Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Từ Minh Thệ (Hải Phòng) đến Tuyên Thệ ở cấp Quốc gia (từ 2016)


Trích một phát biểu của quan chức phía chính phủ/quốc hội về Tuyên Thệ 2016, như sau (xem toàn văn ở tư liệu đánh số 2):

"Tổng thư lý Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe để hoàn thiện cho các kỳ sau. Riêng 3 chức danh tuyên thệ trong những ngày tới vẫn thực hiện như trường hợp của Chủ tịch Quốc hội.

Ông đính chính đây chỉ là lần đầu sau 70 năm Quốc hội có nghi lễ tuyên thệ. "Năm 1946 bác Hồ đã tuyên thệ rồi. Khi ấy, Bác đứng trước lá cờ, hướng về đình Tân Trào, lá cờ ở phía sau, bác Hồ đứng trước", ông nói.
Ngày 31/3, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thực hiện nghi thức tuyên thệ khi nhậm chức. "Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó", bà nói với một tay đặt lên bìa cuốn hiến pháp màu đỏ, tay kia giơ cao hướng về hội trường."

Đã có một quá trình phát triển từ Minh Thệ tới Tuyên Thệ. Một sự chuẩn bị qua nhiều năm.

Thực sự là như vậy. Một ý tưởng xuất phát từ chính phủ đã có khoảng 5-6 năm về trước. Mình còn lưu giữ các tư liệu liên quan. Rồi là cùng đi điều tra tại Hải Phòng.

Hiện ra thành hình ảnh rõ ràng hơn là từ khi lễ hội Minh Thệ ở Hải Phòng được chú ý, rồi quảng bá hàng năm.

Dưới là một ít tư liệu.

---

5.

4.

Chủ tịch nước tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân


 - Tân Chủ tịch nước tuyên thệ "tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và với Hiến pháp..."
Sau khi công bố kết quả bầu Đại tướng Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước, ông đã thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức trước QH.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Đại tướng

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Đại tướng
Nghi thức chuẩn bị cho tuyên thệ của tân Chủ tịch nước. Ảnh: Hoàng Long
"Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước QH, đồng bào và cử tri cả nước, tôi, Trần Đại Quang, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, nỗ lực làm hết sức mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. 
Tôi xin chân thành cảm ơn QH đã tín nhiệm bầu tôi giữ chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam", tân Chủ tịch nước tuyên thệ.
XEM CLIP TUYÊN THỆ CỦA TÂN CHỦ TỊCH NƯỚC:
 

Sau khi nhận bó hoa chúc mừng chúc mừng của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu bày tỏ xúc động, một lần nữa cảm ơn QH đã tín nhiệm bầu ông giữ chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. 
"Cảm ơn QH đã dành cho tôi những tình cảm và những lời chúc mừng tốt đẹp", ông phát biểu.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Đại tướng

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Đại tướng

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Đại tướng
Ảnh: Phạm Hải
Bảo vệ vững chắc chủ quyền
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, với niềm vinh dự, trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, ông nguyện làm hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc và kinh nghiệm của các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích và an ninh quốc gia, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập, nâng cao vị thế và uy tín của VN trên trường quốc tế, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội trên thế giới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Đại tướng
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: Hoàng Long
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Đại tướng
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm đã hết lòng hết sức vì đất nước, vì nhân dân. Ảnh: Phạm Hải
"Tôi chân thành cảm ơn nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm đã có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hết lòng hết sức vì đất nước, vì nhân dân.
Xin kính tặng đồng chí Trương Tấn Sang bó hoa tươi thắm. Chúc đồng chí và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Xin trân trọng cảm ơn", Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu.
Chung Hoàng - Hồng Nhì - Duy Tiến- Ảnh: Phạm Hải
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/297398/chu-tich-nuoc-tuyen-the-trung-thanh-voi-to-quoc-nhan-dan.html



3.

Thứ sáu, 1/4/2016 | 19:05 GMT+7



Lễ tuyên thệ nhậm chức của các lãnh đạo thế giới



Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng quy định lãnh đạo phải tuyên thệ trước khi nhậm chức.


Lời tuyên thệ là một lời hứa hoặc khẳng định của một người trước khi nhận nhiệm vụ, thường là trong chính phủ hoặc cơ quan tôn giáo. Tuyên thệ có thể được thực hiện tại lễ nhậm chức, lễ đăng quang, lễ sắc phong, hoặc các buổi lễ khác liên quan đến cơ quan quản lý. Tại các quốc gia như Mỹ, Đức, Canada, Nga hay Myanmar, các lãnh đạo cấp cao nhất phải tuyên thệ trước khi đảm đương vị trí.
Mỹ

le-tuyen-the-nham-chuc-cua-cac-lanh-dao-the-gioi
Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên thệ nhậm chức năm 2013. Ảnh: AP


Lễ nhậm chức tổng thống Mỹ thường diễn ra vào ngày 20/1, hoặc ngày 21/1 nếu ngày 20 rơi vào chủ nhật. Lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama năm 2013 diễn ra vào ngày 21/1. 
Phần lớn lễ nhậm chức của các tổng thống Mỹ được tổ chức ở tòa nhà quốc hội. Tùy vào điều kiện thời tiết, buổi lễ có thể diễn ra trong nhà hoặc ngoài trời. Vào buổi trưa, chánh án Tòa án Tối cao Mỹ sẽ chủ trì lễ tuyên thệ của tổng thống.
Tổng thống Mỹ sẽ nhắc lại theo lời của chánh án: "Tôi, (tên tổng thống), trịnh trọng tuyên thệ rằng tôi sẽ đảm đương vị trí tổng thống Mỹ một cách trung thành, và sẽ làm hết khả năng để giữ gìn, duy trì và bảo vệ hiến pháp Mỹ".
Các tổng thống Mỹ thường kết thúc lời tuyên thệ bằng câu nói: "Xin Chúa hãy giúp con", tuy nhiên, câu nói mang tính tôn giáo này không bắt buộc.
Hiến pháp Mỹ không có quy định tân tổng thống phải đặt tay lên sách gì trong lễ tuyên thệ, tuy nhiên, Kinh Thánh là sự lựa chọn của nhiều nhà lãnh đạo. Ông Barack Obama đã đặt tay trái vào cuốn Kinh Thánh trong khi giơ tay phải trong lễ tuyên thệ vào năm 2009 và 2013.
Nga
Tại Nga, lễ nhậm chức của tổng thống diễn ra vào ngày 7/5. Tổng thống đắc cử sẽ đến Cung điện Kremlin qua cổng Spassky và vào hội trường Alexander. Chủ tịch Tòa án Hiến pháp của Nga sẽ mời tổng thống đắc cử bước lên bục tuyên thệ nhậm chức.
Tổng thống đắc cử đặt tay phải lên Hiến pháp Liên bang Nga và tuyên bố: "Tôi xin tuyên thệ sẽ sử dụng quyền lực của tổng thống Liên bang Nga nhằm gìn giữ và bảo vệ các quyền và tự do của nhân dân, giữ gìn và bảo vệ hiến pháp của Liên bang Nga, để bảo vệ chủ quyền, độc lập, an ninh và toàn vẹn của nhà nước, đồng thời trung thành phục vụ nhân dân".
Đức
Vào ngày nhậm chức thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ ba 17/12/ 2013, bà Angela Merkel đầu tiên đến cung điện Bellevue, nơi Tổng thống Đức Joachim Gauck trao cho bà quyết định chính thức. Sau một buổi lễ ngắn, bà đến tòa nhà quốc hội và tuyên thệ nhậm chức vào buổi trưa. Chủ tịch Quốc hội Đức Norbert Lammert là người chủ trì lễ tuyên thệ cho bà.
Bà Merkel giơ tay phải và đọc: "Tôi thề sẽ cống hiến sức lực của mình cho phúc lợi của người dân Đức, tăng thêm lợi ích cho dân tộc, ngăn cản thiệt hại cho người dân, giữ gìn và bảo vệ hiến pháp và luật lệ của Liên bang, tận tâm hoàn thành các nhiệm vụ và mang đến công bằng cho mọi người. Xin Chúa giúp đỡ con".
Canada
Thủ tướng Canada Justin Trudeau thực hiện lễ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 4/11/2015 tại Rideau Hall, nơi ở chính thức của Toàn quyền Canada David Johnston (chức vụ đại diện cho nữ hoàng Canada).
Mặc dù lễ tuyên thệ diễn ra trong nhà trước một số nhỏ khách mời, ông Trudeau đã "phá vỡ" truyền thống bằng cách mời công chúng đến sân dinh thự, và bố trí hai màn hình TV lớn để họ theo dõi buổi lễ.
"Tôi, Justin PJ Trudeau, trịnh trọng, chân thành hứa và thề rằng sẽ trung thực và trung thành cống hiến hết khả năng cùng kiến ​​thức, để thực hiện quyền hạn và đền đáp lòng tin đặt vào tôi, với tư cách là thủ tướng Canada", ông Trudeau tuyên thệ.
Myanmar
Htin Kyaw, 69 tuổi, một đồng minh của bà Aung San Suu Kyi, hôm 30/3 nhậm chức tổng thống Myanmar, đánh dấu lần đầu tiên Myanmar có tổng thống dân sự dân cử trong hơn 50 năm, theo BBC.
Ông và hai phó tổng thống tuyên thệ nhậm chức trong một phiên họp của quốc hội. "Tôi, Htin Kyaw, trịnh trọng, chân thành hứa và tuyên bố rằng tôi sẽ trung thành với Cộng hòa Liên bang Myanmar và nhân dân. Tôi sẽ tôn trọng và tuân theo hiến pháp và pháp luật. Tôi sẽ cống hiến cho Cộng hòa Liên bang Myanmar", ông nói.
Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 31/3 trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên và cũng là người đầu tiên thực hiện quy định tuyên thệ khi nhậm chức trong lịch sử Việt Nam.
Lễ nhậm chức diễn ra vào khoảng 9h15. Đặt tay trái lên cuốn Hiến pháp 2013 màu đỏ, tay phải giơ cao, hướng lòng bàn tay về hội trường, bà Kim Ngân nói: "Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó".

Phương Vũ
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/le-tuyen-the-nham-chuc-cua-cac-lanh-dao-the-gioi-3379801.html



2.

Thứ sáu, 1/4/2016 | 14:40 GMT+7



Bên cạnh một số cụm từ bắt buộc, người tuyên thệ tự quyết định nội dung còn lại để phù hợp với chức trách của mình trong vòng 3 phút.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Quốc hội / Tân Chủ tịch Quốc hội và dấu ấn 'nữ kiệt xứ dừa'


Bên lề Quốc hội sáng 1/4, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ về nghi thức tuyên thệ.

Ông cho hay việc bốn chức danh cấp cao tuyên thệ khi nhậm chức đã được quy định trong Hiến pháp và luật Tổ chức Quốc hội. Điều 70 Hiến pháp và Điều 8 Luật tổ chức Quốc hội ghi rõ: "Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao phải tuyên thệ trung thành với tổ quốc, nhân dân và hiến pháp". Như vậy, ngoài nội dung bắt buộc là Tuyệt đối trung thành với tổ quốc, nhân dân và hiến pháp, những nội dung còn lại do người tuyên thệ quyết định, miễn sao phù hợp với chức trách và thời gian không quá 3 phút.
Khi đọc những lời thiêng liêng, tay trái người tuyên thệ đặt lên cuốn hiến pháp, tay phải giơ cao. 
nghi-thuc-tuyen-the-o-viet-nam-thuc-hien-theo-quy-trinh-nao
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ trước hơn 400 đại biểu với cờ đỏ sao vàng phía sau. Đại biểu Dương Trung Quốc góp ý Đoàn Chủ tịch thay vì ngồi tại chỗ nên đứng xuống phía dưới cùng các đại biểu khác để chứng kiến nghi thức này. Ảnh: Giang Huy.

Theo ông Phúc, nghi lễ tuyên thệ sẽ được thực hiện lại với các chức danh trên sau khi được Quốc hội bầu vào kỳ họp đầu tiên của khóa 14, dự kiến vào tháng 7/2016.
Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Minh Thông đánh giá lời tuyên thệ "ngắn gọn nhưng rất trang trọng, kể cả hình thức lẫn lời văn đều đáp ứng được yêu cầu của buổi lễ".
Về nghi thức thực hiện, ông Thông cho biết sẽ linh hoạt theo từng tình huống. "Đến nay chưa có quy định cụ thể về nghi thức tuyên thệ. Chúng ta cứ làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm dần dần. Khi ổn định rồi có thể đưa vào nội quy", ông nói.
Hoan nghênh việc tuyên thệ là rất trang trọng, ý nghĩa, đại biểu Dương Trung Quốc đồng thời viết thư góp ý gửi tới Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân. Ông cho rằng một vài chi tiết cần xem lại như khi Chủ tịch Quốc hội nói trước cờ Tổ quốc thì thực tế lá cờ lại sau lưng. Phải chăng vị trí người cầm cờ nên ở phía trước để bà nhìn vào lá cờ nói thì trang trọng hơn. Chứng kiến lời thề các đại biểu nên đứng dậy và đoàn chủ tịch nên đứng xuống phía dưới cùng chứng kiến...
*Chủ tịch Quốc hội xúc động thực hiện nghi lễ 
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Bình Phước Bùi Mạnh Hùng thì đề nghị Thủ tướng khi nhậm chức sắp tới "cần tuyên thệ thể hiện quyết tâm chống tham nhũng, lãng phí một cách mạnh mẽ. Lời tuyên thệ này cũng giống như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố rõ ràng mạnh mẽ về vấn đề biển Đông".
Phản hồi ý kiến của đại biểu, Tổng thư lý Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe để hoàn thiện cho các kỳ sau. Riêng 3 chức danh tuyên thệ trong những ngày tới vẫn thực hiện như trường hợp của Chủ tịch Quốc hội.
Ông đính chính đây chỉ là lần đầu sau 70 năm Quốc hội có nghi lễ tuyên thệ. "Năm 1946 bác Hồ đã tuyên thệ rồi. Khi ấy, Bác đứng trước lá cờ, hướng về đình Tân Trào, lá cờ ở phía sau, bác Hồ đứng trước", ông nói.
Ngày 31/3, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thực hiện nghi thức tuyên thệ khi nhậm chức. "Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó", bà nói với một tay đặt lên bìa cuốn hiến pháp màu đỏ, tay kia giơ cao hướng về hội trường.
Võ Hải
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nghi-thuc-tuyen-the-o-viet-nam-thuc-hien-theo-quy-trinh-nao-3379666.html




1. Chú ý đến việc Minh Thệ được khôi phục từ năm 2002 (xem đầy đủ ở đây với tư liệu thấy còn trên mạng; dưới là một bài báo của tôi năm 2011, các bài chính thức trên tạp chí học thuật thì xuất hiện ngay sau đó):



Bài vốn đăng trên báo Kinh tế và Đô thị năm 2011.

Lễ hội Minh Thệ - Cội nguồn của tư tưởng “chí công vô tư”

KTĐT - 


KTĐT - Theo thống kê của của Cục Văn hóa Cơ sở, hiện nay, cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó tới 88% là lễ hội dân gian. Tuy vậy, trong vòng mười năm trở lại đây, chúng ta đang chứng kiến nhiều bất cập đáng ngại trong nhiều lễ hội dân gian, thậm chí, nhiều người còn bi quan cho rằng: Hình như lễ hội ngày nay chỉ cổ vũ cho mê lầm.

Nhưng thực tế, bức tranh tổng thể về lễ hội dân gian đương đại không đến mức bi quan như vậy, vẫn còn không ít lễ hội đã và đang góp phần thiết thực đẩy lùi tiêu cực, quét sạch mê lầm. Tiêu biểu là lễ Minh Thệ vẫn được tổ chức vào hàng năm tại làng Hòa Liễu thuộc xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.
Cắt máu ăn thề "không lấy của công thành của tư"
Mặc dù chưa "đứng" vào danh mục thống kê nói trên của Cục Văn hóa cơ sở, nhưng lễ hội Minh Thệ đã có lịch sử hình thành và lưu truyền khoảng 500 năm, có thể xem là một nét tinh hoa của văn hóa vùng xứ Đông.
Trước năm 1945, lễ hội Minh Thệ làng Hòa Liễu được tổ chức vào hạ tuần tháng Chạp (chính hội là ngày 24 tháng Chạp) hàng năm, tại miếu và đình. Sau năm 1945, miếu và đình bị hạ giải, lễ hội Minh Thệ bị gián đoạn một thời gian dài. Đến năm 1993, khi cụm di tích đền - chùa Hòa Liễu được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, nhân dân địa phương bắt tay phục hồi các lễ hội truyền thống. Kết quả là từ năm 2002, lễ hội truyền thống làng Hòa Liễu đã được tổ chức hàng năm vào trung tuần tháng Giêng, tại cụm di tích đền - chùa Hòa Liễu với nhiều hoạt động kế tiếp nhau: tế cáo yết, lễ Minh Thệ, đấu vật, cờ người… Trong đó, Minh Thệ là hoạt động trung tâm, là linh hồn của lễ hội.
Minh Thệ được tổ chức hết sức bài bản vào sáng 14 tháng Giêng. Người ta dựng một đài thề trước cửa đền, chiếc mũ cũ của Thành hoàng làng trước đây được đặt ở vị trí cao nhất trên đài thề. Xung quanh có hoa quả, bát hương, một con dao bầu (bọc vải điều), một bình rượu lớn (phủ vải điều) và một con gà sống (nhốt trong bu gà phủ vải điều). Trước đài thề có một vòng tròn bằng vôi trắng đường kính khoảng 2m, ở giữa có một ô đất trống, gọi là vòng thiêng. Sau khi chủ tế và các vị bồi tế (là các vị có chức sắc trong làng, mặc áo lễ màu đen) đã yên vị, chủ tế vái lạy, là lúc con dao bầu được chuyển từ trên đài thề xuống. Chủ tế cắm mạnh con dao vào điểm giữa vòng thiêng, rồi rút nó lên, vẽ một vòng tròn theo hình vòng vôi trắng, rồi lại cắm xuống điểm giữa vòng thiêng. Sau đó, chủ tế bắt đầu đọc Văn thề bằng âm Hán - Việt, rồi cầm dao bầu tiến đến đài thề cắt tiết gà với sự giúp đỡ của hai lính áo đỏ, nhỏ huyết vào bình rượu trên đài thề. Rượu được chuyển cho chủ tế và các vị bồi tế uống như thể ghi nhận lời thề đã tấu lên trước đó. Rượu được chuyển ra ngoài cho các vị cao niên trong làng. Lời thề "…lấy của công làm việc công thì được các thần linh ủng hộ. Nhược bằng có lòng tham, lấy của công đem về làm của tư, thì nguyện cầu các vị thần linh hãy đả tử!..." là tâm điểm của văn thề.
Sức sống đương đại
Theo tài liệu Hán Nôm còn lưu giữ và theo truyền khẩu của người dân địa phương, người có công xây dựng nên chùa và đền Hòa Liễu là một Thái hoàng Thái hậu nhà Mạc họ Vũ. Vào thập niên 1650, khi vương triều Mạc còn thịnh, bà đã kêu gọi các hoàng thân quốc thích khác cùng đóng góp, dựng nên ngôi chùa Thiên Phúc ở làng Hòa Liễu và mấy chục chùa khác ở các nơi. Riêng Hòa Liễu, bà xuất tiền mua 25 mẫu 8 sào ruộng cúng Tam bảo. Nhiều vị trong hoàng tộc hưởng ứng, sau số ruộng cúng chùa đạt tới 47 mẫu 3 sào. Từ số ruộng đó, làng cho nhà chùa 4 mẫu để cày cấy, còn lại làm ruộng công để đảm bảo người nào trong làng cũng có ruộng. Tương truyền, nhân đó, Thái hoàng Thái hậu đã đặt ra những lời thề đối với người được sử dụng đất, và bản văn Minh Thệ "không lấy của công làm của tư" đã dần dần định hình.
Một điều đáng quý là lê hội Minh Thệ vẫn đang lưu truyền và phát triển trong cuộc sống đương đại, trở thành một giá trị tinh hoa của một vùng quê lúa ở xứ Đông. Mỗi năm, khi lễ hội Minh Thệ được tổ chức, người ta kéo đến chật sân đền - chùa, yên lặng và trật tự quan sát, để cùng nhau thụ cảm tư tưởng "chí công vô tư", ý thức trách nhiệm với cộng đồng "không lấy của công thành của tư" được truyền đến từ trong bề dày của truyền thống văn hóa.
Đặc biệt, đại diện một số dòng họ trong làng cho biết, mỗi khi có dịp hội tụ đông đủ hay tổ chức cúng giỗ thì đều tuyên đọc lời văn thề của dòng họ (được soạn dựa theo nội dung văn thề ở đền - chùa Hòa Liễu). Ở trường cấp 1, cấp 2 trong xã, có nhiều thầy cô giáo giảng giải nội dung lễ hội Minh Thệ cũng như khuyến khích học sinh tìm hiểu về lễ độc đáo này và chiều sâu triết lí của nó.
Chu Xuân Giao (Viện KHXH Việt Nam)
http://www.baomoi.com/Le-hoi-Minh-The--Coi-nguon-cua-tu-tuong-chi-cong-vo-tu/137/5850423.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét