bia tại Đình Chèm, trong tôi nảy những băn khoăn chưa có lời đáp. Chẳng hạn: - Tại sao sau khi tu tạo lại đền (Triệu Xương dựng), Cao Biền đã đặt tên là: Đền thờ Lý Hiệu úy mà ngày nay ba dân lại gọi là Đình? Hầu hết làng Việt cổ nào chẳng có 1 ngôi đình riêng của làng mình?! Làng Chèm ta từng có tới 2 ngôi Đình: Đình Ngoài (ngoài đê) chính là Đền Lý Hiệu úy ta đang nói tới và Đình Trong (trong đê, giữa làng, thuộc TDP Đình ngày nay), bên cạnh Ao Đình; đã bị dỡ bỏ đầu những năm 60 thế kỷ trước. Ngày nay, thuộc khuôn viên Trường Mầm non Thụy Phương). Cách sử dụng từ ngữ trong văn bia có lẽ cũng thể hiện băn khoăn ấy của chính người khắc? Nhan đề văn bia: dùng từ Đình). Nội dung cụ thể hầu hết lại dùng Đền?! Phải chăng điều đó phản ánh thói quen – tập quán dùng từ của cư dân ba làng nói riêng, người Hà Nội nói chung?!
          Kiến trúc tòa Đại bái khá đặc biệt, độc đáo. Đó là 2 tòa nhà 5 gian, 2 dĩ, nối liền với nhau bằng hệ thống xà ngang thay hai hàng cột phụ (xà nách). Trên các xà nách đó là hệ thống máng hứng nước mưa đúc bằng đồng, đặt dốc: đỉnh ở giữa thấp dần về 2 phía Đông – Tây, dẫn nước mưa chảy ra 2 phíá ngoài đầu hồi. Tòa Đại bái còn có 2 tên gọi khác: Nhà Tiền tế, Đình Trung. Một không gian kiến trúc rộng, thoáng, phục vụ tốt cho những cuộc tế lễ đông người.
          Trang trí, điêu khắc câu đầu, con đội (gỗ)… có 2 điều độc đáo. Thể hiện ở câu đầu và phiá trên 2 vì gian giữa: theo nguyên tắc Phi đối xứng (ngược với trang trí kiến trúc nhiều đình, đền chùa cổ ở Hà Nội). Câu đầu, 1 bên chạm tích: Cá vượt vũ môn; bên kia chạm hình tượng con Nghê (Kỳ lân, 1 trong Tứ linh). Phiá trong câu đầu là 1 kiến trúc vào loại tuyệt tác. Một chạm tích Long cuốn thủy (Rồng lấy nước); và hình tượng phượng cuốn thi (bài thơ chữ Hán theo thể Thất ngôn bát cú Đường luật. Bên kia chạm Tứ linh (long, ly, quy, phượng).
          Hiện nay, hình ảnh Tứ trụ (nghi môn ngoại – 4 cột đồng trụ vuông, xây  gạch, trát xi măng, đắp nổi câu đối chữ Hán trang nghiêm, hùng vĩ, sừng sững trước Gảnh Đình, đã được UBND quận Bắc Từ Liêm sử dụng làm hình ảnhbiểu trưng cho lịch sử - văn hóa quận.
          Theo suy nghĩ cá nhân, có lẽ quyết định này chưa thật chuẩn xác! Bởi lẽ, hầu như trước đình, đền nào đều chẳng có Tứ trụ?! Nhưng không có đình, đền nào có bức gỗ chạm khắc đẹp và độc đáo như ở Đền Chèm! Nên chăng, chọn hình ảnh bức chạm khắc gỗ này làm biểu tượng chung cho lịch sử, văn hóa quận Bắc Từ Liêm?! Sẽ hợp lý hợp tình hơn!
          Năm 2013, một người Thụy Sỹ gốc Việt, làm Dự án kinh tế tại Đà nẵng, được người bạn Việt dẫn đến thăm viếng Đình Chèm. Tôi đã giới thiệu và hướng dẫn người khách quý phương xa ấy chụp một số hình ảnh đẹp, ấn tượng cả bên trong và khuôn viên Đình. Trước khi ra về, người khách lại ngợi ca:
-         Ngôi đình này đẹp quá! Cổ kính quá! Tôi muốn mang những hình ảnh vừa chụp về tặng một số bạn thân tại Giơnevơ để họ hiểu thêm về đình cổ Việt Nam, về Đình Chèm!
-         Chúc anh lên đường may mắn và sẽ thực hiện hoàn hảo ý định tốt đẹp của mình! Tôi nói lời tiễn biệt.
          Trong những năm gần đây, Đình Chèm và Lễ Hội Đình Chèm được các kênh truyền hình TW, truyền hình Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều tuyên truyền, giới thiệu quảng bá thành những phim tài liệu chuyên đề đặc sắc. Các trường đại học KHXH&NV (khoa Sử), đại học Văn hóa, đại học Mỹ thuật CN… đều đưa sinh viên về Đình Chèm để học tập, khảo sát thực tiễn hoặc thực tập chuyên môn… Cho tới nay, đã có 2 luận văn Cử nhân (2002), Thạc sỹ (2014) được bảo vệ thành công.
          Gần đây, UBND phường Thụy Phương, UBND quận Bắc Từ Liêm đã trình văn bản lên các cấp có thẩm quyền công nhận Lễ hội Đình Chèm là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới (tương tự như di sản Lễ hội Phù Đổng) để từ đó đề nghị công nhận Di sản Đình Chèm và Lễ hội Đình Chèm là Di sản Quốc gia đặc biệt!
          Nhận thức càng ngày càng rõ, càng sâu trong tôi là:
          Đình Chèm linh thiêng lắm! Thánh Chèm linh thiêng lắm!
          + Chính sử Việt nhiều lần ghi chép việc Đức Thánh Lý phù hộ các vương triều Trần, Lê đánh thắng giặc ngoại xâm. Ngài giúp Cao Biền đánh thắng quân Nam Chiếu; báo mộng cho danh tướng Trần Nguyên Hãn, chỉ đường cho ông và Nguyễn Trãi vào Lam Sơn, Thanh Hóa phò trợ Bình Định vương Lê Lợi bình Ngô phục quốc… Văn bia Đình Chèm từng miêu tả và tổng kết:
          “Đến nay, đã mấy ngàn năm mà oai linh Ngài còn đầy ắp non Tản, sông Hồng. Tục ngữ có câu: Mảnh ngói vua Chèm, đủ biết Đền Ngài linh ứng lắm!”
          + Truyền ngôn vùng Chèm kể rằng, trước đây, con đường đê chạy qua trước Nghi môn ngoại. Tượng Cụ Sứ (Nguyễn Văn Chất), Quản mã của Đức Thánh được đặt cạnh chiến mã. Người qua đây, nhìn thấy bia đá khắc hai chữHạ mã (xuống ngựa) đều phải xuống ngựa, xe, kiệu, bỏ mũ, nón. Ai trót quên, hay trái lệnh đều bị Cụ quở phạt. Thời vua Lê - chúa Trịnh có vị Chúa về lễ Đình biết chuyện này, đã cho phép dân làng chuyển dịch tượng Cụ Sứ vào đặt trong gian cung nhỏ ở tòa Đại bái như vị trí hiện nay.
          Trong 6 năm làm Thủ từ, tôi đã được chứng kiến một số việc linh ứng kỳ lạ. Xin lược chuyện như sau:
          + Năm 2014, ông Trưởng đoàn họ Trần (Nam Định) dẫn con cháu tới Đền Chèm lễ Thánh. Ông nói với tôi rằng ông được cụ Tổ họ Trần báo mộng rằng ông được Ngài cho về Đình Chèm hầu hạ Đức Thánh. Con cháu nên lên Đền lễ tạ ơn.
          + Năm 2015, một cháu gái 18 tuổi nói với tôi, rằng cháu được Đức Ông báo mộng, hỏi tại sao thường đi qua sau đình mà không vào lễ? (Cháu quê trên huyện Đan Phượng, thường đi chợ qua đoạn đê sau đình). – Cháu còn nhớ mơ thấy Cụ nào không? Rồi tôi dẫn cháu đi thăm lần lượt tượng cụ Quản Tượng, Thánh Ông, Thánh Bà, Lục vị vương…, cháu đều lắc đầu… Đến khi  mở cung Cụ Sứ, thì cháu chợt ồ lên:
          - Cụ này! Vâng! cháu mơ thấy chính Cụ này báo mộng!
          + Một số cháu nhỏ theo ông bà, cha mẹ vào lễ Đình, không rõ có để sơ xảy gì hoặc  chẳng may gặp lúc  các Ngài đi về…? mà tới tối, đêm các cháu cứ quấy, khóc, giật mình, không ngủ. Cha mẹ, ông bà kíp thời sửa lễ ra đình bái tạ, thì trẻ dứt quấy khóc, lại ngủ ngon?!
          + Có không ít người lớn ốm đau bất thường, thành tâm sửa lễ ra đình cầu Ngài phù hộ, cũng khỏi?!
          + Năm ngoái, có đôi vợ chồng dắt theo một cháu trai 3 tuổi kháu khỉnh, bụ bẫm vào lễ Đình. Bố mẹ cháu nói với tôi: - Cháu chính là kết quả sau lần hai vợ chồng vào lễ Đình, cầu Thánh ban cho. Nay chúng tôi đưa cháu lên Đền làm lễ tạ ơn.
          + Xưa nay, làng Chèm có tục mỗi khi làm nhà mới, cưới hỏi con gái, con trai hoặc trước mỗi chuyến đi xa… đều sửa lễ ra đình, cầu Thánh phù hộ cho mọi việc được hanh thông, suôn sẻ.
          + Phong tục bán khoán trẻ con cho Đức Thánh, phong tục cầu tự Thánh ban con trai; mong Ngài thương tinh tình phù hộ cho đứa trẻ khỏe mạnh, hay ăn, chóng lớn. Sau này lớn lên, phương trưởng, làm ăn thành đạt, thì làm lễ tạ ân, xin trả khoán
          Hầu hết những chuyện ấy, tôi đều nghe thực tận tai, nhìn thực tận mắt, cố sức đào sâu suy xét, vẫn không sao lý giải được nguyên do?! Chỉ biết gật đầu, tấm tắc:
-         Đình làng mình thiêng thật! Thánh Chèm ta linh thật!...

          Xin kể thêm 2 chuyện mới nhất:
          + Tháng 4 năm 2013, ông Nguyễn Đức Thái,  hậu duệ đời thứ 15 của cụ Tể tướng Nguyễn Công Thái (1684 – 1758) có tới Đình Chèm lễ Thánh và tặng tôi cuốn sách biên khảo: Tể tướng Nguyễn Công Thái và họ Nguyễn làng Kim Lũ – Hà Nội (Tác giả Hoàng Giáp – Nguyễn Đức Thái; NXB Lao động, 2010). Trong câu chuyện trao đổi về Đền Chèm và Thánh Chèm, ông Thái có kể 1 tình tiết hữu quan, bất ngờ và thú vị: Hiện nay, tại khu lăng mộ thờ Tể tướng Nguyễn Công Thái có một ngôi mộ được gọi là mộ Cụ Chèm. Theo truyền thuyết trong họ, trong làng, cụ Chèm hồi ấu thơ khôi ngô, đĩnh đạc, thông minh, anh tuấn hơn người. Hơn 10 tuổi, được theo cha về dự Lễ hội Đình Chèm, cụ đã mạnh dạn góp ý, đề nghị  sửa chữa Chúc văn  do cụ Tế chủ làng Chèm soạn. Khi về nhà, lại bị phụ thân răn mắng nghiêm khắc, cụ bực bội mà quy tiên! Cụ được bà con dòng tộc chôn cất trong khu mộ họ. Mộ cụ, từ đó gọi là mộ Cụ Chèm. Tôi băn khăn tự hỏi: liệu đây có phải là hiện tượng tái sinh – đầu thai trong quy luật Phật giáo nhân – quả, tái sinh hay không? Một số cụ cao tuổi ở phường Thụy Phương nghiêng theo ý kiến cho rằng, đây cũng chỉ là sự việcbán khoán trẻ con cho Thánh Chèm, hoặc theo tục Cầu tự, như đã nói ở trên…mà thôi!
          + Một chuyện tâm linh khó hiểu, hữu quan khác: Ông Nguyễn Văn Hiếu, nguyên cán bộ UB UNESCO Việt Nam, sau chuyến tham quan ngôi chùa thờ Đức Phật Thíchca Mâuni (Như Lai Phật tổ) tại vùng giáp ranh giữa Ấn Độ và Nê pan, ông Hiếu xin nghỉ việc Nhà nước, ra ngoài thành lập một Đạo tràng, quy tụ những người có Tâm với Phật. Ông thường tổ chức những đàn lễ tại các chùa, đình ở Việt Nam. Năm 2014, ông tới lễ Đình Chèm, xin phép Ban Khánh tiết và  Ban Quản lý Đình được lập một Đàn tràng cúng Phật trong 4 ngày tại Đình Chèm. Ngày thứ tư – cuối cùng, tổ chức lễ Phóng sinh: thả 4 tạ cá chép sống xuống sông Hồng tại Gảnh Đình, mời Cái Giang Long vương (Thủy thần sông Cái) lên nhận con cháu. Tôi cũng được mời tham dự cuộc lễ trọng thể này. Trong xướng văn nghi lễ, ông Hiếu hô tên Đức Thượng đẳng Thiên tướng (?!); Trong khi xướng văn nghi lễ tại Đình Chèm thường hô là: Thượng đẳng Thiên vương (!?). Đức Thánh Chèm hiển linh qua đệ tử - một cô gái trẻ trong đoàn Đạo tràng). Tôi mạnh bạo xin Ngài cho lời đánh giá, nhận xét về phẩm cách của những người đang phục vụ Nhà Thánh tại Đình Chèm hiện nay. Ngài (qua miệng nữ truyền nhân), trả lời  rằng:
           - Họ đều là quân cơ của  ta, đều là người tốt!
                                                              ***
          Qua 6 năm làm Thủ từ Đình Chèm, phục vụ Đức Thánh, ngoài những việc, chuyện được biết qua sử sách, văn bia, truyền thuyết… còn có một số việc mang nặng màu sắc tâm linh huyền hoặc mà tôi đã được nghe kể, hoặc chứng kiến về Đình Chèm, Thánh Chèm, Lễ hội Đình Chèm như đã nêu vắn tắt trên. Mục đích cốt giãi bày tâm tư, tâm sự, chia sẻ để nhiều người cùng biết, ngõ hầu tìm thêm lời phân tích, lý giải, trao đổi để tìm ra lời đáp thỏa đáng, có lý có tình, hiểu rõ thêm về vẻ đẹp, chiều sâu tư tưởng, văn hóa – lịch sử của Đình Chèm, Thánh Chèm, Lễ hội Đình Chèm, với những tín ngưỡng truyền thống thiêng liêng của ba dân Chèm, Hoàng, Mạc, trong hệ thống tín ngưỡng dân gian nói chung của người Việt./.

Trước Lễ hội Đình Chèm năm Bính Thân, 10/4/2016. 


TTĐC LVH

http://vunhonb.blogspot.com/2016/04/tam-tu-thu-tu.html?showComment=1460721617166#c5392332789293650844














Chuyên ngànhVăn hóa học
 
Tên đề tài: GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐÌNH CHÈM
(Xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội)

Tác giả: TRẦN THỊ  THÚY HÀ
Hướng dẫn khoa học: Tiến sỹ Phạm Thị Thu Hương
+ Đã bảo vệ thành công tại HĐCLANN, Trường Đại học Văn hóa, Hà Nội; Bộ GD&ĐT – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tháng 10/2014.

            Đây là công trình nghiên cứu khoa học thứ 2, chuyên đề về Đình Chèm – một luận văn Thạc sỹ. Công trình đầu tiên là: Tìm hiểu di tích Đình ChèmKhóa luận tốt nghiệp Đại học Văn hóa, chuyên ngành Bảo tàng. Tác giả: Sinh viênNguyễn Thị Thanh Hoa (2002).
            Luận văn dài 123 trang in A4, với danh mục 59 đơn vị Tài liệu tham khảo. Ngoài 3 phụ lục: bản đồ, tranh ảnh vềĐình Chèm và Lễ hội Đình Chèm; văn bản gồm phần Mở đầu (7 mục), phần Kết luận (4 điểm); phần Nội dung chính kết cấu thành 3 chương:
            Chương I: Tổng quan về làng Chèm và di tích Đình Chèm (20 trang) phân giải những đặc điểm cơ bản về làng Chèm – xã Thụy Phương trên các bình diện: Điều kiện tự nhiên, Dân cư, Đời sống kinh tế - xã hội và văn hóa. Tổng quan về lịch sử xây dựng và quá trình tồn tại của Đình Chèm; Lịch sử về nhân vật được thờ: Đức Thánh Lý Ông Trọng. Tiểu kết.
            Chương II (Trọng tâm) Giá trị văn hóa vật thể của Đình Chèm (38 trang) phân giải và nhận xét khái quát hệ giá trị trên các bình diện: Nghệ thuật kiến trúc; nghệ thuật điêu khắc, Một số di vật tiêu biểu (bằng gỗ, đồng, đá, giấy…); Vấn đề bảo vệ và phát huy các giá trị trên. Trên cơ sở tái hiện và phân tích, đánh giá thực trạng, người viết đưa ra một số giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị. Tiểu kết.

            Chương III (Trọng điểm): Giá trị văn hóa phi vật thể của Đình Chèm (44 trang). Theo tác giả giá trị văn hóa phi vật thể của Đình Chèm hiển hiện đặc sắc ở: Lễ hội Đình Chèm (Ý nghĩa, Thời gian và địa điểm tổ chức; Các việc chuẩn bị, Diễn trình lễ hội); Một số phong tục và lễ nghi khác (Kỵ nhật Nhị Thánh, Thờ cúng gia tiên, Tục tránh đường…; Diễn giải vấn đề Những biến đổi của Lễ hội Đình Chèm trong thời gian lịch sử (về không gian, nghi lễ, trò diễn, trò chơi; về thành phần tổ chức và tham gia Lễ hội)
            Luận văn bản giải sâu rộng hơn vấn đề Các lớp văn hóa tích hợp trong thần tích và Lễ hội Đình Chèm (Lớp văn hóa Thần thoại về thần Khổng lồ, tín ngưỡng thờ thần Thủy và thần Trị thủy, lớp văn hóa Nông nghiệp, Nho giáo, Phật giáo, lớp văn hóa thờ cúng tổ tiên…)
            Tiếp tục nêu vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của di tích Đình Chèm trên cơ sở phân tích thực trạng hiện tồn và đề nghị giải pháp tổng thể và cụ thể. Tiểu kết.
            Phần Kết luận chung và khuyến nghị (4 điểm), (4 trang).
                                                        ***
            Trong tầm mức, phạm vi của một luận văn khoa học Thạc Sỹ chuyên ngành Văn hóa học, theo Kết luận của HĐGK, luận văn là một công trình nghiên cứu khoa học chuyên biệt công phu, trung thực, có một vài khám phá về chuyên môn, có đóng góp nhất định trong lịch sử nghiên cứu về di tích Đình Chèm và Lễ hội Đình Chèm ở nước ta. Luận văn không chỉ tập hợp, hệ thống hóa, phân tích tư liệu, khái quát di tích Đình Chèm một cách sâu sắc, toàn diện; Tìm hiểu giá trị văn hóa hai mặt (vật thể, phi vật thể) của di tích Đình Chèm, Lễ Hội Đình Chèm để khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chúng trong đời sống cộng đồng cư dân Việt Nam đương đại. Đặc biệt, luận văn đề xuất một số kiến nghị, góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa của Đình Chèm, Lễ Hội Đình Chèm trong thực tiễn, trên các phương diện văn hóa nghệ thuật, đời sống tâm linh và giáo dục truyền thống. Cuối cùng, luận văn tiếp tục góp phần vào việc hoàn thiện bộ hồ sơ về di tích Đình Chèm (hiện đang lưu giữ tại Cục Di sản Văn hóa Việt Nam, bộ hồ sơ tiếp tục đề nghị UNESCO công nhận Lễ hội Đình Chèm có giá trị văn hóa phi vật thể cao. Và di tích Đình Chèm – Lễ hội Đình Chèm được công nhận là Di sản văn hóa cấp Quốc gia (Đặc biệt). (LV, tr. 6).
            Luận văn là một tập sách tham khảo hữu ích và đáng tin cậy cho tất cả những ai yêu mến, muốn tìm hiểu sâu, kỹ về di tích Đình Chèm và Lễ hội Đình Chèm.
            (Bạn đọc, khách thập phương có nhu cầu đọc trích hoặc toàn văn, xin mời tới Đình Chèm, gặp ông Thủ từ Lê Văn Hiệu (người đang sở hữu 01 văn bản) mượn đọc hoặc foto.)
            Ý nghĩa khoa học, thực tiễn, xã hội, văn hóa và giáo dục của luận văn này, là ở đó.
            Trong khuôn khổ số trang có hạn của tập Đặc san Hương Chèm 7, BBT chúng tôi trích in phần Kết luận chungcủa Luận văn để bạn đọc tham khảo và bình luận.

            “ Đình Chèm xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội (từ 1/4/2014 là phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một di tích lịch sử - văn hoá có giá trị cao của Thủ đô Hà Nội nói riêng, của Việt Nam, nói chung.
                1. Về giá trị văn hóa vật thể:
            Trải qua hàng trăm năm, Đình Chèm bất chấp các biến động khốc liệt của thời gian và khí hậu, vẫn giữ được một di tích lịch sử - văn hóa truyền thống quý hiếm, độc đáo.
  Thứ nhất, đó là một kiến trúc có vị trí độc đáo, hướng mặt ra sông Hồng để thực hiện chức năng trị thủy hiệu quả của Đức Thánh Chèm. Đình Chèm có một kết cấu mặt bằng chưa từng gặp ở bất cứ một di tích nào khác tương tự từ thời Nguyễn (Ví dụ: Tại Hà Nội, đền Bạch Mã (quận Hoàn Kiếm) có  2 tòa kiến trúc chính: Đại bái và Hậu cung, được xây dựng thời Minh Mạng – Tự Đức (1820 – 1848); Đền Bà Kiệu (quận Hoàn Kiếm) với 3 tòa Tiền tế - Trung tế - Hậu cung, xây năm Tự Đức thứ 17 (1864); Đền Đồng Cổ (quận Ba Đình) kết cấu nội công ngoại quốc (xây đầu thế kỷ 19), ĐềnHỏa thần (quận Hoàn Kiếm) với 2 tòa Tiền tế - Hậu cung, Đền Voi Phục (Cầu Giấy) kết cấu chữ công, xây sau năm 1954, các đền Vạn Phúc, (Ba Đình), đền Hòa Mã (Hai Bà  Trưng)… đều kết cấu chữ Công, xây năm 1935. Điểm qua để thấy sự khác biệt các kiến trúc trên với kiến trúc Đình Chèm. Các kiến trúc trên hầu hết chỉ từ 2 – 3 đơn nguyên theo kiểu chữ công hoặc chữ tam. Trong khi Đình Chèm có 2 cụm chính. Mỗi kiểu 1 kiểu kết cấu. Các cụm nối liền nhau bởi6 đơn nguyên liền mạch 1 trục dài tạo nên tính trùng điệp và tính thâm nghiêm trong mục đích thờ phụng Đức Thánh. Điều đó là duy nhất, không thấy lần thứ 2 trong tất cả các đình, đền khác ở Việt Nam.
  Thứ hai, Trên mặt bằng độc đáo nói trên, nghệ nhân thỏa sức thi triển tài năng sáng tạo qua nghệ thuật kết nối 2 khung nhà Đại bái với Hậu cung. Tất cả được thực hiện một cách tài tình, khéo léo, không 1 tì vết; dù kiến trúc tổng thể đã được thay đổi, tu bổ vào nhiều thời kỳ khác nhau.
  Thứ ba, Đình Chèm thể hiện trình độ điêu khắc và kiến trúc trang trí rất cao. Kỹ thuật chạm nổi, chạm thủng kết hợp nhuần nhuyễn với kỹ thuật chạm bong kênh khiến các hình chạm vô cùng sinh động. Các hình chạm trang trí ở đây không thể hiện nhân vật mà là các linh vật (chủ yếu đề tài: Tứ linh). Chủ đề này xuyên suốt tổng thể kiến trúc nhưng cách diễn tả rất đa dạng. Mỗi vị trí một kiểu, mỗi nơi 1 tư thế. Đặc biệt đề tái Tứ linh kết hợp nhuần nhuyễn với huyền tích Cá vượt vũ môn. Đặc biệt, tổ hợp hoa văn chạm kiểu hình thức ngai thờ hay tượng Thánh Ông và Thánh Bà có kích thước lớn, rất hiếm gặp ở các di tích khác.
            2. Về giá trị văn hóa phi vật thể:
            Lễ hội Đình Chèm là một trong những lễ hội lớn bậc nhất của Thủ đô Thăng Long – Hà Nội xưa. Dù đã trải qua biết bao thăng trầm, biến đổi nhưng Lễ hội Đình Chèm vẫn còn bảo lưu dược nhiều yếu tố xưa, liên quan đến truyền thống tốt đẹp, lâu đời của nhân dân địa phương. Đó là những nghi lễ, nghi thức tưởng nhớ công ơn đánh giặc giữ nước; các nghi lễ, nghi thức nhớ công ơn giúp dân xây dựng làng xóm của Đức Thánh Chèm. Các nghi lễ, nghi thức liên quan tới việc cầu mưa, cầu được mùa. Cư dân vùng Chèm, Lễ hội Đình Chèm còn giữ được những phong tục tiêu biểu, mang đặc trưng riêng, liên quan đến Đức Thánh Chèm và vùng đất Chèm cổ.
            Tất cả phần nào phản ánh Đức Thánh Chèm là hậu duệ của thần Khổng lồ xưa ở vùng Chèm. Điều đó chứng minh rằng vùng đất Chèm xưa có lịch sử văn hóa lâu đời, có vị trí quan trọng trong quá trình tạo lập và xây dựng kinh đô Thăng Long sau này.
            3. Di tích Đình Chèm và Lễ hội Đình Chèm là một tổng thể di sản quý hiếm. Nó ánh lên niềm tự hào; biểu trưng cho lịch sử văn hóa vùng Chèm, làng Chèm và Thủ đô Hà Nội. Di tích đã được tôn sùng và thờ phụng trải hơn 2000 năm lịch sử. Chiến tích oai hùng của Lý Ông Trọng đã được nhân dân làng Chèm so sánh với chiến công kỳ vĩ của Phù Đổng Thiên Vương. Nhân dân làng Chèm còn thấy tự hào hơn vì chiến công của Lý Thánh Ông - người Việt, được người Trung Hoa khâm phục và tôn thờ. Bởi thế, Đình Chèm chính là nơi linh thiêng, giáo dục truyền thống dân tộc một cách tốt nhất cho các thế hệ trẻ. Như lời văn bia dựng trong nhà Tiểu Phương đình:
            Nhờ có sử chép mới tỏ là con Lạc cháu Hồng. Nòi giống mình vẫn là giỏi khi mấy ngàn năm trước đã có đấng phi thường lập công ngoại quốc. Sự vẻ vang ấy lưu truyền tới bây giờ. Nhờ có đền thờ mới biết những bậc anh hùng, chẳng những người nước mình sùng bái mà các quan nước ngoài: ông thời làm, ông thời sửa. Các khách ngoại thương cũng đều đến xem lễ đền, mới tỏ sự sùng bái ấy là công lý. Khắp trong hoàn cầu có sử chép, có đền thờ, lại phải có bia khắc để bổ thêm vào chính sử mà cổ tích mới lưu truyền.
            4. Di tích Đình Chèm và Lễ hội Đình Chèm là một pho sử sống động về lịch sử văn hóa khu vực Chèm xưa và nay trong bộ sử Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Nó rất cần thiết được bảo tồn lâu dài để các thế hệ nhân dân chiêm bái. 200 năm đã trôi qua, với bao biến cố bất thường, Đình Chèm vẫn trang nghiêm tọa lạc bên sông Hồng như một chứng nhân bất tử cho truyền thống văn hóa quê hương. Để bảo vệ di tích, người xưa đã không ngừng tìm cách tu tạo với nhiều giải pháp hữu hiệu. Tư liệu còn lại tại Đình Chèm cho hay, chỉ trong khoảng 300 năm đã có 20 lần chính quyền và nhân dân địa phương tích cực tham gia bảo vệ, trùng tu di tích. Sự kiện nâng - kiệu Đình Chèm năm 1916, lên cao 6 thước (2,4m) để chống lụt, chỉ bằng giải pháp thủ công… là một trong những sự kiện nổi bật nhất của lịch sử Đình Chèm.
            Phát huy truyền thống sáng tạo đó, ngày nay, chúng ta cần cố gắng bảo vệ, giữ gìn tốt hơn nữa những gì hiện có của di tích, cả vật thể, cả phi vật thể. Tích cực nghiên cứu, khôi phục, bổ sung thật đầy đủ các giá trị văn hóa - xã hội cuả Lễ hội Đình Chèm mà những gợi ý, đề xuất cuả tác giả luận văn này cũng là những ý kiến chân thành, tâm huyết. Với hy vọng tha thiết:
            Vật đổi sao rời, đê sông đã nhiều phen muốn lở, mà Tứ trụ Đền Ngài vẫn trang nghiêm như cũ! (Bi ký Đình Chèm)
            Làm được như thế là chúng ta đã bảo vệ, bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị lịch sử - văn hóa to lớn củaĐình Chèm – Lễ hội Đình Chèm”./.


(Trích Luận văn (TLĐD, tr. 114 – 117). ĐV tuyển trích, giới thiệu; 6/4/2016)

http://vunhonb.blogspot.com/2016/04/gia-tri-van-hoa-inh-chem.html#more

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét