Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Văn nghệ Thứ Bảy : Tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh

Hôm nay, có bạn nhắc đến Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh.


Bây giờ, đưa chương đầu tiên và chương cuối cùng của cuốn này về đây.

---




Nguyễn Xuân Khánh

gười đàn ông đã đứng tuổi, mặc bộ quần áo nâu bạc phếch, vai đeo cái đẫy cũng bằng vải nâu trên có những miếng vá bằng vải đen, đang rảo bước trên con đường đá gan gà chạy dọc theo chân một dãy đồi. Những quả đồi thấp như bát úp, cây cối rậm rịt tạo thành một khu rừng tạp xanh tốt. Có những cây cao đầu phủ dây tơ hồng như đội mớ tóc giả màu vàng nuột nà; đám tơ hồng được ánh sáng chiều chiếu vàng, chúng như những cái đầu hãnh điện rung rinh để làm duyên cho khu rừng.
Người đàn ông dáng nôn nóng, hối hả, không giấu được vẻ háo hức, sung sướng khi ngắm cánh rừng và nhất là khi ngắm cái hồ lớn xanh ngắt nằm giữa vòng vây của núi đồi. Cái hồ xanh lục, như một tấm gương trời bao la, thu hình những ngọn đồi, những cánh rừng xung quanh, in bóng cả những cánh chim trời thỉnh thoảng lại xáo xác vỗ cánh bay vút lên từ một đám lau sậy ven hồ; chúng lượn vòng, lặng im không vỗ cánh, nương theo gió mà nghiêng nghiêng đầu, chăm chăm nhìn làn nước xanh như thể muốn tự chiêm ngưỡng cái dáng thon thả và bộ lông màu trắng duyên dáng và tinh khiết thêm cái mào đỏ rực rỡ của mình. Người dân ở đây bảo đó là loài hạc quý chẳng biết có đúng hay không.
Một cô gái chừng mười ba tuổi, váy đen, áo nâu, vấn khăn còn vụng để tóc lõa xõa trước mặt. Cô đi sau người đàn ông, vai quẩy chiếc đòn gánh ở hai đầu là hai chiếc bị rách. Cô gái kêu lên:
- Thầy ơi? Nghỉ lát đã, con mỏi chân lắm rồi.
Người đàn ông tóc hoa râm dừng chân lại, hiền từ nhìn con gái. Hai cha con ngồi bệt xuống vệ cỏ, mắt nhìn ra hồ.
- Đã về đến quê rồi hả thầy? - Cô con gái hỏi.
- Đã hai chục năm rồi, nhưng cảnh chẳng khác xưa mấy tí. Hồ này tên là hồ Huyền vì nước sâu màu đen. Tuy thế nhưng nước trong lắm. Ở phía Tây hồ có con sông, hồ thông với sông. Sang bên kia sông, ngọn núi phía đầu dòng là núi Mẫu, trên đó có đền thiêng. Ngọn núi phía dưới dòng là núi Đùng, Ở đó có nhiều chuyện lạ.
Người cha như hồi tưởng, cố lục tìm trong trí nhớ để kể cho con gái nghe về vùng quê cha đất tổ.
- Thế còn làng mình...
- Nó ở gần cửa sông, đi khỏi cánh rừng này thì đến. Các cụ già có chữ gọi nó là làng Cổ Đình. Còn dân thì vẫn gọi nó là làng Kẻ Đinh.
- Kẻ Đinh là gì hả thầy?
- Ông nội bảo làng này, ngày xưa, toàn con cháu họ Đinh. Có người bảo họ Đinh từ Ninh Bình ra. Thấy nơi đây đất lành chim đậu, nên dừng chân lập làng, lập ấp. Lại cũng có người nói rằng họ Đinh từ phía Hòa Bình xuôi xuống, vậy là gốc Mường. Cổ Đình nằm giữa vùng đồi núi và vùng đồng bằng.
Cô gái ngây thơ mỉm cười:
- Vậy, gia đình ta gốc ở đất Mường.
Người đàn ông sờ tay lên khuôn mặt, ra chiều suy nghĩ. Lúc này, mới nhìn rõ gương mặt của ông ta. Một nửa gương mặt đẹp, một nửa xấu xí. Phía đẹp là phía trái, với con mắt rất sắc; cái mũi vừa phải, thẳng và thanh tú; gò má xương xương khắc khổ; cuối cùng là một nửa đôi môi mỏng, hơi mím lại, chứng tỏ một trí lực bén nhạy và điềm tĩnh quyết đoán. Còn nửa phía phải? Nửa gương mặt ấy ai mới nhìn đều thấy sợ. Nửa gương mặt ấy là một vết sẹo to và đỏ. Vết sẹo do bị bỏng thì phải. Vết sẹo khi lành đã co kéo làm biến dạng khuôn mặt. Nó kéo khóe môi phải nhếch lên; nó làm cho mi mắt phải không khép lại được, làm cho con mắt ấy luôn luôn mở trừng trừng, thức cũng như ngủ. Hình như người đàn ông cũng ý thức được ý nghĩa của hai nửa mặt của mình nên khi nói chuyện với con, ông luôn ngồi ở chỗ để cho cô bé, khi nhìn ông, luôn chỉ thấy phần bên trái đẹp đẽ của gương mặt mình.
Còn cô con gái, sau khi đã đỡ mệt, cô đứng lên, chạy qua bãi cỏ rộng, ra hồ nước. Cô bé như con nai tơ mới lớn. Tuy rách rưới và có vẻ lam lũ, nhưng dáng cô bé chạy thật là yểu điệu. Đôi tay vung vẩy nhẹ nhàng, đôi chân nhún nhảy kín đáo dịu dàng. Tay trái cô đặt trước bụng giữ tấm áo, thân hình cô đung đưa thật duyên dáng.
Đến hôm nay, người cha mới chú ý đến cái dáng vẻ của cô con gái. Cô bé đã lớn bồng lên từ lúc nào mà ông chẳng hay. Cô đã thành thiếu nữ từ bao giờ mà ông không biết. ông chợt thấy bàng hoàng trong tâm khảm:
"Trời ơi! Sao con bé, khi chạy, lại giống mẹ nó đến thế".
Cô gái đã chạy tới mép nước. Nước xâm xấp ngọn cỏ. Nước từ gót son của cô gái long lanh bắn tóe lên. Cô gái cười với nước. Tiếng cười lanh canh giòn như pha lê.
"Trời ơi! Cả đến tiếng cười của nó nữa! Y hệt giọng cười của mẹ".
Cứ như thể cô Thắm, người vợ quá cố của ông đang hiện hình về ngay trước mắt ông. Cứ như thể ông nghe thấy tiếng hát trong veo của nàng đang lượn lờ trong không trung. ông bắc tay làm loa gọi với theo:
- Con chú ý kẻo sa xuống chỗ nước sâu.
Người đàn ông đó tên là Phác, Hai Phác, con cụ đồ Tiết. Cụ Tiết có hai người con trai: nhớn là Chất, em là Phác.
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các cuộc nổi dậy chống Pháp sau thời kỳ Cần Vương vẫn mọc lên như nấm. Ngoài những cuộc khởi nghĩa danh tiếng như Đề Thám, Đốc Ngữ còn có nhiều cuộc khác cũng tự xưng là ông Đốc, ông Đề, ông Đội, v.v... Ở vùng Cổ Đình có người học trò tên là Nghĩa cũng dấy binh phá đồn phủ, nên cũng được dân tôn xưng là ông Đề Nghĩa. Nghe nói lúc còn nhỏ, Nghĩa theo cụ đồ Tiết học chữ thánh hiền. Chất và Phác thuộc lớp em út của Nghĩa. Nghĩa đã ngoài bốn mươi, còn Chất, Phác ở dưới tuổi hai mươi. Là nhà nho lúc nào cũng canh cánh cái nhục mất nước, nên cụ đồ Tiết khi thấy anh học trò lớn dấy binh, liền trao luôn hai đứa con trai của mình đi theo Đề Nghĩa. Quân lính của Đề Nghĩa chưa đến một trăm tay súng, còn lại toàn đao kiếm cả. Họ đánh trận phục kích giặc đi tuần, đột hiện tấn công đồn, dùng chiến thuật thoắt hiện thoắt biến, thường bất ngờ đánh vào những chỗ yếu của địch. Nghĩa quân hoạt động suốt một dải rộng lớn gồm Sơn Tây, Phú Thọ, Hòa Bình, rồi có lúc vào tới cả Thanh Hóa. Cũng có một vài trận thắng giòn giã như trận đánh đồn chợ Sơn, tên quan hai khố xanh tên là Ferray bị nghĩa quân vây bức phải trốn chạy bằng thuyền, rồi phó mặc cho dòng nước sông Đà hung dữ cuốn đi, may mà thoát chết. Đánh nhau suốt ba năm ròng. Lúc đầu, nghĩa quân còn khỏe, còn hăng, lại luôn thắng trận nên phấn khởi lắm. Nhưng về sau, quân Pháp rút kinh nghiệm, không dàn quân nhỏ lẻ nữa, mà co cụm lại thành đồn lớn, sức nghĩa quân không đủ mạnh để phá. Trong khi ấy, Pháp cho ba tiểu đoàn càn quét săn đuổi. Chạy liên miên, đói khát liên miên sau đó bệnh tật sinh ra. Cuối cùng, nghĩa quân phải rút vào Thanh Hóa. Lúc khởi binh, chừng hai trăm quân; lúc bị bao vây không có lương mà ăn, chỉ còn vài chục người. Ông Đề Nghĩa biết mình khó trụ vững, liền tập hợp những nghĩa sĩ cuối cùng của mình lại và nói rằng:
“Trời đã chẳng giúp chúng ta. Đề Nghĩa này đã hết lòng tận trung với nước, nay đã sức cùng lực kiệt.
Một lạy này, Nghĩa xin gửi tới non sông.
Còn một lạy này, Nghĩa xin gửi tới anh em để tỏ lòng biết ơn những người bạn đã chung lưng đấu cật, sống chết có nhau, cùng trải qua những lúc nằm gai nếm mật.
Ta thẹn vì nỗi tài hèn nên đã để anh em lâm vào bước đường cùng. Nhưng, ta chẳng muốn để anh em cùng ta đi vào chỗ diệt vong.
Hãy nuốt nước mắt. Hãy nuốt mối hận thù vong quốc vào tận đáy lòng. Hãy đi về nơi thôn ổ, hoặc vào chốn thâm sơn cùng cốc, rồi mai danh ẩn tích, mà đợi thời vùng dậy.
Nếu bản thân cũng sức tàn lực kiệt, không làm gì nổi nữa, thì hãy dạy con, dạy cháu, chớ bao giờ được quên nỗi quốc sỉ này...".
Gần một trăm nghĩa sĩ đã im phăng phắc nghe những lời nói cuối cùng của Đề Nghĩa. Họ đã vâng theo lời chủ tướng, thay hình đổi dạng, chia tay nhau mỗi người mỗi ngả. Họ đã trèo đèo lội suối vào những bản rừng xa xôi chẳng ai đặt chân tới, cũng có người lẩn vào đám dân manh lệ, những kẻ lang thang đói khát mà vào thời đại loạn ấy rất nhiều. Nhờ sự kịp thời của chủ tướng nên phần đông trốn thoát.
Còn Đề Nghĩa, ông bị sốt rét chết trong rừng sâu. Bọn tay sai cắt đầu ông, nộp cho Tây lấy thưởng.
Trong đám tàn quân lưu vong ấy, có mặt hai anh em Chất và Phác.
Chất bảo em:

- Anh là con cả, cần phải quanh quẩn gần quê, để còn có thể biết tin tức cha già và báo hiếu cho cha. Còn em là con thứ, lại là người tài hoa, lại nhân tai nạn mà biến đổi khuôn mặt. Vậy, hãy trốn chạy thật xa, thay họ đổi tên, lấy vợ đẻ con, để mai sau lỡ ra anh gặp điều chẳng may, thì còn có em để tiếp nối huyết thống dòng họ Đinh nhà ta.
http://isach.info/story.php?story=mau_thuong_ngan__nguyen_xuan_khanh&chapter=0001




ột đêm mưa gió, một bóng người mặc áo tơi lá, đội nón sùm sụp nhằm bóng cây đa làng Đình đi tới. Đã khuya nên đường về làng vắng tanh. Những đêm mưa gió thế này, những ông bình vôi ở cây đa làng đưa võng, va vào nhau lốc cốc, rồi những chiếc lá đa gặp gió run lên phành phạch, rồi những tia chớp xé rách bầu trời trước khi những tiếng sét kinh hoàng cất lên. Tất cả tạo nên một bầu không khí hoang đường. Ai mà ra khỏi nhà, đứng dưới gốc cây đa lúc này có họa là điên. Thế mà người đàn bà mặc áo tơi lá từ lúc nãy vẫn thành kính đứng trước cái ngai thờ “đại thụ linh thần”. Không có lễ vật gì cả. Người đàn bà lấy sấm chớp làm đèn nhang, lấy những giọt nước mắt nức nở hòa cùng những làn nước mưa tầm tã làm quả nải dâng lên đấng thần linh. Vì thần linh nào chả giàu lòng thương xót. Người đàn bà vừa khóc vừa lầm bầm khấn vái. Có thể nỗi đau của người đàn bà phải ghê gớm lắm, chị ta mới đến đây cầu xin lúc mưa to gió lớn thế này.
Hình như lúc mới tới, người đàn bà e ngại điều gì nên cứ nhìn trước nhìn sau. Nhưng rồi thấy đường làng mãi chẳng có một bóng người, và mưa bão thì càng lúc càng lồng lộn dữ tợn hơn, người đàn bà áo tơi có vẻ yên tâm. Chị ta quỳ hẳn xuống trước ngai thờ, tiếng khóc đã phát ra thành tiếng. Gió mưa che lấp tiếng khóc, nhưng những nhà gần đấy, sáng hôm sau thì thầm với nhau rằng: "Đêm hôm trước trong cơn mưa to, có ma về khóc ở gốc cây đa. Nghe thảm lắm. Rợn cả tóc gáy".
Người đàn bà áo tơi khóc một hồi lâu, chị ta đang cúi gục trước cái bệ gạch, chợt cảm giác như có ai chạm nhẹ vào sau lưng, chị ngẩng đầu ngoái lại nhưng không thấy gì. Chị lại cúi xuống, và lần này cảm thấy như có ai đương nhìn mình. Chị ngẩng đầu lên lần nữa. Đúng lúc ấy có một ánh chớp. Bầu trời chợt sáng lên giây lát nhưng cũng đủ để cho người đàn bà áo tơi trông thấy một bóng người trắng toát phía trước mặt. Rõ ràng là một người đàn bà với mớ tóe dài để xõa và chiếc áo trắng thùng thình, tay áo thụng che kín bàn tay. Cả cái váy cũng màu trắng và che kín bàn chân. Cái bóng trắng áy đứng lơ lửng chân không chạm đất. Thế rồi ánh chớp phụt tắt để tất cả lại chìm vào bóng tối đen kịt. Người đàn bà áo tơi đã hoàn toàn nín bặt. Cái bóng trắng lạ lùng ấy làm chị ta quên đi trong phút chốc những nỗi riêng tư. Chị ta căng mắt nhìn vào bóng tối để tìm cái ảo ảnh màu trắng kia. Ở gốc đa linh thiêng này, thì bóng trắng kia có thể là thật. Ví dù có một bóng khác hoặc xanh, hoặc đỏ, hoặc tím, hoặc vàng nữa xuất hiện thì chị ta cũng thấy tự nhiên thôi, vì người dân ở đây vẫn tin rằng có nhiều cô nàng trú ngụ ở gốc đa này. Phía đằng đông chớp nhay nháy làm toàn thể bầu trời cứ như dãn ra rồi co lại. Mỗi lúc bầu trời dãn ra, hình như ánh sáng ở tận đâu đâu lại lọt vào để vùng bóng tối quanh cây đa cũng như được pha loãng. Lúc ấy, trong cái nhờ nhờ, người đàn bà áo tơi lại nhìn thấy bóng trắng. Ơ kìa! Cái bóng trắng đang giơ cao cánh tay áo thụng như vẫy gọi. Người đàn bà áo tơi ngây ra một lúc, rồi khi cái bóng trắng đi theo con đường mòn ra đồng, chị ta cũng đi theo.
Người đàn bà áo tơi như bị mê ngủ. Người đàn bà áo tơi như bị thôi miên. Cái bóng trắng như ẩn như hiện. Nó dẫn chị ta lội bì bõm trong những đám ruộng nước. Nó dẫn chị ta leo lên những ngọn đồi, rồi xuống bãi cát bên bờ con sông Son. Người đàn bà áo tơi sở dĩ như bị thôi miên, vì trong đầu chị đang thủ thỉ một tiếng nói: "Ta biết rằng con đang vô cùng thất vọng. Lúc nãy, con khóc như mưa như gió, sao lúc này con chẳng khóc nữa đi. Khóc cho vơi nhẹ. Con đang nghĩ gì vậy?... Ồ không! Không phải thế đâu! Đời nào ta lại khuyên con làm như vậy...".
Lạ thật! Cái bóng trắng lại biết cả những ý nghĩ thầm kín trong đầu óc chị ta. Lúc nãy, người đàn bà áo tơi chợt có ý nghĩ, hay là cái bóng trắng muốn dẫn chị ta tới bờ nước. Rồi cái bóng trắng rẽ nước đi xuống đáy sông. Người đàn bà áo tơi chẳng ngại đâu. Có như vậy, chị cũng đi theo. Ở đáy sông, nước chắc mát lắm. Lại sạch nữa. Nó sẽ tắm rửa sạch sẽ cho chị từ trong ra ngoài. Và chị ta lại tinh khôi mới mẻ. Nhưng cái bóng trắng lại mắng mỏ chị ta về chuyện ấy. Tiếng nói trong đầu mách bảo: “Sống mới khó, chứ chết thì dễ quá. Đã là người thì phải sống. Làm ma mới chịu chết. Mà làm ma đâu có quý hóa gì. Chỉ khi nào không thể… không đặng… thì lúc ấy mới phải chịu buông tay”.
Một chiếc thuyền nan không người đang bập bềnh ở mé sông. Cái bóng trắng dẫn dụ chị ta đến đó. Rồi cái bóng trắng đi lơ lửng trên mặt nước, dắt con thuyền qua sông. Người đàn bà áo tơi vẫn như mê ngủ. Cũng chăng hiểu sao chị còn biết cầm chiếc mái chèo mà bơi đi sang bờ bên kia. Cũng chẳng biết chị đã lần mò thế nào mà cuối cùng cũng tới được núi Mẫu. Mưa gió như thế! Mê man như thế! Kiệt quệ như thế! Nhưng rồi cuối cùng chị cũng gõ được cửa nhà bà đồng đền trên núi.
Lúc ấy gần sáng, bà Mùi đang mơ mơ màng màng, chợt nghe có tiếng động ngoài cửa. Bà mang đèn ra, hỏi ai đấy, rồi mở then cửa. Cánh cửa vừa hé ra, thì người đàn bà áo tơi ngã lăn theo. Bà Mùi vội vã dìu kẻ khốn khổ kia vào nhà. Quần áo chị ta ướt đẫm. Cởi chiếc áo tơi lá, bỏ chiếc nón sùm sụp trên mặt chị ta ra, bà Mùi bỗng kêu to:
- Nhụ! Ôi! Cái Nhụ!
Thì ra người đàn bà áo tơi lá ấy là cô con gái xinh đẹp, sau tai họa ngày hội, đã bỏ làng đi lưu lạc, nay đã trở về. Bà Mùi thay quần áo cho cháu, đốt lửa sưởi ấm, rồi pha bát nước gừng nóng cho cô uống. Sau khi dìu Nhụ lên giường, bà Mùi đắp lên người cô chiếc chăn chiên. Nhụ thiếp ngay vào giấc ngủ. Cô ngủ liền một mạch suốt một ngày một đêm.
Từ lúc tỉnh dậy, Nhụ cứ ngây ra như người mất hồn. Bà Mùi phải khéo léo lựa lời để kéo cô ra khỏi những nỗi khủng khiếp mà chắc chắn cô đã trải qua.
- Thế chồng con, thăng Điều bây giờ ở đâu?
- Chồng con trốn đi Sài Gòn... hay Cao Miên gì đó...
Bà Mùi thì thầm:
- Cũng phải thế thôi. Phải trốn đi biệt tăm biệt tích... chứ nó bắt được thì khốn. Người ra bảo lão tây Julien bị chém vào đầu, trở nên rồ rồ điên điên… Ừ! Mày trở về làng là phải… Mình là đàn bà… Còn nó phải trốn lủi lủi. Đi theo nó chỉ tổ vướng chân... Rồi bịn rịn nhau, có khi gây họa…
Cô con gái chợt khóc nức lên; bà Mùi cũng chảy nước mắt theo cháu:
- Thảm lắm con ơi... Thế cháu đã biết... thầy mày…
- Cháu biết rồi... Lúc về đầu làng... cháu đã khấn vong linh thầy cháu ở góc đa... Thế rồi chẳng biết làm sao... có bóng trắng hiện lên dẫn con về đây với cô... chắc là bóng Mẫu. Không có bóng Mẫu... thì con đã trẫm mình xuống sông rồi.
Nhụ bỗng khóc òa. Bà Mùi vội ôm lấy cháu, vỗ nhè nhẹ vào lưng. Sự đụng chạm vào thân thể người con gái chợt nhắc bà một điều quan trọng mà bà cần hỏi.
- Thế… Thế…
Khi thay quần áo cho Nhụ, bà Mùi đã trông thấy cái bụng lùm lùm của Nhụ. Phải nói bà mừng lắm. Nhưng lúc nãy, tại sao nó lại bảo định đâm đầu xuống sông? Câu nói ấy thực sự đã làm cho bà lúng túng, bà hiểu có điều gì trắc trở đây mà bà chưa biết. Và bà cũng hiểu mình phải rất gượng nhẹ. Lòng dạ đứa cháu gái lúc này khác nào cái vỏ trứng mong manh. Bà Mùi đã là bà lang chữa bệnh cho bao nhiêu người đàn bà, nên bà hiểu sự gượng nhẹ là thế nào. Bà biết lời nói cũng là một phương thuốc nên bà tỉ tê:
- Con gái có mang lần đầu cần được nhẹ nhàng, thong thả. Thế mà cháu của cô chịu vất vả nhiều quá. Cháu không lo nữa, bây giờ có cô rồi…
Cô con gái vẫn khóc. Nhụ giấu đầu vào mái tóc bà để khóc. Bà Mùi vẫn vỗ về cô:
- Thế thằng chồng cháu... nó có nhẹ nhàng với cháu không? Hay là... cực nhục quá, nó sinh ra gắt gỏng.
- Cô ơi? Anh ấy tốt với cháu lắm... Nhưng cháu khổ lắm. Cháu chỉ muốn chết thôi cô ạ. Cháu có mang tủi nhục quá cô ơi.
Người cô chợt mang máng điều gì. Nghĩ một lát, bà chợt giật mình. Bà nắm lấy hai vai người cháu, đỡ Nhụ ngồi thẳng dậy, rồi nhìn vào mắt cô gái và hỏi:
- Cháu đừng nói dại. Cháu sắp làm mẹ. Mà làm mẹ thì phải vững vàng... cho đứa con nó nương dựa. Dù có thế nào chăng nữa... làm mẹ cũng là vui sướng. - Bà thở dài - Như cô đây, cô chẳng có con... Bây giờ cháu là con của cô. Cô hiểu rồi. Con không cần phải nói gì nữa. Đứa bé là con của ngày hội chứ gì?
Người con gái khóc òa. May mắn thay Nhụ đã trở về làng, trở về với người cô, trở về núi Mẫu.
Nếu như không có cái bóng trắng ở gốc đa đưa đường, chắc đêm hôm ấy Nhụ đã đâm đầu xuống sông rồi. Bởi vì, khi trở về làng, Nhụ đã có ý định ấy. Cô Mùi bảo: "Tâm động quỷ thần tri. Vì phận con long đong quá, vì con thống thiết quỳ lạy trước vong linh người cha bạc phận, nên đúng là Mẫu đã hiển hiện cứu con".
“… Mẫu đã thương xót đưa dắt con trở về đây, tức là Người sẽ che chở cho con. Sống với Mẫu, con sẽ thấy thảnh thơi, vơi nhẹ…”
Cô Mùi bảo thảnh thơi, vơi nhẹ, nhưng thực ra lòng dạ Nhụ lúc nào cũng thấp thỏm. Cô chỉ sợ... Cô rất sợ đứa con oan nghiệt, đứa con của sự cưỡng đoạt, đứa con của ngày hội lúc ra đời lại khác thường. Sự khác thường ấy sẽ là sự đánh dấu, sẽ là nỗi khốn khổ cho mẹ nó. Vàà nhất là cho chính nó. Bởi vì ở làng quê kẻ khác thường bao giờ cũng có một số phận nếu không phải tủi nhục, thì cũng long đong. Do vậy, sáng nào, tối nào, Nhụ cũng dâng hoa cúng Mẫu, ngày đêm cô cầu xin Mẫu để cho đứa con cô được giống mọi người. Cô đã là mục đồng nên cô mong con cô như một con bê non. Nếu đem thả nó vào đàn bò, con bê ấy xin đừng khác với một con bê, con bê ấy xin được các bò bố, bò mẹ chấp nhận là đứa con trong đàn.
Lời cầu xin ấy may mắn đã được thỏa nguyện. Tới ngày, Nhụ sinh được một bé gái. Con bé xinh xắn lạ thường. Mới ra đời tóc đã rậm rì và đen láy. Nhụ thở phào. Mẫu đã thương cô. Đứa con ấy chẳng lạ thường. Con bê non đã giống như muôn vàn con bê khác. Con bé đã đem lại cho Nhụ bao nhiêu mềm vui. Con mắt to. Đôi lông mày dài. Cái mũi xinh xinh thanh tú. Cái miệng lúc nào cũng cười. Lúc bà mụ đưa đứa bé cho Nhụ ẵm, người mẹ trẻ sung sướng mà không ngăn được những dòng nước mắt rơi lã chã. Bà Mùi ôm lấy đứa cháu đỏ hỏn, rồi măng yêu:
- Cha bố cô! Hay chưa! Sao mà lắm nước mắt thế! Buồn thì khóc đã đành. Vui cũng khóc được ư.
Lại nói về đồn điền Messmer. Sau cái đêm con rắn khủng khiếp xuất hiện ở ngôi nhà chính, Julien phải đưa về nhà thương Đồn Thủy. Julien thoát chết nhưng khi trở về đồn điền, tính nết ông hoàn toàn đôi khác. Trước kia ông năng nổ hoạt động bao nhiêu thì bây giờ ông khép kín và lặng lẽ bấy nhiêu. Săn bắn, cưỡi ngựa là những thứ vui ông ham mê trước đây, bây giờ súng săn để gỉ, ngựa hồng cả tháng chẳng được lắp yên. Đến chuyện đàn bà, đó là thứ vui lúc nào cũng làm sôi sục trái tim ông; ngày nay, trông thấy họ, ông dửng dưng. Suất ngày, ông giam mình trong ngôi nhà chính để đọc sách. Ông René từ Hà Nội về chơi, thấy vậy mừng lắm. René bảo:
- Ông ta đọc sách, tức là đã trở thành con người chín chắn. Còn Pierre lại lo ngại vì sự quá ư chăm chỉ đọc sách của người em. Cho tới một đêm, Juiien đang ngủ chợt choàng thức dậy. Pierre cứ thấy buồng người em lục sục suốt đêm. Sáng ra, người anh hỏi nguyên nhân; người em trả lời tự dưng bỗng ngửi thấy một mùi rất khó chịu làm cho không tài nào ngủ được. Phải bật dậy tắm rửa mới thấy yên tâm. Cái mùi ấy mới đầu toát ra từ khắp thân thể, về sau đọng lại ở hai bàn tay. Juhen luôn luôn đưa tay lên mũi ngửi, rồi luôn luôn phải rửa tay. Mới đầu, mỗi ngày rửa năm sáu bận; về sau mỗi ngày rửa tới vài chục bận. Pierre cầm tay Julien đưa lên mũi mình ngửi, song chỉ thấy thơm mùi xà phòng, tuyệt nhiên chẳng nhận thấy mùi gì khác lạ. Hỏi thì Julien trả lời cái mùi ấy kinh khủng lắm, nó làm cho ông ta buồn nôn. Mới rửa, mùi đỡ hẳn, nhưng chỉ mươi phút sau lại ngửi thấy ngay. Hình như mùi ấy từ lỗ chân lông toát ra.
Pierre biết em mình mắc bệnh. Người họa sĩ mời bác sĩ Alexandre về khám cho Julien. Bác bĩ khám xong còn tự mình đánh xe đưa Julien về Hà Nội, nhờ một người bạn, một giáo sư trứ danh từ Paris sang khám cho. Cả hai người cùng khuyên Pierre nên đưa Julien về Pháp chữa bệnh. Họ bảo chứng này là hoang tưởng khứu giác. Julien buộc phải trở về Pháp.
Từ đó họa sĩ Pierre trở thành ông chủ đồn điền bất đắc dĩ. Đó là triều đại thứ ba của dòng họ Messmer ở đất Kẻ Đình. Pierre bảo rằng ông không có tố chất một nhà kinh doanh, ông chỉ quản lý tạm thời để chờ người cháu là André trưởng thành. André là con của người anh cả Philippe và bà Hélène. Người cháu đang học đại học, sau này tiếp nhận đồn điền, anh ta là người thứ tư kế nghiệp. Người sinh viên này chưa sang, nhưng đã viết thư cho ông chú Pierre và nói rằng: "Nếu để mất đồn điền thì đâu còn mềm vinh quang kiêu hãnh của dòng họ Messmer. Cháu đang học canh nông, ngoài ra còn học thêm cả Đông phương học. Cháu thích xứ Đông Dương mặc dầu chưa đặt chân qua đấy. Thuở nhỏ, cháu được mẹ dạy dỗ để sợ hãi cái xứ sở nguyên thủy hoang sơ, đầy bất trắc và phì nhiêu ấy. Nhưng mẹ cháu càng nhồi nhét vào đầu cháu những điều đó thì cháu lại càng âm thầm đi ngược lại những điều bà nói. Cháu thường lén đọc những bức thư mà ba cháu gửi về từ Đông Dương. Cháu yêu mẹ, nhưng cái tính khí can trường, đi mở rộng vinh quang, đi chiếu rọi ánh sáng của nền văn minh Pháp tới những vùng đất mới làm cho trí tưởng tượng bay bổng của cháu được thỏa mãn...".
Người chú đọc xong lá thư của người cháu, vừa thấy vui, vừa thấy buồn. Ông vui vì người con trai độc nhất của gia đình Messmer đã lớn thật rồi. Anh ta đã thành người đàn ông. Còn buồn vì sao ông cũng chẳng biết nữa. Không hiểu sao ông lại nhớ tới một câu nói của ông già Lệnh bên bàn đèn thuốc phiện. Ông ta bảo:
- Ông chủ Pierre có biết không Người An Nam gọi người Tầu chúng tôi là “chú khách”. Hay thật! Tầu chúng tôi sang xứ này đã từ hơn hai nghìn năm trước, lại cai trị xứ này một nghìn năm. Thế mà chúng tôi vẫn là khách... Khi mới sang xứ An Nam này, nghe họ nói như thế, tôi rất tức. Tôi không chịu…
- Còn bây giờ thì sao?
- Bây giờ à?... Bây giờ thì tôi chịu. Nói xong, ông già Tầu cười phá lên, cười rất to. Ông nheo nheo con mắt nhìn Pierre. Người họa sĩ cứ nhớ mãi cái ánh mắt của ông già Tầu. Cái ánh mắt muốn nói nhiều mà không nói.
Một hôm, René về chơi, rủ Pierre lên thăm đền Mẫu. René, từ khi được Pierre cho xem mấy bức tranh "Lên đồng" của họa sĩ Tuấn, tỏ ra chú ý đến đạo Mẫu. Ông đã viết một bài về lên đồng trong cuốn “Tín ngưỡng và tôn giáo của người An Nam”, tuy nhiên, ông chưa thỏa mãn và muốn tìm hiểu sâu hơn.
Hai người lên đến sân đền, bắt gặp bà Mùi đang chơi với một em bé gái chừng ba, bốn tuổi. Con bé bụ bẫm, tóc để cun cút. Cả đầu cạo trọc, chỉ còn mớ tóc đen đằng trước xõa xuống trán. Nó mặc chiếc quần lửng quá đầu gối. Áo may bằng vải đỏ, thứ vải lấy từ tấm trướng cũ phá ra may. Có lẽ đó là tấm trướng của một nhà giàu, con mắc bệnh nặng được bà Mùi chữa khỏi đã đem tặng, trên đó ca tụng công đức của bà đồng kiêm bà lang. Tấm trướng cũ đã phai màu, bà Mùi bóc chữ nho đi rồi lấy vải, may cho cháu để lấy khước. Đứa bé một tay chống nạnh, một tay cầm cái quạt, hát bi bô một câu gì đó. Chắc nó bắt chước mẹ nó.
Pierre trông thấy đứa bé mặt sáng ngời ngời đáng yêu quá. Ông thích cái áo đỏ đặc biệt. Những chữ nho đã được bóc đi nhưng còn để dấu vết in trên nền vải. Thành thử cái áo như được trang trí bằng những chữ tượng hình lạ mắt. Từ hồi thuê nhà bà ba Pháo, Pierre đã biết cách khéo léo thu hút trẻ nhỏ. Lúc nào trong túi ông cũng có kẹo. Vì vậy ông làm quen ngay được với bé gái. Bà Mùi cũng rõ tính tình tử tế của Pierre từ khi bà còn ở với ông Philippe, nên niềm nở tiếp đón người họa sĩ ngoại quốc. Pierre nói bằng thứ tiếng Việt rất sõi:
- Em chào bà chị. Đứa trẻ nào vậy? Tên nó là gì?
- Cháu ngoại tôi đấy. Tên nó là Nhị.
- Em tưởng… Người họa sĩ tây tỏ vẻ ngạc nhiên nhưng không đám nói hết câu.
- Ừ… Nó là cháu ngoại vì mẹ nó là cái Nhụ.
- À à… Như vậy là em hiểu rồi... Ôi chao? Con bé đáng yêu quá. Chị giúp em một chút nhá... Chị ôm lấy cháu cho em vẽ cả hai bà cháu.
Và thế là khi ông René đi thăm thú ngôi điện, đứng xem bức tranh cô Chín đền Sòng trên tường, rồi ngắm nghía đôi bạch xà, những chiếc nón... thì Pierre cặm cụi ngồi vẽ bà Mùi và bé Nhị. Chẳng phải chỉ vì cái cun cút ngộ nghĩnh trên đầu con bé, cũng chẳng phải chi vì cái áo vải đỏ độc đáo mà Pierre vẽ bé Nhị. Khi nhìn thấy đứa bé, lòng người họa sĩ đột nhiên như run lên. Có cái gì ở con bé thật gần gũi, thật thân thương mà Pierre không hiểu nổi. Khuôn mặt con bé thanh tú lạ thường, thông minh lạ thường. Ừ, mà sao con bé lại dễ làm quen với mình thế nhỉ?
Cuộc đi thăm đền Mẫu hôm ấy rất bình thường nhưng không hiểu sao nó để lại cho Pierre một ấn tượng rất lạ lùng; cũng có thể nói, lòng ông đột nhiên xao xuyến. Tại sao lại xao xuyến? Khi ông đến, rõ ràng đứa bé hồn nhiên tươi vui. Nhưng khi ông vẽ, khi đứa bé quàng tay vào cổ bà nó và tròn mắt nhìn ông thì chao ơi? Sao đôi mắt còn bé buồn đến thế. Đúng! Đôi mắt bé Nhị rất buồn. Rất hiếm khi ta gặp trẻ con buồn. Trẻ con có thể khóc nhưng không buồn. Và trẻ con đã buồn ra đôi mắt thì, chao ôi! Thật nao lòng. Ông không muốn nghĩ đến đôi mắt trẻ thơ ấy nữa. Vì nghĩ đến nhiều, chúng như một lời trách móc.
Tối hôm ấy Pierre và René lại đến cuối khu vườn bưởi, đến bàn đèn của ông Lềnh. Người đầu bếp Tầu khi ấy đã già lắm rồi. Ông già không làm việc được nữa, nhưng Pierre vẫn để cho ông ta ở trong căn nhà nhỏ. Ông ta vốn tằn tiện, định dành dụm để mở một hiệu thuốc. Bây giờ thì chả cần cái cửa hiệu ấy nữa rồi, vì ông sống độc thân chẳng vợ chẳng con. Do vậy, ông đem số tiền để dành đó ra mua thuốc hút dần dần. Cả đến việc này ông cũng có kế hoạch. Số tiền đủ cho ông hút hơn mười năm nữa. Khi ấy ông cũng đã hoàn chín mươi. Không biết có còn sống được đến ngày ấy không.
Ông Lềnh già, nhưng cái thói quen tán chuyện của ông lại không hề già chút nào. Cũng có thể nói ông càng già tán chuyện càng hay. Đêm nay ông nói với hai người bạn Tây về những người đồng hương của ông:
- Người Trung Hoa chúng tôi sang nước An Nam này kéo dài suốt hai nghìn năm nay. Có người sang làm quan, có người sang buôn bán, nhưng phần đông sang để trốn tránh loạn lạc hoặc vì nghèo khó phải đi tìm nơi đất lành chim đậu. Ở nước tôi có làm cuộc loạn lạc, thay đổi triều đại, nên mỗi lần lại có một đợt di cư. Đi bằng đường bộ thì núi cao sông dài, lam sơn chướng khí, khó mà đến nơi còn sống sót. Do vậy, phần đông chúng tôi sang bằng tầu thuyền. Nước An Nam dài dằng đặc, lại nằm sát biển, nên thuyền đến đâu cũng có thể lên bờ được. Vì chúng tôi di cư đến bằng tầu bằng thuyền, nên dân gian gọi chúng tôi là người Tầu…
- Chúng tôi chẳng đến xứ này bằng tầu hay sao? Sao họ chẳng gọi chúng tôi là người Tầu? - René hài hước nói.
- Vì các ông đến sau, lại mới đến nên chữ Tầu đã dành cho chúng tôi mất rồi. Còn điều này nữa, người dân xứ này hiếu khách, nên họ đối đãi với chúng tôi như khách. Họ gọi chúng tôi là chú khách.
- Chúng tôi chẳng là khách hay sao? - René lại hỏi.
- Đúng. Các ông cũng là khách nhưng ở lại muốn làm chủ. Chúng tôi cũng đã có lúc như vậy. Nhưng điều ấy chỉ gây ra những nỗi buồn... Có một điều làm tôi suy ngẫm rất nhiều, đã từ lâu lắm rồi. Đó là: Nước chúng tôi là một nước văn hiến hơn xứ sở này; vậy tại sao rất nhiều người sang đây, lại không bao giờ quay trở về quê cũ, để cuối cùng trở thành người xứ này?
René nghe vậy đã định tranh cãi song lại ngồi yên. Ông Lềnh cũng đoán được ý nghĩ của nhà dân tộc học, liền cười và nói:
- Tôi cũng hiểu chả thiếu gì người xứ này muốn trở thành người chúng tôi hay người các ông, song tôi chỉ muốn bàn tới điểm tại sao người chúng tôi lại muốn trở thành người xứ này. Điều phải bàn là tại sao người ta có thể muốn từ cao xuống thấp. Có thể nguyên nhân là người đàn bà chăng? Người đàn bà là Mẫu, là Mẹ - Người đàn bà là Đất xứ sở. Người đàn bà là văn hiến. Mà người đàn bà xứ này có hai điểm để cho nhiều người đàn ông muốn lập sự nghiệp yêu thích, đó là sự đằm thắm và sụ gánh vác cam chịu… và những đứa con của họ mới tuyệt vời làm sao. Những người bạn của tôi lấy vợ An Nam đều nói: "Chúng tôi có thể hoàn toàn yên tâm nhắm mắt vì những đứa con họ đã sinh cho chúng tôi".
Pierre gật gù, anh nghĩ miên man tới nhiều chuyện nhưng anh không nói ra. Anh chỉ cười và bảo:
- Ông Lềnh là người hoan nghênh những đứa con lai.
René ngẫm nghĩ mãi mới cất lời:
- Tôi còn nhớ một câu nói của một nhà văn Đức: "Nul ne se promène impunément sous les palmes" (chẳng ai đi dưới bóng hàng cọ mà lại không hề hấn gì). Phải chăng, khi ra khỏi bóng hàng cọ, ta sẽ chẳng còn giống như xưa? Ở đời, trong cuộc chơi, cả hai bên đều phải đi qua dưới bóng hàng cọ.
o O o
Một bận, Xuân lên đền Mẫu. Nhụ dẫn anh ra khu rừng Báng thăm mộ ông Huyền. Ngôi mộ bà Mùi chỉ chôn mỗi cái đầu của con người đánh đàn tài hoa. Bây giờ, Xuân và Nhụ đã nhận anh em. Xuân bảo: "Thầy đẻ ra anh. Còn cô được thầy nuôi nấng yêu thương từ tấm bề. Cô là em anh. Anh có bổn phận chăm sóc cho mẹ con cô".
Xuân thắp hương trước mộ. Nhụ đi đánh những bụi cúc dại trồng quanh mộ. Xuân ngồi trên cỏ nhìn khói hương ngẫm nghĩ. Từ cái buổi mới gặp ông Huyền lần đầu tiên, anh cứ suy nghĩ mãi về khuôn mặt ấy. Tại sao gương mặt ông lại một nửa đẹp đẽ, còn nửa kia quái dị? Trải qua những biến động trong làng xóm, lúc này hình như anh đã hé nhìn thấy một điều gì đó. Điều ấy có lẽ là câu hỏi day dứt của những người như anh, như Tuấn, như Huy, như cụ Tú cụ Đồ và rất nhiều người khác. Tuấn ra đi thật xa để nhìn về gần. Huy dấn vào con đường bão tố. Phải chăng cũng vì điều ấy. Còn Xuân, sinh ra từ ngôi làng, từ hoàn cảnh éo le, anh hiểu trong lòng anh có cả tiếng đàn ngọt ngào của người cha và cả nửa khuôn mặt xấu xí kia. Nhưng dù sao đó là khuôn mặt của người đã sinh thành ra anh...
Đứa con gái nhỏ xíu của Nhụ theo mẹ đi đánh hoa dại. Con bé nói chưa sõi, nhưng đã biết líu lo hát câu gì đó. Hai mẹ con bỗng cười giòn. Xuân hỏi:
- Nó hát thế nào, anh nghe không rõ.
- Chẳng là em vẫn ru con bé ngủ bằng câu hát ấy. Và con bé đã nhập tâm. Câu hát thế này:
Người đâu đẹp lạ đẹp lùng.
Rõ ràng cô Chín đền Sòng giáng lâm.
Rồi Nhụ nói thêm:

- Anh ạ, ngày xưa có lần mẹ em bảo: “Đã là người ta, con ơi, ai chẳng là con của Mẫu”. Cho đến hôm nay em mới hiểu rõ câu nói ấy.
http://isach.info/story.php?story=mau_thuong_ngan__nguyen_xuan_khanh&chapter=0059



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét