Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Nhờ bạn nào đó hỏi "chú bé" Trần Đăng Khoa giúp, về câu thơ viết năm 1969

Thấy báo chí loan là nhà thơ Trần Đăng Khoa vừa ra một cuốn sách kép, tập hợp toàn bộ những bài hay trong sự nghiệp thơ của ông. Xem tin ở dưới.

Theo tin đó, thấy ông tâm sự rất nhiều và việc thơ mình được chỉnh sửa ra sao. Chẳng hạn:


"Trần Đăng Khoa cho biết toàn bộ vốn liếng thi ca của ông nằm hết trong cuốn sách mới này. "Đây thực ra là cuốn sách kép, khoảng ba bốn cuốn dồn lại, trong này có nhiều hồi ức của cuộc đời tôi nhưng chỉ ở mảng văn chương".

Cuốn sách mới cũng chứa đựng đầy đủ lý giải của Trần Đăng Khoa trong việc lựa chọn câu chữ cho từng bài thơ. Đặc biệt, tác giả khôi phục lại văn bản đầu tiên của nhiều tác phẩm nổi tiếng. Ví dụ, bài Hạt gạo làng ta ban đầu Trần Đăng Khoa viết "Có lời mẹ hát ngọt bùi đắng cay". Bài thơ khi gửi lên báo được biên tập thành "Có lời mẹ hát ngọt bùi hôm nay". Dù phiên bản sau đã phổ biến và ăn sâu trong trí nhớ của mọi người, nhà thơ vẫn muốn độc giả biết được bản đầu tiên mà ông viết.
Hay trong bài thơ khác Trần Đăng Khoa viết "Trăng bay như quả bóng, đứa nào đá lên trời" nhưng được chữa thành "Bạn nào đá lên trời". Nhà thơ giải thích: "Trẻ con chúng tôi chơi với nhau hàng ngày gọi nhau là tao - mày, chỉ khi sinh hoạt đội mới gọi là bạn. Tôi viết 'đứa nào đá lên trời' nó mới đúng là trẻ con, thân mật vô cùng".".

Thay vì việc tôi cất công đi hỏi trực tiếp bác Khoa, thì nhờ bạn nào hỏi giúp câu hỏi tôi đã nêu từ lâu, ở đây ở đây.

Lần trước, bác Vũ Nho có hỏi giúp một chút, và kết quả như sau (nhà thơ trả lời rất không thỏa đáng):

"Bạn Giao thân mến!
Tôi đã điện thoại cho Trần Đăng Khoa để nói về thắc mắc của bạn. Nhà thơ trả lời hai ý : Thứ nhất là bài này, nhà thơ Xuân Diệu không có góp ý gì. Thứ hai, "hoa bay" ở đây là câu thơ viết ảo, đa nghĩa: Có thể hiểu hoa bông gòn, bông gạo bay; cũng có thể hiểu là hoa nắng (qua tán lá) lung linh khi gió thổi; và cũng có thể hiểu là những nụ cười trên gương mặt người như hoa trong gió và nắng của bóng cây Phủ Tây Hồ!
"


"Vu Nho10:08 Ngày 06 tháng 04 năm 2015

Bạn Giao thân mến. Câu hỏi bên ngoài thơ của bạn, tôi đã chuyển đến nhà thơ Đần Đăng Khoa ( bằng điện thoại). Chúng ta có thông tin sau: - Ngày ấy, chú bé Khoa đến Phủ Tây Hồ không chỉ một lần, mà vài ba lần. Khi thì đi với bạn bè, khi thì đi một mình. Chú Khoa thấy ngày đó ở Phủ cũng có rất đông người đi lễ, đi chơi. Còn câu thơ trước đó chú Khoa viết : Hà Nội có sao đâu. Như vậy chắc chắn câu kết sẽ không thể là Phủ Tây Hồ hoa bay... Câu kết này chắc chắn là được sửa cùng với câu " Ba Đình vẫn xanh cây". Vấn đề sửa thơ thì có nhiều chuyện. Có thể biên tập SỬA, rồi sau này, chú Khoa "lấy" lại. Chẳng hạn : bạn nào đá lên trời - ĐỨA nào đá lên trời. Có lời mẹ hát ngọt bùi hôm nay - Có lời mẹ hát ngọt bùi ĐẮNG CAY!...
"


Dưới là tin mới của VnEx.

---

Thứ hai, 25/4/2016 | 14:39 GMT+7



"Thần đồng thơ" cho biết kho sách của anh trai làm giáo viên và những câu chuyện kể buổi tối của mẹ là kho tàng tri thức vô giá làm nên con người ông.
Nhân dịp ra mắt Tuyển thơ Trần Đăng Khoa, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức buổi giao lưu với "thần đồng thơ" vào 24/4, trong khuôn khổ Ngày sách Việt Nam.
Trong buổi trò chuyện, thần đồng thi ca Việt Nam chia sẻ ông sinh ra ở một làng quê nghèo, gia đình cũng nghèo. Lệ của vùng quê ấy là cứ bảy giờ tối lên giường và tắt đèn để tiết kiệm dầu. Trong những buổi tối như thế, Trần Đăng Khoa nằm cạnh mẹ và được nghe rất nhiều cổ tích, ca dao. Từ thuở bé, ông đã thuộc truyện Kiều và hàng nghìn câu ca dao, tục ngữ.
Trần Đăng Khoa có người anh dạy học ở Quảng Ninh, bao nhiêu tiền đều dồn vào mua sách. "Bác ấy có tủ sách rất lớn, khóa lại và bỏ chìa khóa vào bức tượng M. Gorki đặt trên nóc tủ. Cứ bác ấy đi dạy học thì tôi lục ra đọc, trong đó có ngăn sách cấm gồm truyện Chekhov, tiểu thuyết Đỏ và đen, Bỉ vỏ, Số đỏ... Tôi toàn lấy sách cấm đọc. Đó là cánh cửa mở cho tôi ra với thế giới rộng lớn".
Một lần, Trần Đăng Khoa đọc được cuốn Tấm lòng chúng em tập hợp những bài thơ thiếu nhi viết về Bác Hồ. "Tôi nghĩ bụng làm thơ thế này thì mình cũng làm được". Từ đó, Trần Đăng Khoa bắt đầu làm thơ.
"Ai đó bảo làm thơ phải rưng rưng xúc động tôi thấy ngạc nhiên lắm. Tôi cứ ngồi xuống là viết thôi. Hồi đó mọi người đến nhà bảo làm về cái gì thì tôi làm về cái đó. Thế mới có bài thơ về cây dừa, cây cau, bài thơ mất chó...".
Trần Đăng Khoa chia sẻ hồi đầu làm thơ phần lớn phụ thuộc hiện thực nhưng sau đó nhà thơ dần nhận ra thơ là sự hư cấu, quan trọng sự hư cấu đó phải giống hiện thực hơn cả việc mô tả nó. Theo Trần Đăng Khoa, hai câu thơ "Ngoài thềm rơi cái lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng" chính là sản phẩm của sự hư cấu đó. "Bởi ở Côn Sơn không có lá đa, tôi chỉ bịa ra để diễn tả một sự im lặng tuyệt đối".
than-dong-tho-tran-dang-khoa
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà thơ Di Li (từ phải qua) tại buổi giao lưu.
Tuyển thơ Trần Đăng Khoa dày 450 trang, tuyển chọn những tác phẩm hay nhất trong các tập thơ đã xuất bản của Trần Đăng Khoa,gồm Từ góc sân nhà em, Góc sân và khoảng trời, các trường ca Làng quê, Đánh thần Hạn, Trừng phạt, Khúc hát người anh hùng, tập thơ Hoa duối, Cánh cò trắng muốt, Tiếng chim năm ngoái, Bên cửa sổ máy bay. Cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn xuyên suốt chặng đường sáng tác hơn nửa thế kỷ của thần đồng thi ca Việt Nam.
Trần Đăng Khoa cho biết toàn bộ vốn liếng thi ca của ông nằm hết trong cuốn sách mới này. "Đây thực ra là cuốn sách kép, khoảng ba bốn cuốn dồn lại, trong này có nhiều hồi ức của cuộc đời tôi nhưng chỉ ở mảng văn chương".
Cuốn sách mới cũng chứa đựng đầy đủ lý giải của Trần Đăng Khoa trong việc lựa chọn câu chữ cho từng bài thơ. Đặc biệt, tác giả khôi phục lại văn bản đầu tiên của nhiều tác phẩm nổi tiếng. Ví dụ, bài Hạt gạo làng ta ban đầu Trần Đăng Khoa viết "Có lời mẹ hát ngọt bùi đắng cay". Bài thơ khi gửi lên báo được biên tập thành "Có lời mẹ hát ngọt bùi hôm nay". Dù phiên bản sau đã phổ biến và ăn sâu trong trí nhớ của mọi người, nhà thơ vẫn muốn độc giả biết được bản đầu tiên mà ông viết.
Hay trong bài thơ khác Trần Đăng Khoa viết "Trăng bay như quả bóng, đứa nào đá lên trời" nhưng được chữa thành "Bạn nào đá lên trời". Nhà thơ giải thích: "Trẻ con chúng tôi chơi với nhau hàng ngày gọi nhau là tao - mày, chỉ khi sinh hoạt đội mới gọi là bạn. Tôi viết 'đứa nào đá lên trời' nó mới đúng là trẻ con, thân mật vô cùng".
Nhà thơ Nguyễn Văn Thọ đánh giá Trần Đăng Khoa và Phạm Tiến Duật là hai nhà thơ đáng trân trọng trong lịch sử chống Mỹ cứu nước. "Khi chúng tôi ở chiến trường ác liệt, khó khăn và hy sinh rất nhiều thì Phạm Tiến Duật xuất hiện làm hàng vạn người lính cảm thấy không cô đơn, tay súng vững hơn. Cũng những năm ác liệt đó, Trần Đăng Khoa xuất hiện rực rỡ với Hạt gạo làng ta. Đúng lúc đất nước cần hàng vạn người cùng chúng tôi ra chiến trường, Khoa làm những bài thơ giúp người ta yêu đất nước hơn để quyết tâm nhập ngũ, góp phần thống nhất đất nước". Theo Nguyễn Văn Thọ, Trần Đăng Khoa nói về lòng yêu nước từ những điều rất nhỏ bé nhưng thân thuộc, đó là ngôi nhà, bố mẹ, quyển sách quyển vở, cái cây, hạt gạo...
Nhân dịp này, Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản tiểu thuyết mini Đảo chìmcủa Trần Đăng Khoa viết về những chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc, với trải nghiệm thực tế của nhà thơ khi là lính đảo. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ đánh giá đây là tác phẩm xúc động, khiến ông rơi nước mắt khi đọc.
Di Ca
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/tran-dang-khoa-luc-nho-toi-toan-doc-trom-sach-cam-cua-anh-trai-3392596.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét